Khơi thông dòng vốn tín dụng cuối năm bằng cách nào?

(ĐTTCO) - Trong bối cảnh sức hấp thụ của nền kinh tế còn yếu, tăng trưởng tín dụng trong 10 tháng đầu năm chỉ đạt được một nửa mục tiêu đề ra. 
Khơi thông dòng vốn tín dụng cuối năm bằng cách nào?

Hiện các ngân hàng đang nỗ lực khơi thông tín dụng để góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Khẩn trương bơm vốn

Mặc dù mặt bằng lãi suất đã giảm mạnh nhưng tín dụng toàn nền kinh tế đến cuối tháng 10 đạt 12,8 triệu tỷ đồng, tăng 7,39% so với cuối năm 2022, vẫn còn cách xa mục tiêu 14% được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đặt ra, là mức tăng trưởng tín dụng thấp nhất trong nhiều năm qua.

Chính vì thế, mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có công điện yêu cầu NHNN rút kinh nghiệm việc điều hành tăng trưởng tín dụng chậm năm 2022; rà soát kết quả cấp tín dụng của từng tổ chức tín dụng (TCTD) để có biện pháp điều hành tăng trưởng tín dụng năm 2023 kịp thời, hiệu quả.

Nhiều ngân hàng đưa ra chương trình ưu đãi kích cầu tín dụng. Ảnh: MINH HUY

Thực hiện công điện trên, NHNN vừa có văn bản thông báo mức tăng trưởng tín dụng (room) tăng thêm cho các TCTD. Theo đó, các TCTD có dư nợ tín dụng đạt 80% chỉ tiêu thì sẽ được chủ động bổ sung hạn mức tăng thêm; ưu tiên thêm cho những TCTD tập trung tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ và hạ lãi suất cho vay thời gian vừa qua.

Lãnh đạo NHNN cho biết, trong tháng 7, NHNN đã phân bổ hạn mức tín dụng cho các TCTD với tổng mức tăng trưởng 14,5%. Tuy nhiên, 11 tháng đầu năm 2023 cho thấy, tăng trưởng kinh tế còn gặp khó khăn, sức hấp thụ vốn và cầu tín dụng của nền kinh tế còn yếu nên đến ngày 22-11, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống mới đạt 8,21%.

Mức tăng trưởng tín dụng của hệ thống TCTD không đồng đều, một số TCTD tăng trưởng khá cao, một số tăng trưởng thấp, thậm chí có đơn vị tăng trưởng âm.

“NHNN đã chủ động linh hoạt điều hòa room tín dụng trong toàn hệ thống từ TCTD không sử dụng hết room tín dụng sang các TCTD cần mở rộng tăng trưởng tín dụng. Từ nay đến hết năm, NHNN sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường để có các giải pháp điều hành kịp thời, phù hợp, chủ động bổ sung hạn mức hỗ trợ thanh khoản tạo điều kiện cho các TCTD cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế”, lãnh đạo NHNN khẳng định.

Chủ đầu tư vừa công bố vay ngân hàng 100 tỷ đồng để hoàn thiện dự án Khu dân cư và thương mại hỗn hợp Khải Vy tại quận 7, TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Tận dụng yếu tố “thời vụ”

Từ đầu tháng 11 đến nay, các ngân hàng thương mại không chỉ đồng loạt giảm lãi suất cho vay từ 1-2%/năm, mà còn đưa ra nhiều gói ưu đãi lãi suất dành cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh và cả cho cá nhân vay tiêu dùng để kích cầu tín dụng.

Trao đổi với PV Báo SGGP, ông Nguyễn Văn Bách, Trưởng Ban Chính sách tín dụng Agribank, cho biết, dù lãi suất ngắn hạn tại Agribank đã giảm 1,3-4%/năm kể từ đầu năm, nhưng để kích cầu tín dụng, Agribank đang tiếp tục triển khai 5 chương trình ưu đãi dành cho doanh nghiệp với quy mô 165.000 tỷ đồng, mức lãi suất được hỗ trợ tối đa 2%. Ngoài ra, ngân hàng đang có gói 10.000 tỷ đồng cho vay trung và dài hạn với lãi suất rất ưu đãi.

“Các chương trình đang triển khai tốt, đạt 30% tiến độ và Agribank tiếp tục tìm kiếm khách hàng với mục tiêu đặt ra tăng trưởng tín dụng những tháng cuối năm thêm từ 2-4%”, ông Nguyễn Văn Bách cho hay.

Ông Trần Hoài Phương, Giám đốc Khối khách hàng doanh nghiệp HDBank, cũng chia sẻ, HDBank đang tạo mọi điều kiện thực hiện hồ sơ, thủ tục để các doanh nghiệp tiếp cận các gói vay ưu đãi của ngân hàng.

Dưới góc độ quản lý nhà nước, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM, cho biết, đến cuối tháng 10, tín dụng tại TPHCM tăng 4,67% so với cuối năm 2022, thấp hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung của cả nước. Để khơi thông dòng vốn tín dụng trong tháng còn lại của năm, ngành ngân hàng sẽ tập trung khai thác tính chất thời vụ vì dịp tết nhu cầu vốn thường tăng cao.

“Ngành ngân hàng TPHCM dành 9.000 tỷ đồng cho vay bình ổn thị trường với lãi suất ngắn hạn 4-6%/năm giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn giá rẻ để giảm giá thành hàng hóa trong dịp tết. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh kết nối vốn thông qua Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, thực hiện các gói tín dụng hỗ trợ 2% lãi suất theo Nghị định 31 của Chính phủ, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội… nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng kinh tế tại TPHCM”, ông Nguyễn Đức Lệnh cho hay.

PGS-TS NGUYỄN ĐỨC TRUNG, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng TPHCM: Tốc độ tăng trưởng tín dụng hiện nay là phù hợp

Với tốc độ tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế hiện nay thì dù tận dụng yếu tố thời vụ cũng khó đạt được chỉ tiêu 14%. Tuy nhiên, trong bối cảnh thực tế, nếu GDP chỉ tăng 4,7-5% thì tín dụng chỉ cần đạt 11-12% là đã đủ. Như vậy, tốc độ tăng trưởng tín dụng hiện nay là phù hợp.

TS VÕ TRÍ THÀNH, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh: Điều chỉnh linh hoạt

Ngân hàng Nhà nước đưa chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 14-15% nhưng cần linh hoạt điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Hiện Việt Nam đang sử dụng đòn bẩy tài chính quá mức vì chỉ tiêu tín dụng trên GDP tới 124% là quá cao, trong khi mức trung bình là 110%. Trong tương lai, khi thị trường vốn phát triển thì tín dụng Việt Nam sẽ ở mức dưới 10%, không còn mức 13-15% như hiện nay.

Các tin khác