Tuy nhiên trong những tháng cuối năm 2017, HDBank, VPBank đã chào bán cổ phần cho các tổ chức quốc tế thu về hàng trăm triệu USD, thậm chí khối lượng đặt mua gấp nhiều lần lượng chào bán.
Chuyện bán vốn
Cơ quan xếp hạng tín nhiệm Fitch trong báo cáo cuối năm 2016 đã lưu ý đến xếp hạng tín nhiệm của các ngân hàng Việt Nam khi nhận định chỉ số này vẫn ở mức thấp nhất châu Á. Điều này phản ánh nhiều vấn đề của hệ thống ngân hàng, từ cấu trúc, nợ xấu, tuy nhiên nhức nhối nhất vẫn là tình trạng thiếu vốn. Đặc biệt khi hệ thống ngân hàng đang chuẩn bị thí điểm thực hiện phương pháp quản trị vốn và rủi ro theo tiêu chuẩn Basel II.
Quan điểm này cũng được lặp lại với một bài viết trên Bloomberg View vào cuối tháng 9-2017. “Điều mà ngân hàng Việt thiếu hụt nhất hiện là vốn”, bài viết đưa ra quan điểm: Với tình trạng số liệu nợ xấu chưa được báo cáo đầy đủ như hiện tại, tình hình thiếu vốn trên thực tế thậm chí còn trầm trọng hơn những gì số liệu cho thấy.
Tuy nhiên, thách thức này lại tạo ra cơ hội cho một câu chuyện khác – đẩy nhanh quá trình huy động vốn và sự trở lại của dòng vốn ngoại.
“Dưới con mắt của các nhà đầu tư, ngân hàng Việt Nam hiện là một trong những điểm đến khả dĩ nhất châu Á hiện tại”, Bloomberg mở đầu phần nhận định.
Lập luận này được lý giải bởi đà tăng trưởng mạnh trong những năm gần đây, từ sự phục hồi của nền kinh tế Việt Nam, cho tới thị trường bất động sản đang dần lấy lại ổn định. Hệ thống ngân hàng mặc dù loay hoay với tỷ lệ nợ xấu cao, nhưng đã khôi phục được một phần thể trạng. Trong đó, tăng trưởng tín dụng – một chỉ báo để đánh giá sự trở lại của ngành “buôn tiền” đã bắt đầu tăng nhanh trở lại.
Sự trở lại của các thương vụ trăm triệu USD
Sau một thời gian dài kể từ thời điểm bước vào “cuộc đại phẫu” tái cơ cấu năm 2008, ngành ngân hàng mới chứng kiến những đợt chào bán cổ phần lần đầu có quy mô lên tới hàng trăm triệu USD.
Gần đây nhất, HDBank đã huy động được 300 triệu USD từ các tổ chức quốc tế, sau khi chào bán cổ phần từ cổ đông hiện hữu theo phương pháp dựng sổ. Thương vụ 6.800 tỷ đồng này là thương vụ huy động vốn quy mô lớn thứ hai của ngành ngân hàng chỉ sau đợt huy động hơn 460 triệu USD của Vietcombank năm 2007, với lượng đặt mua gấp 3 lần chào bán.
Những nhà đầu tư tham gia đợt chào bán của HDBank đều là những định chế tài chính lớn trên thị trường quốc tế như Credit Saison (Nhật Bản), Deutsche Bank AG (Đức), JPMorgan Vietnam Opportunities Fund, CAM Bank (Nhật Bản), Charlemagne (Anh); Dragon Capital, VinaCapital, Macquarie Bank (Úc) hay PYN Elite.
Trước HDBank, VPBank cũng hoàn tất thương vụ huy động 250 triệu USD từ việc chào bán cổ phần cuối tháng 5. Trong đó, khối lượng đặt mua cổ phần của ngân hàng này, theo tiết lộ của đơn vị tư vấn, lên tới hơn 1,2 tỷ USD.
Sự thành công của 2 ngân hàng này không chỉ thể hiện qua phương diện quy mô của đợt huy động, mà còn ở mức giá chào bán.
