Có loại xăng như RON95-IV đã được Petrolimex bán với giá 25.090 đồng/lít tại TP.HCM. Các ý kiến lo ngại giá xăng dầu neo ở mức cao sẽ tác động đến mặt bằng giá các mặt hàng khác.
DN xăng dầu cũng kêu trời
Theo Bộ Công thương, từ 15h ngày 10-11, giá bán lẻ xăng E5RON92 tăng 559 đồng/lít với giá bán tối đa 23.669 đồng/lít; xăng RON95-III tăng 658 đồng/lít và mức giá bán mới đã vào ngưỡng sát 25.000 đồng, đạt 24.996 đồng/lít. Các mặt hàng dầu diesel 0,05S và dầu hỏa giữ ổn định. Riêng dầu mazut 180CST 3,5S giảm 389 đồng/lít.
Lý giải việc tăng giá, Bộ Công thương cho biết do giá bình quân xăng thành phẩm thế giới trong 15 ngày qua tiếp tục tăng khoảng 1-1,6 USD/thùng so với mức giá bình quân 15 ngày trước đó. Riêng giá mặt hàng dầu giảm nhẹ.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, lãnh đạo một DN kinh doanh xăng dầu lớn cho hay việc liên bộ điều hành xả mạnh quỹ bình ổn khiến quỹ này của DN âm nặng. Quỹ để tại DN nên khi âm, DN buộc phải tự bù vào từ nguồn vốn kinh doanh.
Theo vị này, hiện mua xăng dầu trong nước từ nhà máy lọc dầu Nghi Sơn hay Bình Sơn cũng phải mua theo giá thế giới. Vị này cảnh báo về giải pháp chính sách khi giá dầu thế giới có thể vẫn tăng cao cho đến hết quý 1 năm sau.
Ông Cao Hoài Dương - chủ tịch HĐQT Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil) - cho biết do giá dầu trên thế giới liên tục tăng trong thời gian qua, để kìm bớt đà tăng giá bán lẻ xăng dầu trong nước, Nhà nước đã sử dụng quỹ bình ổn.
Nhưng đến nay quỹ bình ổn của PVOil đã âm khoảng 750 tỉ đồng. Ông Dương khẳng định PVOil phải vay vốn từ ngân hàng để bù đắp vào quỹ, bù giá cho giá bán lẻ xăng dầu.
Ông Dương cho biết trước đây khi quỹ dương, DN gửi quỹ vào ngân hàng, do đó khi quỹ âm thì ngân hàng cũng ưu tiên cho DN được vay lãi suất ưu đãi hơn.
Tuy vậy, ông Dương cho rằng hiện DN "không còn cách nào khác" là phải cùng với Nhà nước để làm chậm lại thang giá bán lẻ xăng dầu thông qua quỹ bình ổn.
Chưa hài hòa lợi ích?
Giám đốc một DN bán lẻ xăng dầu ở phía Nam cho hay giá xăng dầu tăng liên tiếp trong thời gian qua không chỉ gây khó khăn cho người dân mà còn đối với các DN bán lẻ xăng dầu.
Cụ thể, mức chiết khấu với mỗi lít xăng trước đây là trên 1.000 đồng, giờ còn khoảng 500 đồng/lít, trong đó phân nửa là chi phí vận chuyển.
Do đó giá xăng càng tăng thì DN bán lẻ càng lỗ do còn nhiều chi phí khác như mặt bằng, kho bãi, nhân viên... Trong khi sức tiêu thụ xăng dầu dù có tăng nhưng vẫn chưa đạt như trước dịch.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Tiu - chủ tịch Công ty CP xăng dầu Tự Lực - cho biết giá xăng tăng cao gây thiệt hại đến người tiêu dùng, chắc chắn người dân sẽ càng khó khăn gấp bội trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19. Còn nhìn rộng ra, giá xăng dầu tăng có thể sẽ tạo một mặt bằng giá mới trên thị trường.
Cùng quan điểm này, ông Trịnh Quang Khanh - phó chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu - cho rằng giá xăng dầu leo cao gây khó khăn rất lớn cho người tiêu dùng.
Vì xăng dầu là đầu vào của nhiều ngành sản xuất, nhất là ngành vận tải. Nên chi phí vận tải tăng thì đẩy giá hàng hóa, dịch vụ, nhất là dịch vụ vận tải taxi và xe ôm công nghệ, tăng theo.
