Nhiều KCN ở các tỉnh thành phía Nam hình thành, nhưng phần lớn còn ở tình trạng mới hoàn thành quy hoạch và xây dựng cơ sở hạ tầng như đường nội bộ, điện, cấp thoát nước…, nên nhiệm vụ cấp bách trước mắt của các KCN này là thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước đến thuê mặt bằng, chỉ tiêu lấp kín diện tích là quan trọng nhất. Vì vậy vấn đề nhà ở cho công nhân chưa phải là nhiệm vụ trước mắt.
Thời gian này, khi tuyển mộ công nhân, các doanh nghiệp cũng chỉ quan tâm đến tay nghề, sức khỏe, không phải lo chỗ ở cho họ. Với những người đi xin việc cũng chỉ quan tâm đến mức lương, điều kiện làm việc… chuyện ăn, ở, đi lại phải tự lo.
Mặt khác, kinh tế thị trường rất nhạy bén, nên những người dân ở xung quanh các KCN đã nhanh chóng tạo ra các khu nhà trọ cho công nhân nhập cư thuê với giá khá rẻ, dù chất lượng nhà ở rất tệ: chật hẹp, thiếu vệ sinh môi trường, mật độ cư trú quá cao, thiếu tiện nghi sinh hoạt, đời sống vật chất và tinh thần của công nhân rất thấp…
Thực tế trên thể hiện rõ nhất ở Bình Dương, địa bàn có tốc độ công nghiệp hóa nhanh nhất trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Theo số liệu trong một luận án tiến sỹ của tỉnh Bình Dương, thời điểm năm 2003 toàn tỉnh có 269.985 công nhân, trong đó tỷ lệ người nhập cư chiếm trên 85% và có 99,35% phải tự lo thuê nhà ở tại những khu nhà trọ bình dân.
Đến năm 2007, tổng số công nhân của tỉnh đã là 493.899 nhưng vẫn có 98,56% phải tự thuê nhà ở trọ. Như vậy trong vòng 5 năm, số lượng công nhân tăng gần 100%, trong khi tỷ lệ phải ở nhà trọ giảm không đáng kể, chỉ 0,7%.
Cũng trong thời kỳ đó, tỉnh Bình Dương đã tổ chức cuộc hội thảo về đời sống công nhân. Đã có rất nhiều bài tham luận phản ánh các khía cạnh về mức sống vật chất và tinh thần của công nhân, chủ yếu là bộ phận nhập cư chiếm hơn 85% đang ở trong các khu nhà trọ tồi tàn.
Nhiều tham luận nêu các giải pháp cụ thể về nhà ở cho công nhân, cũng như đề xuất về chính sách cho vấn đề này. Thí dụ, về chính sách phát triển KCN, đề xuất trong hợp đồng cho doanh nghiệp thuê mặt bằng làm nhà xưởng, nên kèm theo điều kiện phải xây nhà ở cho công nhân…
Nên thiết kế ít nhất 3 loại phòng dành cho cá nhân, cho nhóm 3 hoặc 5 người độc thân và phòng dành cho hộ gia đình nhỏ… đồng thời tổ chức kinh doanh cửa hàng tạp hóa, lương thực, thực phẩm và nhà trẻ cho con em công nhân… Giá cho thuê nhà phải “mềm” để mức lương của công nhân có thể chấp nhận được…
Thực tế, khu nhà ở cho công nhân mang lại nhiều lợi ích kinh tế, xã hội. Như đối với chủ doanh nghiệp nó tạo thêm khoản kinh doanh sinh lời từ tiền cho thuê phòng cùng với kinh doanh một số dịch vụ.
Nếu điều kiện ăn ở của công nhân được cải thiện, năng xuất lao động sẽ tăng và hạn chế một phần tình trạng tranh chấp lao động (vì các cuộc đình công chủ yếu do mức lương và điều kiện làm việc).
Mặt khác, khi công nhân ở tập trung sẽ tổ chức xe đưa đón tránh được tình trạng kẹt xe trước cổng các KCN và sự hình thành các khu chợ tạm xung quanh. Nếu các doanh nghiệp không tự thực hiện được các dự án xây nhà cho công nhân, các địa phương có thể thành lập các công ty cổ phần, thu hút vốn của doanh nghiệp để thực hiện với những chính sách ưu đãi…
Đáng tiếc, ý tưởng nêu trên được đề xuất từ khi đội ngũ công nhân Bình Dương mới có 269.985 người. 15 năm sau, đến năm 2017 tổng số công nhân ở Bình Dương đã 1.105 958 người, tức tăng gần 4 lần và tỷ lệ công nhân nhập cư vẫn trên 85%, nhưng nguồn cung của chương trình nhà ở xã hội mới đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu nhà ở cho công nhân, tức còn khoảng hơn 700.000 công nhân vẫn phải ở các khu nhà trọ, tăng gấp 3 lần so với thời điểm 2003.
Thực tế trên cho thấy vấn để giải quyết nhà ở quá chậm so với tốc độ tăng về số lượng công nhân nhập cư, giống như chiếc xe đạp đuổi theo xe hơi khoảng cách sẽ ngày càng xa hơn. Tình trạng đó có thể do nhiều nguyên nhân.
Thứ nhất, chính sách kêu gọi đầu tư chỉ chú trọng làm sao nhanh chóng thu hút được doanh nghiệp trong và ngoài nước đến thuê mặt bằng KCN, nên vấn đề nhà ở cho công nhân chưa được xem xét ngay từ đầu, kể cả khi có những ý tưởng được đề xuất cũng không được nghiên cứu cụ thể hơn, hoặc làm thí điểm.
Thứ hai, các khu nhà trọ tự phát dù thiếu điều kiện vệ sinh môi trường, tiện nghi sinh hoạt, nhưng nó đáp ứng kịp thời nhu cầu tối thiểu về nhà ở cho công nhân nhập cư, nên nhà ở cho công nhân chưa trở thành vấn đề nóng và cấp bách.
Khi đánh giá thành tựu công nghiệp hóa của từng địa phương thường chỉ nêu thành tích về số lượng và diện tích các KCN, khối lượng sản phẩm hàng hóa, điều kiện làm việc, trình độ công nghệ, mức lương công nhân… ít nhắc đế thực trạng công nhân ở nhà trọ.
Trên thực tế, vấn đề nhà ở cho công nhân chưa làm nảy sinh những hệ quả tiêu cực xã hội. Nhưng với tầm nhìn xa hơn có thể dự báo một số vấn đề phát sinh trong tương lai không xa cần nghiên cứu.
Đó là thế hệ công nhân nhập cư phải ở nhà trọ có bị mặc cảm là dân “ngụ cư”? Họ có muốn định cư hay khi hết tuổi lao động sẽ trở về quê? Vấn đề này ảnh hưởng đến chiến lược và quy hoạch xây dựng thế hệ công nhân kế tiếp? Điều kiện sống của cư dân địa phương và người nhập cư, nếu chênh lệch quá lớn và kéo dài sẽ ảnh hưởng đến chiến lược xây dựng khối đoàn kết toàn dân và ổn định xã hội của địa phương.
Người xưa có câu “ăn nhiều, ở hết bao nhiêu”. Câu đó chỉ đúng với những người mới thoát ly nông nghiệp để đi làm trong các KCN. Họ phải chấp nhận ở nhà trọ tồi tàn để nhanh chóng có việc làm và có thu nhập cho cuộc sống trước mắt.
Nhưng về lâu dài người lao động vẫn mong ước được “an cư-lạc nghiệp”, nên không thể coi nhẹ vấn đề nhà trọ của công nhân.