Khởi công 2 tuyến đường sắt kết nối với cảng biển tại Hải Phòng và Vũng Tàu trước năm 2030

(ĐTTCO)-Hai dự án đường sắt kết nối với cảng biển của Hải Phòng và Vũng Tàu nếu được đầu tư sớm sẽ giúp tăng năng lực lưu thông hàng hóa và giảm chi phí logistics của Việt Nam.
Một đoàn tàu vận chuyển hàng được đóng trong container tại ga Yên Viên. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Một đoàn tàu vận chuyển hàng được đóng trong container tại ga Yên Viên. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Liên đến đến việc đầu tư 2 tuyến đường sắt kết nối cảng biển (Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng và Biên Hòa-Vũng Tàu), lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho biết theo Quy hoạch mạng lưới đường sắt đã Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt, hai tuyến đường sắt này dự kiến đầu tư trước 2030 để vận chuyển hành khách và hàng hóa.

Cụ thể, quán triệt Kết luận số 49-KL/TW ngày 28/02/2023 của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch triển khai quy hoạch mạng lưới đường sắt, trong đó tiếp tục triển khai công tác chuẩn bị đầu tư hai tuyến đường sắt này trong giai đoạn từ nay đến 2025 để huy động nguồn lực, phấn đấu khởi công trước năm 2030.

Trong đó, tuyến đường sắt Biên Hòa-Vũng Tàu đang triển khai lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, chiều dài khoảng 128km, đường đôi, khổ đường 1.435mm, vận tải hành khách và hàng hóa, tổng mức đầu tư khoảng 6,2 tỷ USD. Tuyến đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng đã cơ bản hoàn thành quy hoạch chi tiết, chiều dài khoảng 380km, đường đôi, khổ đường 1.435mm, vận tải hành khách và hàng hóa, tổng mức đầu tư khoảng 10-11 tỷ USD.

Phía Bộ Giao thông Vận tải nhấn mạnh 2 dự án đường sắt cần sớm triển khai đầu tư, nguồn vốn đầu tư công đóng vai trò chủ đạo, đầu tư hạ tầng khai thác cả hàng và khách.

“Do tổng mức đầu tư 2 tuyến đường sắt tương đối lớn, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Danh mục quốc gia các dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2025 để huy động nguồn lực đầu tư, trong đó có tuyến đường sắt Biên Hòa-Vũng Tàu và Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng,” lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho hay.

Đánh giá việc phát triển giao thông vận tải đường sắt hiện đại, đồng bộ, đóng vai trò chủ đạo trên Hành lang kinh tế Bắc-Nam, các hành lang vận tải chính Đông-Tây, đại diện Hội Kinh tế và Vận tải đường sắt Việt Nam cho rằng ngành đường sắt là một loại hình vận tải có ưu điểm vượt trội về năng lực và tốc độ vận chuyển trên cự ly trung bình và dài, có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, tăng cường kết nối giữa các vùng, miền, nhưng đã liên tục bị sa sút trong thời gian qua.

Sau gần 10 năm triển khai Đề án huy động vốn xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng đường sắt, tính đến cuối năm 2022, Bộ Giao thông Vận tải mới chỉ thực hiện thành công duy nhất một dự án (Dự án Trung tâm logistics đường sắt-ga Viên Yên theo hình thức cho thuê kết cấu hạ tầng đường sắt). Các dự án khác mới chỉ dừng lại ở việc có nhà đầu tư quan tâm.

Trước đó, vào tháng Hai vừa qua, trong buổi làm việc với Công ty Nippon Koei (Nhật Bản), ông Đặng Sỹ Mạnh, Tổng Giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho biết có 2 lựa chọn để ưu tiên đầu tư tuyến Hà Nội-Hải Phòng bao gồm: thứ nhất chuẩn bị đầu tư tuyến mới là đường sắt đôi điện khí hóa, chủ yếu vận chuyển hàng trong nước và quốc tế; thứ hai đó là nâng cấp cải tạo tuyến đường sắt hiện tại với khổ đường đơn, vận chuyển cả khách và hàng.

“VNR mong muốn đẩy nhanh việc triển khai các tuyến này càng sớm càng tốt. Vì vậy, hai bên tiếp tục khảo sát thêm tuyến đường sắt Hà Nội-Hải Phòng với mục tiêu tối ưu nâng cấp tuyến đường sắt hiện tại, cải thiện hành lang an toàn, phương tiện đường sắt,… sau đó sẽ trình lên Bộ Giao thông Vận tải,” ông Mạnh nói.

Các tin khác