Ngày 19-11 (giờ địa phương), Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã chính thức cho phép tiêm thêm liều tăng cường sau hai liều tiêm tiêu chuẩn vaccine ngừa COVID-19 đối với tất cả công dân trên 18 tuổi, theo hãng tin Reuters. Thông báo của FDA cho biết đằng sau quyết định này là nỗi lo hiệu quả của vaccine suy yếu trong mùa đông sẽ dẫn đến làn sóng nhiễm COVID-19 đột phá.
Trước đó, nhà chức trách Mỹ chỉ cho phép tiêm các liều bổ sung cho người 50-64 tuổi có bệnh nền, người từ 18 tuổi trở lên có bệnh nền, đang sống tập trung tại các cơ sở chăm sóc dài hạn hoặc làm việc ở môi trường có nguy cơ lây nhiễm cao.
Thế giới tiếp tục chứng kiến những đợt dịch tái bùng phát trên khắp các châu lục. Do đó, các nước cần chuẩn bị để sẵn sàng siết chặt quy định phòng dịch khi cần, cũng như tiêm chủng vaccine liều thứ ba để tăng cường kháng thể chống lại virus.
GS SUZANNE JUDD, ĐH Alabama (Mỹ)
Thêm nhiều cơ sở để tiêm liều bổ sung
Theo tờ The New York Times, trước sự lây lan mạnh của biến thể Delta trên toàn cầu, các bằng chứng khoa học ngày càng nghiêng về giải pháp phải tiêm nhiều hơn hai liều vaccine để giúp duy trì khả năng bảo vệ tối ưu. Trong một cuộc nghiên cứu kéo dài từ tháng 7 đến tháng 9 vừa qua, một số chuyên gia y tế Israel được ĐH Harvard (Mỹ) tài trợ đã theo dõi hơn 1,4 triệu người được tiêm hai liều vaccine trước đó ít nhất năm tháng, một nửa trong số họ đã tiêm liều thứ ba ít nhất một tuần trước khi tham gia nghiên cứu.
Kết quả cho thấy những người được tiêm liều tăng cường giảm tới 93% nguy cơ phải nhập viện liên quan tới COVID-19, giảm 92% nguy cơ bệnh nặng và 81% nguy cơ tử vong so với nhóm còn lại. Độ tuổi trung bình trong nghiên cứu là 52 tuổi. Hai nhóm đối tượng có lối sống và tình trạng sức khỏe tương tự nhau.
Người dân TP Los Angeles, bang California (Mỹ) tiêm vaccine tại một bệnh viện địa phương hồi tháng 10. Ảnh: NBC
Trong khi đó, tờ The Sydney Morning Herald dẫn một nghiên cứu khác từ ĐH Sydney (Úc) đăng trên chuyên san y khoa The Lancet hồi tháng 10 chỉ ra rằng sau sáu tháng tiêm liều vaccine thứ hai, khả năng bảo vệ sẽ giảm xuống còn 50%, một năm sau đó sẽ chỉ còn 40% và các năm tiếp theo khả năng bảo vệ có thể sẽ tiếp tục giảm. Vì lý do này, việc tiêm liều vaccine tăng cường là rất cần thiết để kéo dài khả năng bảo vệ của vaccine.
Kết quả nghiên cứu còn chứng minh được rằng liều vaccine tăng cường được tiêm trong vòng một năm sẽ làm gia tăng gấp đôi khả năng miễn dịch so với hai liều tiêm đầu tiên. Đồng thời, liều vaccine tăng cường có thể góp phần cải thiện khả năng miễn dịch chống lại các biến thể hiện tại, bao gồm biến thể Delta hung hãn.
“Do vaccine có xu hướng giảm hiệu quả sau một thời gian tiêm nên cũng không loại trừ khả năng sau khi tiêm liều tăng cường đầu tiên, chúng ta sẽ lại phải tiêm liều tăng cường thứ hai, tức là liều vaccine thứ tư, với hy vọng có được khả năng bảo vệ suốt đời” - TS Deborah Cromer, một thành viên trong nhóm nghiên cứu, chia sẻ.
