Nhiều KCN vướng GPMB
Ông Võ Trung Trực, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) TPHCM, cho biết hiện toàn TP còn 11 KCN chưa hoàn thành bồi thường GPMB với tổng diện tích đất hơn 100ha cùng hàng trăm hộ dân chưa di dời, trong đó có những KCN đã đi vào hoạt động hàng chục năm nay. Cụ thể, KCN Tân Bình (quận Tân Phú) do CTCP Sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu dịch vụ và đầu tư Tân Bình (Tanimex) làm chủ đầu tư, còn 0,29ha chưa bồi thường GPMB. Phần diện tích này đang bị tranh chấp, 20 năm qua chưa thực hiện được việc thu hồi đất. Theo chủ đầu tư KCN Tân Bình, khu đất 0,29ha thuộc địa bàn phường Sơn Kỳ, nằm trong ranh đất do Thủ tướng Chính phủ giao Tanimex thực hiện đầu tư KCN. Khu đất này thuộc quyền quản lý, sử dụng của một gia tộc. Phía chủ đầu tư đã làm việc, thỏa thuận đền bù với chủ sở hữu. Tuy nhiên, các thành viên trong gia tộc có tranh chấp, đã khởi kiện ra tòa nên việc đền bù, GPMB vẫn chưa xong.
KCN Tân Bình cho đến nay đã nằm lọt thỏm trong khu dân cư đông đúc.
Tại huyện Bình Chánh, có 2 dự án là KCN Lê Minh Xuân do Công ty TNHH MTV Đầu tư Kinh doanh nhà Khang Phúc làm chủ đầu tư, cũng chưa hoàn thành GPMB. Thời điểm năm 2011, trên 6,9ha đất chưa bồi thường của dự án này có 142 hồ sơ, với giá bồi thường khoảng 70 tỷ đồng. Đến năm 2020 khu vực này đã bị xây dựng dày đặc với 535 căn nhà, dự kiến số tiền bồi thường lên tới 475 tỷ đồng (chưa tính chi phí tái định cư doanh nghiệp phải chuẩn bị do nhận chuyển nhượng theo giá thị trường), tăng 405 tỷ đồng so với năm 2011.
Tại huyện Củ Chi, KCN Tân Phú Trung của CTCP Phát triển đô thị Sài Gòn Tây Bắc còn tồn tại 33 trường hợp (diện tích 33,02ha); KCN Đông Nam của CTCP Đầu tư Sài Gòn VRG được phê duyệt từ năm 2008, thành lập từ năm 2010, đến nay còn 12 hộ dân (diện tích 1,56ha) không đồng ý bàn giao mặt bằng. KCN Cơ khí ô tô TP do CTCP Hòa Phú làm chủ đầu tư từ năm 2014, hiện còn 7 hộ dân chưa đồng ý nhận tiền bồi thường. Dự án cũng chưa bàn giao mặt bằng và 13 ngôi mộ chưa di dời (khoảng 2,28ha đất) do không đồng ý đơn giá bồi thường.
Trên địa bàn quận Bình Tân, KCN Tân Tạo do Công ty Tân Tạo làm chủ đầu tư còn 7 hộ dân (khoảng 1,59ha đất) và KCN Tân Tạo mở rộng còn 17 hộ dân (diện tích 3,44ha) chưa nhận bồi thường, GPMB. Tại huyện Nhà Bè có dự án xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng kỹ thuật KCN Hiệp Phước (giai đoạn 2) diện tích 83ha, đến thời điểm hiện nay còn hơn 40ha chưa đền bù xong.
