Các nhà đầu tư lớn đang bắt đầu lo lắng về một số yếu tố chính làm nền tảng cho đà tăng thị trường chứng khoán trong thời gian qua.
Kỳ vọng tăng trưởng kinh tế giảm 14% từ cuộc khảo sát tháng 8 của BofA.
BofA cho biết trong báo cáo rằng, sự lạc quan về kinh tế vĩ mô đang "tan thành mây khói".
Sự sụt giảm mạnh về kỳ vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu xuất hiện sau báo cáo việc làm tháng 8 mờ nhạt của Mỹ và sự gia tăng cảnh báo lợi nhuận từ các công ty Mỹ về tác động của biến thể Delta đối với nhu cầu và chi phí.
Triển vọng tăng trưởng kinh tế mờ nhạt đã làm dấy lên lo ngại giữa các nhà quản lý quỹ về lợi nhuận của công ty trong quý III/2021.
Khảo sát của BofA chỉ ra rằng, kỳ vọng lợi nhuận toàn cầu cũng đã giảm rõ rệt trong tháng 9. Kỳ vọng về tăng trưởng lợi nhuận đang ở mức thấp nhất kể từ tháng 5/2020 khi cuộc khảo sát tháng 9 đánh dấu kỳ vọng lợi nhuận giảm 29% so với tháng 8.
Hơn nữa, 22% trong số những người được BofA khảo sát kỳ vọng tỷ suất lợi nhuận của các công ty sẽ tiếp tục xấu đi trong những tháng tới so với 15% số người được khảo sát cho biết trong tháng 8.
Trong bối cảnh triển vọng tăng trưởng kinh tế và lợi nhuận ảm đạm hơn, các chiến lược gia của phố Wall đang bắt đầu lo ngại về xu hướng của thị trường trong ngắn hạn.
“Điểm mấu chốt đối với chúng tôi là phần thưởng từ việc chấp nhận rủi ro không đặc biệt lớn ở thời điểm hiện tại cho dù kết quả có ra sao. Đó là lý do tại sao chúng tôi không dự báo chỉ số S&P sẽ tăng trong phần còn lại của năm", Mike Wilson, Giám đốc đầu tư của Morgan Stanley cho biết.
Bên cạnh đó, những người trả lời khảo sát kỳ vọng các ngân hàng trung ương vẫn duy trì chính sách tiền tệ ôn hòa. 84% các nhà đầu tư hiện kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ bắt đầu thu hẹp các biện pháp kích thích vào cuối năm nay mặc dù kỳ vọng về đợt tăng lãi suất đầu tiên của Fed đã dời sang sang tháng 2/2023.
Hơn nữa, 82% người được khảo sát kỳ vọng Trung Quốc sẽ nới lỏng chính sách tăng từ mức 44% trong cuộc khảo sát tháng 7.
Điều kiện thanh khoản trên toàn cầu được xem là tốt nhất kể từ ngay trước khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu xảy ra vào tháng 7/2007. Gần 60% số người khảo sát cho rằng chính sách tiền tệ đang ở mức độ kích thích mạnh mẽ, đây cũng là tỷ trọng cao nhất kể từ tháng 5/2011.