Nhiều nước bắt đầu đẩy mạnh liều tăng cường cho dân
Theo đài NPR, Thủ tướng Anh Boris Johnson trong cuộc họp báo ngày 15-11 đã khẳng định việc tiêm liều vaccine tăng cường là rất quan trọng để chính phủ không phải tái áp đặt các biện pháp hạn chế phòng dịch. “Rõ ràng việc tiêm liều vaccine thứ ba - liều tăng cường sau khi tiêm hai liều sẽ trở thành một thực tế quan trọng và sẽ giúp cuộc sống của người dân không bị dịch bệnh chi phối” - nhà lãnh đạo Anh cho hay.
Nhiều nước khác cũng đang hướng tới việc bắt buộc tiêm liều tăng cường. Tuần trước, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thông báo rằng đến ngày 15-12, tất cả người dân trên 65 tuổi cần tiêm liều vaccine thứ ba để chứng nhận tiêm chủng đầy đủ của họ tiếp tục có hiệu lực.
Tại Áo, chứng nhận tiêm chủng đầy đủ sẽ hết hạn sau chín tháng kể từ khi tiêm liều vaccine thứ hai, do đó người dân bắt buộc phải đi tiêm liều tăng cường để gia hạn chứng nhận tiêm chủng đầy đủ.
Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis trong phát biểu mới đây kêu gọi những người đã được tiêm hai liều nên tiêm thêm liều tăng cường sáu tháng sau liều tiêm thứ hai, thông tin này sẽ được điền vào chứng nhận tiêm chủng vaccine kỹ thuật số của Liên minh châu Âu (EU). Ông còn cho biết đã thông tin tới Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen về đề xuất này, đồng thời khẳng định đây sẽ là phương án phù hợp trong bối cảnh dịch bệnh hiện tại và giải quyết được nhu cầu đi lại của công dân EU trong thời gian tới.
Ngoài châu Âu, Israel cũng là quốc gia triển khai rất nhanh chóng vấn đề tiêm liều bổ sung. Ở nước này từ tháng 10 đến nay, trừ khi tiêm liều vaccine thứ hai trong vòng sáu tháng qua, người dân phải tiêm liều thứ ba để được cấp thẻ xanh vaccine - cho phép họ tới phòng tập thể dục, nhà hàng và các địa điểm công cộng khác. Theo TS Sharon Alroy-Preis, Giám đốc Dịch vụ y tế công thuộc Bộ Y tế Israel, chương trình tiêm vaccine bổ sung đã phủ được khoảng 50% dân số Israel và đang bắt đầu có hiệu quả trong việc ngăn chặn tình trạng lây nhiễm dịch COVID-19.•
Còn nhiều nỗi lo về bất bình đẳng vaccine toàn cầu
Một nỗi lo thường trực quanh việc thêm liều bổ sung là việc tiêm như vậy đang ảnh hưởng đến việc tiêm mũi đầu tiên tại các nước có thu nhập thấp, với những nơi chỉ 4,6% dân số đã được tiêm chủng. Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyes cho biết thật đáng lo ngại khi số mũi tiêm tăng cường được triển khai trên khắp thế giới mỗi ngày nhiều gấp sáu lần so với số mũi đầu tiên ở các nước thu nhập thấp.
Bà Anna Marriott, cố vấn chính sách y tế của tổ chức hoạt động chống đói nghèo toàn cầu Oxfam, cho rằng nguồn vaccine đang được ưu tiên cho các nước giàu, những quốc gia vốn xếp ở hàng đầu trong danh sách chờ mua vaccine bằng cách trả giá cao hơn cho các hãng dược phẩm. “Nếu nhìn tổng thể các quốc gia có thu nhập thấp, chưa đến 1% tổng nguồn cung vaccine được chuyển đến các nước nghèo nhất, trong đó có nhiều nước ở châu Phi” - bà Marriott cho biết.