"Chủ trương điều hành giá xăng dầu của Nhà nước là hài hòa lợi ích Nhà nước, người dân và DN. Tuy nhiên, giá xăng dầu tăng quá cao nhưng khó khăn của người dân chưa được chia sẻ. Bộ Tài chính vẫn chưa chịu giảm thuế" - ông Tiu nói.
Dữ liệu: LÊ THANH - Nguồn: Petrolimex - Đồ họa: TUẤN ANH
Tiếp tục đề nghị giảm thuế phí
Dù Bộ Tài chính đã trả lời việc giảm thuế phí là "không phù hợp", nhưng nhiều DN vẫn tiếp tục kiến nghị vì việc giá xăng dầu tăng mạnh và tăng liên tục đang gây áp lực quá lớn đối với người tiêu dùng và DN trong việc hồi phục sau dịch.
Là DN sử dụng nhiều phương tiện nâng hạ container và hàng chục xe đầu kéo, ông Trương Nguyên Linh - phó tổng giám đốc Công ty liên doanh Phát triển tiếp vận số 1 (đơn vị liên doanh đầu tư khai thác cảng VICT) - cho biết giá xăng dầu trong đà tăng liên tục sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc phục hồi kinh tế, đặc biệt với ngành logisitics và vận tải.
Ông Linh cho hay sản lượng hàng hóa qua cảng đang bắt đầu hồi phục, việc sử dụng phương tiện sẽ nhiều hơn. Mỗi tháng công ty này sử dụng khoảng 200.000 lít dầu, chỉ cần nhích vài nghìn đồng là DN đội chi phí lên rất lớn.
Việc giảm thuế phí để kìm đà tăng giá xăng dầu, ông Linh cho rằng đây là hướng phù hợp để cùng nhau san sẻ khó khăn, hỗ trợ người dân và DN tái thiết cuộc sống sau ảnh hưởng nặng nề do dịch.
Tổng giám đốc một DN sản xuất, lắp ráp ôtô (huyện Củ Chi, TP.HCM) cho rằng quan điểm của Bộ Công thương về giảm các loại thuế phí xăng dầu là phù hợp trong thời điểm này.
Giá xăng dầu đang "cõng" nhiều loại thuế phí nên chỉ cần giảm một phần trong kết cấu thuế phí sẽ kìm hãm bớt được việc tăng giá.
Không trích tiền vào quỹ với xăng và diesel
Ở kỳ điều hành lần này, Bộ Công thương cho hay nếu không tăng chi quỹ bình ổn giá đối với xăng E5RON92 và xăng RON95 thì giá các mặt hàng xăng sẽ tăng từ 758 đồng/lít đến 1.359 đồng/lít.
Để hỗ trợ người tiêu dùng, theo Bộ Công thương, kỳ điều hành này không yêu cầu trích lập vào quỹ bình ổn khi bán các mặt hàng xăng và dầu diesel, còn dầu mazut là 500 đồng/kg, dầu hỏa là 150 đồng/lít.
Về mức chi của quỹ này đối với xăng E5RON92 là 800 đồng/lít, xăng RON95 ở mức 100 đồng/lít, còn dầu diesel là 8 đồng/lít.
Xăng RON92 có nên tiếp tục sử dụng?
Nói về chính sách điều hành giá xăng dầu, theo Bộ Công thương, tiếp tục duy trì mức chênh lệnh giá giữa xăng sinh học E5RON92 và xăng khoáng RON95 ở mức hợp lý để khuyến khích người tiêu dùng sử dụng xăng sinh học nhằm bảo vệ môi trường.
Nhìn góc độ khác, ông Bùi Ngọc Bảo - quyền chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu VN - băn khoăn hiện nay xăng sinh học E5RON92 bán trên thị trường VN mới chỉ đạt tiêu chuẩn mức EURO2, trong khi các nước xung quanh như Campuchia đã sử dụng xăng đạt tiêu chuẩn mức EURO4 rồi. Còn đa số các nước đang dùng xăng sinh học đạt tiêu chuẩn mức EURO5 và 6 để đảm bảo môi trường.
"Các nước đã không sử dụng xăng ở tiêu chuẩn mức 2 từ năm 2005, tức là cách đây 15-16 năm. Còn hiện nay với chúng ta, liệu xăng sinh học E5RON92 của VN có phải là đối tượng được ưu tiên, khuyến khích sử dụng hay không?" - ông Bảo đặt vấn đề.