Trước tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh, một số KCN đã nằm lọt thỏm trong khu dân cư. Có nhiều ý kiến trái chiều đặt ra xung quanh việc giải quyết thực trạng này. Trong đó, cần cân nhắc tiếp tục giải tỏa hay khoanh lại để chỉnh trang đô thị?
Xung quanh khu công nghiệp Tân Bình đã mọc lên nhiều khu dân cư. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Theo báo cáo của Sở TN-MT TPHCM, hiện trên địa bàn TPHCM còn 11 KCN chưa hoàn thành bồi thường, giải phóng mặt bằng với tổng diện tích đất bị “kẹt” hơn 100ha, cùng hàng trăm hộ dân chưa di dời. Trong đó, tại KCN Tân Bình (quận Tân Phú, do Công ty CP Sản xuất Kinh doanh Xuất nhập khẩu Dịch vụ và Đầu tư Tân Bình - Tanimex làm chủ đầu tư) còn 0,29ha chưa bồi thường, giải phóng mặt bằng. Phần diện tích này đang bị tranh chấp. Theo đại diện Tanimex, khu đất 0,29ha thuộc địa bàn phường Sơn Kỳ, nằm trong ranh đất do Thủ tướng Chính phủ giao cho Tanimex thực hiện đầu tư KCN. Khu đất này thuộc quyền quản lý, sử dụng của một gia tộc. Phía chủ đầu tư đã làm việc, thỏa thuận đền bù với chủ quản lý, sử dụng đất. Tuy nhiên, các thành viên trong gia tộc có tranh chấp và khởi kiện ra tòa nên công tác đền bù, giải phóng mặt bằng vẫn chưa xong.
Tương tự, KCN Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh, do Công ty TNHH MTV Đầu tư Kinh doanh nhà Khang Phúc làm chủ đầu tư) vẫn chưa giải phóng xong mặt bằng. Thời điểm năm 2011, trên 6,9ha đất chưa bồi thường của dự án có 142 hồ sơ, với giá bồi thường khoảng 70 tỷ đồng. Đến năm 2020, trên phần đất này đã “mọc” lên 535 căn nhà, dự kiến số tiền bồi thường lên tới 475 tỷ đồng (chưa tính chi phí tái định cư).
Tại huyện Củ Chi, KCN Tân Phú Trung (do Công ty CP Phát triển đô thị Sài Gòn Tây Bắc làm chủ đầu tư) hiện còn 33,02ha chưa bồi thường. KCN Đông Nam (do Công ty CP Đầu tư Sài Gòn VRG làm chủ đầu tư) được phê duyệt từ năm 2008 nhưng đến nay còn 12 hộ dân không đồng ý bàn giao mặt bằng với tổng diện tích 1,56ha. KCN Cơ khí ô tô Thành phố (do Công ty CP Hòa Phú làm chủ đầu tư) được chấp thuận đầu tư từ năm 2014, hiện còn 7 hộ dân chưa đồng ý nhận tiền bồi thường, cùng 13 ngôi mộ chưa di dời với diện tích 2,289ha do người nhà không đồng ý đơn giá bồi thường.
Trên địa bàn quận Bình Tân, tại KCN Tân Tạo (do Công ty Tân Tạo làm chủ đầu tư) còn 7 hộ dân với khoảng 1,59ha đất chưa nhận bồi thường. KCN Tân Tạo mở rộng còn 17 hộ dân với diện tích 3,44ha chưa giải phóng mặt bằng. Tại huyện Nhà Bè có dự án Xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng kỹ thuật KCN Hiệp Phước (giai đoạn 2) còn hơn 40ha chưa đền bù xong.
Dẫn đến công tác giải phóng mặt bằng chưa xong có nhiều nguyên nhân như: người dân không đồng ý đơn giá bồi thường; khu đất có tranh chấp; tốc độ đô thị hóa tăng nhanh khiến chi phí đền bù tăng cao so với dự toán ban đầu… Thậm chí, có nguyên nhân chủ đầu tư KCN không hợp tác với chính quyền địa phương để thực hiện công tác đền bù, như trường hợp ở KCN Tân Tạo (quận Bình Tân); có chủ đầu tư chưa thực hiện đầy đủ thủ tục pháp lý, như KCN Lê Minh Xuân 3, KCN Đồng Nam.
Một số quận huyện và chủ đầu tư cho rằng, nên “chỉnh trang” đô thị, không nhất thiết tiếp tục giải phóng mặt bằng. Theo ông Huỳnh Văn Hạnh, nguyên Bí thư Quận ủy quận Tân Phú, quá trình đô thị hóa đã cho thấy “tầm nhìn” quy hoạch một số KCN không còn phù hợp. Do vậy cần điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn, nhằm đảm bảo phát triển kinh tế và đảm bảo yếu tố môi trường cũng như quyền lợi của doanh nghiệp, người dân.
Chưa có ý kiến cuối cùng của ngành chức năng, nhưng theo nhiều chuyên gia, đây là giải pháp khả thi mà thành phố nên cân nhắc để sớm hoàn thiện các KCN.