Không thể mặc cả với Nhà nước và nhân dân

(ĐTTCO) - Thông tin mới đây từ Bộ Tài nguyên - Môi trường, cho biết cả nước hiện có 26 nhà máy nhiệt điện than đang vận hành với tổng công suất 13.810MW (tiêu thụ khoảng 47,8 triệu tấn than), mỗi năm thải ra hơn 16,4 triệu tấn tro xỉ, thạch cao. 
Không thể mặc cả với Nhà nước và nhân dân
Dự kiến tới năm 2020, cả nước sẽ có thêm 15 dự án nhiệt điện than được đưa vào hoạt động (hiện đang trong quá trình xây dựng), qua đó nâng tổng công suất lên 36.000MW và tiêu thụ khoảng 67 triệu tấn than/năm.
Và tới năm 2030 các nhà máy nhiệt điện cần tới 171 triệu tấn than/năm để làm ra 75.000MW. Trong khi đó, tổng lượng tro xỉ trung bình chiếm 25-60% lượng than nhiên liệu, tùy thuộc vào chất lượng than và hiệu quả đốt cháy (công nghệ). Điều này đồng nghĩa hơn 40 nhà máy điện than trên mỗi năm sẽ thải ra 40-100 triệu tấn tro xỉ.
Về nguyên tắc, tro xỉ có thể được sử dụng như phụ gia sản xuất ximăng, sản xuất bêtông, gạch không nung và các loại vật liệu xây dựng khác. Tuy nhiên, do trong tro xỉ còn chứa lượng lớn than chưa kịp cháy hoặc cháy chưa triệt để (than dư), có thể lên đến 20-30%, để tái sử dụng tro xỉ phải qua công đoạn tuyển, tách lượng than này ra, cần phải đầu tư thêm dây chuyền tuyển than từ tro xỉ.
Hiện nay, công nghệ tuyển than dư từ tro xỉ chưa phổ biến rộng rãi nên việc tái sử dụng tro xỉ rất hạn chế. Nước ta đang đối mặt với vấn đề môi trường từ việc phát triển các nhà máy nhiệt điện than. Bởi hầu hết nhà máy chỉ có bãi thải chứa trong khoảng 5 năm và chủ yếu là chôn lấp. Theo dự báo với hơn 40 nhà máy, lượng tro xỉ thải ra rất lớn và để có thể chứa hết lượng phế thải đó cần khoảng 600.000ha, bằng diện tích của 1 xã.
Điều nguy hiểm là trong xỉ có những kim loại nặng khi nước mưa ngấm vào sẽ làm ô nhiễm nguồn nước sông, nước sinh hoạt. Ngoài ra, nhiệt độ nước ra khỏi nhà máy lên tới 400C, chiếm 1/3 nguồn nước sông gây ô nhiễm nguồn nước nặng, tàn phá môi trường đa dạng sinh học. Bên cạnh đó, tăng sản xuất điện từ đốt than gây ra tăng phát thải khí nhà kính đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam là một trong những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu.
Chỗ đâu để chôn lấp số xỉ than này và có ảnh hưởng gì đến môi trường là câu hỏi chưa có đáp án, trong khi các dự án nhiệt điện vẫn tiếp tục được cấp phép. Hệ quả nhãn tiền đã thấy, nhưng khi phát triển dự án nhiệt điện, các chủ đầu tư chỉ tập trung vào mục tiêu là sản xuất ra điện. Đến khi chất thải trong quá trình sản xuất quá lớn, vướng luật lại kiến nghị điều chỉnh luật, nghị định.
Thí dụ, khi Nhà máy nhiệt điện Mông Dương được yêu cầu phải xử lý triệt để tro xỉ, nếu không sẽ phải đóng cửa, chủ đầu tư là Tổng công ty phát điện 3 (EVN GENCO 3), đã kiến nghị “nếu phải đóng cửa Chính phủ phải đền bù cho chủ đầu tư khoảng 600.000USD/ngày”; đồng thời cho rằng “để xử lý tro xỉ phải có kinh phí và đưa chi phí này vào xác định giá điện”. Thậm chí, để giải quyết vấn đề tro, xỉ từ các nhà máy nhiệt điện than, một số bộ ngành đã đề xuất nới lỏng hay hạ chuẩn môi trường để gỡ khó cho các nhà máy này.
Thực tế, sau khi Chính phủ ban hành Quyết định 1696/QĐ-TTg ngày 23-9-2014 về một số giải pháp xử lý tro, xỉ, thạch cao tại các nhà máy nhiệt điện, hóa chất, các bộ, ngành, địa phương đã tích cực vào cuộc. Bộ Xây dựng cùng các đơn vị trực thuộc đã tập trung rà soát lại các tiêu chuẩn, quy chuẩn, để xây dựng, bổ sung, hoàn thiện đầy đủ, ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn hướng dẫn sử dụng tro, xỉ, thạch cao từ các nhà máy nhiệt điện, nhà máy sản xuất phân bón làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng.
Tuy vậy, để giải quyết triệt để vấn đề này, cần tăng tính trách nhiệm, bắt buộc đối với các nhà máy, nếu không thực hiện phải bỏ tiền ra thuê đơn vị khác xử lý. Về nguyên tắc, trong quá trình lập dự án chủ đầu tư phải có phương án xử lý chất thải trước khi dự án đi vào hoạt động, không thể cứ đi vào hoạt động rồi lại đem chuyện thiệt hại kinh tế ra mặc cả với Nhà nước và nhân dân. 
(TPHCM)

Các tin khác