Xử lý từng trường hợp cụ thể
Hầu hết chủ trương đầu tư các KCN trên địa bàn TP có từ hàng chục năm về trước, thậm chí có KCN đã hoạt động hơn 20 năm. Chính vì vậy, tại một số KCN trước kia là vùng ven hiện đang là “quận đang phát triển”, nên KCN nằm lọt thỏm trong khu dân cư đông đúc, như KCN Tân Bình. Hay KCN Cát Lái (TP Thủ Đức) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2001. Nguyên nhân dẫn đến công tác GPMB gặp khó khăn, bị đình trệ do người dân không đồng ý giá đền bù, bởi tốc độ đô thị hóa tăng nhanh khiến chi phí đền bù tăng cao so với dự toán ban đầu. Thậm chí có nguyên nhân chủ đầu tư KCN không hợp tác với chính quyền địa phương để đền bù giải tỏa.
Thí dụ, KCN Tân Tạo hiện còn 7 hộ với diện tích 1,59ha chưa đền bù, GPMB. Theo Sở TN-MT, UBND quận Bình Tân báo cáo từ năm 2015 đến nay chủ đầu tư không hợp tác với chính quyền để GPMB. Cá biệt có KCN chủ đầu tư chưa thực hiện đầy đủ thủ tục pháp lý. Cụ thể, dự án KCN Lê Minh Xuân 3 hiện đã có Kết luận thanh tra của Thanh tra TP về việc dự án chưa đảm bảo đầy đủ trình tự thủ tục theo quy định của Luật Đất đai (năm 2013), khi chưa hoàn thành việc bồi thường, GPMB cho các hộ gia đình, cá nhân; CTCP Đầu tư Sài Gòn VRG không thực hiện ký quỹ để đảm bảo thực hiện dự án đầu tư.
Từ thực tiễn trên, với những trường hợp cụ thể, Sở TN-MT kiến nghị UBND TP có những giải pháp giải quyết. Như tại dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật KCN Lê Minh Xuân (Khang Phúc), Sở TN-MT kiến nghị UBND TP làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan đối với công tác quản lý xây dựng từ năm 2011 đến nay, để có phương án xử lý phù hợp. Đối với vướng mắc tại KCN Cát Lái giai đoạn II, Sở TN-MT đang khẩn trương xem xét để tham mưu UBND TP xử lý đối với kiến nghị của Công ty TNHH MTV Dịch vụ Công ích quận 2, về việc chấp thuận chủ trương thu hồi đất để thực hiện dự án đối với phần mở rộng và khoảng hở của 2 ranh giao đất.
Nhiều ý kiến cho rằng, với những KCN có quá nhiều thay đổi trong quá trình đô thị hóa, nhưng đến nay công tác đền bù, GPMB vẫn chưa xong, có nhất thiết phải tiếp tục giải tỏa hay thực hiện chỉnh trang đô thị? Cụ thể, tại KCN Tân Bình, với hiện trạng như hiện nay là khu dân cư sầm uất, bên rìa KCN nhà dân, trường học, bệnh viện, trung tâm thương mại… mọc lên san sát. Theo chủ đầu tư, hiện nay chỉ những doanh nghiệp sản xuất sạch mới được hoạt động trong khu KCN. Hiện một số quận, huyện và chủ đầu tư đã đồng ý việc chỉnh trang tại những KCN chưa đền bù xong, không nhất thiết phải GPMB.
Ông Huỳnh Văn Hạnh, nguyên Bí thư Quận ủy quận Tân Phú, cho rằng quá trình đô thị hóa cho thấy tầm nhìn quy hoạch một số KCN không còn phù hợp. Do vậy cần điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn, nhằm đảm bảo phát triển kinh tế, đảm bảo yếu tố môi trường cũng như quyền lợi của doanh nghiệp, người dân. Tại KCN Tân Phú Trung (huyện Củ Chi), trên cơ sở rà soát và kiểm tra hiện trạng, Sở TN-MT kiến nghị với phần diện tích đúng mục đích sử dụng, doanh nghiệp thực hiện chỉnh trang phù hợp với quy hoạch; với phần diện tích là đất nông nghiệp, ưu tiên cho thuê lại theo giá cho thuê đất của KCN. Trường hợp doanh nghiệp không đồng ý, mới di dời, GPMB.