Cách đây 1 năm, ngoài Vietcombank, mặt bằng giá cổ phiếu ngân hàng chỉ ở mức 1x, thậm chí trên OTC nhiều cổ phiếu ngân hàng giao dịch dưới mệnh giá. Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, mức giá 3x – 4x với một cổ phiếu ngân hàng là điều đã được nhà đầu tư trên thị trường chấp nhận. Mức giá các nhà đầu tư ngoại chấp nhận trả cho HDBank lên tới 32.000 đồng/CP và kỳ vọng cổ phiếu này sẽ tiếp tục tăng khi HDBank chào sàn HOSE vào đầu năm 2018. Bản thân những thương vụ huy động vốn kỷ lục của các nhà băng này đã tạo động lực cho sự trở lại của nhóm cổ phiếu “vua”. Đặc biệt khi các nhà đầu tư thường có xu hướng lấy mức giá chào bán cho khối ngoại là tham chiếu cho việc đầu tư cổ phiếu trên sàn.
“Quà” không dành cho tất cả
Câu chuyện huy động vốn ngoại là dấu hiệu cho sự trở lại của ngành ngân hàng trong cuộc đua tăng vốn, nhưng thực tế xu hướng này không dành cho tất cả. Ngay cả 4 ngân hàng lớn nhất thị trường cũng đang “chật vật” trong quá trình tăng vốn cấp 1.
Hơn một năm qua, Vietcombank vẫn chưa thể giải quyết vướng mắc trong việc chào bán cổ phần cho đối tác ngoại dù đã đạt được thỏa thuận sơ bộ với GIC để mua gần 306 triệu cổ phiếu VCB (7,7%) từ tháng 8-2016. Nguyên nhân thương vụ thất bại được cho là do mức giá mà GIC đưa ra (khoảng 400 triệu USD) thấp hơn nhiều so với giá thị trường thời điểm đó (khoảng 640 triệu USD với giá 52.000 đồng/CP).
BIDV – ngân hàng có quy mô tổng tài sản lớn nhất hệ thống cũng đang chật vật trong quá trình tăng vốn với hệ số CAR sắp chạm ngưỡng nguy hiểm. Úp mở về một đối tác Hàn Quốc mới lộ diện, dù vậy, trong hoàn cảnh hiện tại, thời gian “chốt deal” của thương vụ chào bán cho cổ đông chiến lược BIDV được dự báo sẽ khó có thể thực hiện trong ngắn hạn.
Ngoài việc tìm kiếm đối tác, giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài cũng là bài toán khó khi huy động vốn. Trường hợp thành công trong huy động vốn ngoại của VPBank hay HDBank mới đây cũng là nhờ khoảng “room” trống còn rộng mở cho nhà đầu tư nước ngoài 10%. Room ngoại của VPBank lấp đầy khi lên sàn, trong khi HDBank được kiểm soát dư địa còn khoảng 8,5%.
Trong khi tại VietinBank, room khối ngoại của nhà băng này hiện đã đạt khoảng gần sát 30%. Với tỷ lệ "room" còn lại cho nhà đầu tư nước ngoài khiêm tốn và chỉ đủ phục vụ cho nhu cầu giao dịch hàng ngày, việc thu hút nguồn lực từ khối ngoại để tăng vốn cấp 1 trở thành một vấn đề khó giải quyết.
Cùng với đó, nội tại ngân hàng cũng là những điểm sáng hấp dẫn giới đầu tư. Tính đến 30-12-2017, HDBank có tổng tài sản (riêng lẻ) 180.816 tỷ đồng; Vốn chủ sở hữu (riêng lẻ HDBank) là 14.051 tỷ đồng. HDBank dự kiến sẽ đạt lợi nhuận trước thuế khoảng 2.400 tỷ trong cả năm nay, tăng 130% so với cùng kỳ năm trước.
Thời gian qua, HDBank đã có những tăng trưởng vượt bậc. So với năm 2011, tổng tài sản của HDBank tại ngày 31-12-2016 tăng hơn 3 lần, vốn chủ sở hữu tăng gần 3 lần, tổng huy động vốn tăng hơn 4 lần, tổng cho vay tăng 5 lần, lợi nhuận trước thuế tăng hơn 2 lần. Với mối quan hệ mật thiết với các đối tác lớn như Vietjet Air, Vinamilk và mảng tài chính tiêu dùng HDSaison đang phát triển với tốc độ vũ bão, HDBank hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài khi đem lại kì vọng tiếp tục tăng trưởng vượt trội so với trung bình ngành trong 5 năm tiếp theo.
Rõ ràng, “quà” không dành cho tất cả nhưng dòng vốn vẫn đang tìm đến những khoản đầu tư tiềm năng trong lĩnh vực ngân hàng được dự báo sẽ hồi phục mạnh mẽ này.