Khơi thông rào cản tín dụng xanh bằng cách nào?

(ĐTTCO) - Với cam kết đưa mức phát thải ròng về 0 năm 2050, giảm phát thải khí nhà kính vào năm 2030, nhu cầu đầu tư của Việt Nam vào các dự án giảm thiểu tác động đến môi trường sẽ ngày càng lớn. Do vậy, tín dụng xanh cũng ngày càng quan trọng.

Song cho đến nay vẫn còn không ít rào cản trong việc khơi thông dòng tín dụng xanh cho doanh nghiệp (DN) và cả ngân hàng (NH).

Rào cản từ DN đến NH

3eb32192da13634d3a02.jpg

Có một thực tế là quy mô tín dụng xanh tại Việt Nam hiện nay vẫn còn rất khiêm tốn. Một trong những nguyên nhân chính của vấn đề này là việc các DN, đặc biệt là DNNVV, gặp khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn xanh.

Các nguyên nhân chính có thể kể đến như DN chưa thực sự hiểu rõ khái niệm về tín dụng xanh và các lợi ích nó mang lại; thông tin về các sản phẩm tín dụng xanh, tiêu chí và quy trình vay vốn xanh thường không được phổ biến rộng rãi; DN thường gặp khó khăn trong việc tìm kiếm thông tin đáng tin cậy và đầy đủ, cũng như các điều kiện và yêu cầu đối với dự án xanh…

Ngoài ra, thủ tục tiếp cận nguồn tín dụng xanh cũng được xem là nỗi khổ cho DN. Bởi lẽ quy trình vay vốn xanh có thể phức tạp hơn so với vay vốn truyền thống, bao gồm nhiều bước thẩm định và giấy tờ cần thiết. Trong khi DN thường thiếu nguồn lực và nhân lực để thực hiện các thủ tục này, gây tốn thời gian và chi phí.

Chưa hết, hành lang pháp lý cũng chưa rõ ràng, như thiếu khung pháp lý, khung chính sách cho các dự án xanh, thiếu khái niệm thế nào là xanh và chưa có danh mục phát triển xanh (green taxonomy). Việc này dẫn đến trong quá trình đánh giá dự án, chứng minh của DN về các thông tin, chứng chỉ của dự án với NH còn nhiều vướng mắc, dẫn đến việc khó đánh giá tiềm năng cũng như rủi ro của dự án khi gọi vốn…

Cùng với những rào cản từ phía các DN, các NH cũng còn một số hạn chế. Các dự án xanh thường bị đánh giá có tính rủi ro cao, đồng thời khó đánh giá hiệu quả khoản vay cả về mặt xã hội và hiệu quả tài chính, cũng như yêu cầu tài sản bảo đảm, điều này dẫn đến NH phải cho vay với các điều kiện chặt chẽ hơn, bao gồm mức lãi suất cao hơn, tương ứng với mức rủi ro của dự án.

Trong khi đó, để hấp dẫn DN đầu tư dự án xanh, lãi suất cho vay phải ở mức thấp với nguồn vốn nhiều ưu đãi, như vậy mới đảm bảo việc thực hiện dự án trong dài hạn. Đứng trên góc độ của NH, việc xem xét cấp tín dụng cho các dự án xanh luôn tồn tại một số rủi ro tài chính.

Chính vì vậy, NH đánh giá các dự án xanh thường yêu cầu một khoản đầu tư ban đầu lớn và thời gian thu hồi vốn dài hơn so với các dự án truyền thống. Bởi lẽ nếu DN không thể tạo ra đủ dòng tiền để trả nợ trong giai đoạn đầu, NH có thể đối mặt với việc mất vốn.

Bên cạnh đó, NH còn lo rủi ro thị trường. Bởi thị trường cho các sản phẩm và dịch vụ xanh vẫn đang trong giai đoạn phát triển, với nhu cầu chưa ổn định. Sự biến động về giá cả và nhu cầu có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh lời của dự án, và nếu thị trường không chấp nhận sản phẩm xanh, DN có thể gặp khó khăn trong việc duy trì hoạt động gây rủi ro cho NH cấp vốn.

Ngoài ra việc thiếu tiêu chuẩn rõ ràng và khó khăn khi thu nhập thông tin, cũng khiến NH gặp khó trong việc ra quyết định cho vay.

Hợp tác để cung gặp cầu

Để khơi thông dòng tín dụng xanh, cả DN và NH đều phải nỗ lực hành động. Theo đó, DN cần tăng cường nhận thức về tín dụng xanh, cần tìm hiểu và nâng cao hiểu biết về các chương trình tín dụng xanh, các tiêu chí và lợi ích của chúng.

Tham gia các mạng lưới, diễn đàn về tín dụng xanh, kết nối với các DN khác, các tổ chức và chuyên gia trong lĩnh vực này để học hỏi kinh nghiệm và chia sẻ thông tin. Từ đây sẽ mở rộng nhiều cơ hội tiếp cận với các nguồn tín dụng xanh phù hợp.

Hinh anh quay 2.jpg

Đặc biệt, về thủ tục DN nên chuẩn bị hồ sơ chi tiết, minh bạch về dự án xanh, bao gồm kế hoạch sử dụng vốn, tác động môi trường, và các báo cáo tài chính. Bên cạnh đó là cơ sở phương pháp luận tính toán rõ ràng, độ tin cậy cao về hiệu quả dự án trong việc sử dụng hiệu quả năng lượng, tài nguyên, giảm phát thải, bảo vệ môi trường. Trong một số trường hợp cần thiết, có kế hoạch yêu cầu một bên độc lập thứ ba đánh giá bản thiết kế dự án để có căn cứ đảm bảo hoàn thiện hồ sơ vay vốn.

Về phía NH cũng cần có các hành động chiến lược, có thể kể đến như phối hợp với sự tư vấn của các tổ chức quốc tế về phân tích hiện trạng khách hàng, ngành nghề vay xanh, yêu cầu của khách hàng, để từ đó xây dựng chiến lược phát triển tài chính xanh phù hợp.

Xây dựng khung tài chính xanh dựa trên tham khảo các quy định/ thông lệ quốc tế, bao gồm thiết lập các tiêu chí cụ thể để đánh giá tính khả thi và tác động môi trường của các dự án có nhu cầu vay.

Các NH cũng cần phát triển các gói tín dụng cụ thể dành cho các dự án thân thiện với môi trường, như năng lượng tái tạo, quản lý nước và công nghệ sạch… phù hợp với khách hàng hiện hữu cũng như nhóm khách hàng dự kiến tiếp cận trong tương lai. Đồng thời có kế hoạch xây dựng, thí điểm các chương trình phi tài chính như tư vấn thực hành ESG cho khách hàng, nhằm xác định nhu cầu khách hàng để xây dựng, “may đo” sản phẩm phù hợp.

Tất nhiên, bên cạnh những nỗ lực của DN và các NH, thì sự trợ lực từ Chính phủ, từ NHNN là hết sức quan trọng. Theo đó, NHNN có thể xem xét tăng cường thúc đẩy các chương trình cấp tín dụng xanh, bằng việc đưa ra những mức ưu đãi và phần thưởng xứng đáng đối với các NH tích cực cho vay xanh.

Cùng với đó, sự chênh lệch về quy mô giữa các NH là vấn đề Chính phủ, NHNN nên quan tâm khi đưa ra những quy định hướng dẫn và sự hỗ trợ kinh tế, để đảm bảo chính sách tín dụng xanh phù hợp với tình hình kinh doanh cụ thể của các tổ chức NH.

Từ đó, các nhà hoạch định chính sách cần tính đến những phương án đảm bảo sự ổn định tài chính liên tục bằng cách hỗ trợ các tổ chức cho vay, bảo lãnh dự án tuân theo các quy định về môi trường và tạo điều kiện tốt nhất cho các NH chưa thể bắt kịp xu hướng về tín dụng xanh.

Muốn đến với tín dụng xanh, DN phải xây dựng mối quan hệ với các tổ chức tài chính, quan hệ hợp tác với NH để nắm bắt thông tin về các gói tín dụng xanh cũng như tạo uy tín trong mắt họ. Và điều không thể thiếu là tìm kiếm hỗ trợ vốn xanh từ Chính phủ và phi Chính phủ.

Các tin khác