Ông TRẦN QUỐC TRUNG, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý Khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đã nhấn mạnh điều này khi trao đổi với ĐTTC.
PHÓNG VIÊN: - Ông nhận định thế nào về vai trò của hệ thống KCN ở Việt Nam?
Ông TRẦN QUỐC TRUNG: - Trên cơ sở đường lối đổi mới của Đảng nhằm thực hiện chủ trương mở cửa, phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, thu hút nguồn lực từ các thành phần kinh tế để phát triển kinh tế - xã hội đất nước, năm 1991 mô hình khu chế xuất (KCX), KCN ở Việt Nam ra đời. Qua các thời kỳ, chủ trương, định hướng về phát triển KCN không ngừng được bổ sung, hoàn thiện nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Hệ thống KCN được hình thành đã thực sự trở thành các khu vực trọng điểm về thu hút vốn đầu tư và dự án đầu tư quy mô lớn. Đồng thời, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tái cơ cấu nền kinh tế và thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế thế giới của Việt Nam.
Tính đến cuối tháng 6, cả nước có 441 KCN được thành lập, với tổng quỹ đất công nghiệp đạt khoảng 94,5 ngàn ha. Hệ thống KCN đã thu hút khoảng 222,7 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và 1.487.100 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước, bổ sung nguồn lực quan trọng cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung, và các địa phương nói riêng.
Các KCN đi vào hoạt động đã tạo việc làm cho khoảng 4 triệu lao động, tạo giá trị xuất khẩu đạt trên 220 tỷ USD vào năm 2023, đóng góp quan trọng cho ngân sách nhà nước, góp phần mở rộng không gian đô thị, kéo theo sự phát triển của nhiều ngành dịch vụ phụ trợ như vận tải, logistics, nhà hàng khách sạn...
Nhờ các KCN phát triển, nhiều tỉnh đã có bước chuyển mình và phát triển mạnh mẽ. KCN đã khẳng định vị trí ngày càng quan trọng, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh. Các KCN đã có đóng góp tích cực vào thành tựu tăng trưởng, phát triển và hội nhập kinh tế thế giới của Việt Nam.
- Nhưng Việt Nam đang phải cạnh tranh mạnh mẽ trong thu hút đầu tư, và từng địa phương trong nước cũng đứng trước sự cạnh tranh này. Vậy phát triển các KCN thế nào để tăng sức cạnh tranh?
- Bên cạnh những kết quả tích cực, những đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, thì quá trình phát triển nhanh của hệ thống các KCN cũng bộc lộ nhiều vấn đề cần được giải quyết. Mức độ liên kết ngành, hợp tác, cộng sinh công nghiệp giữa các doanh nghiệp trong cùng một KCN hay các KCN với nhau, còn nhiều hạn chế và chưa thực sự hiệu quả.
Các dịch vụ hỗ trợ tại nhiều KCN vẫn chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu, hoặc chưa đạt chất lượng cao. Các dịch vụ, công trình kết cấu hạ tầng dùng chung giữa các doanh nghiệp chưa nhiều.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, việc phát triển các KCN sinh thái, KCN theo hướng xanh, tuần hoàn, bền vững về kinh tế và xã hội cùng môi trường, là xu thế tất yếu và đang trở thành tiêu chí lựa chọn hàng đầu của các nhà đầu tư nước ngoài. Và với xu hướng phát triển mới, những tiêu chí truyền thống về kết cấu hạ tầng (giao thông, cấp điện, khí gas, thông tin liên lạc, cấp, thoát nước, xử lý nước thải, chất thải…), chất lượng nguồn nhân lực, thủ tục hành chính thuận lợi là chưa đủ.
Việc phát triển KCN cần có những loại hình mới để đón được làn sóng đầu tư mới, thu hút đầu tư chất lượng cao và tận dụng được cuộc CMCN 4.0. Điều này đặt ra những yêu cầu mới về phát triển các KCN ở Việt Nam trong thời gian tới.
Theo đó, các KCN không chỉ đơn thuần là phát triển theo chiều rộng, đa ngành, đa lĩnh vực như trước kia, mà cần phải đổi mới, phát triển theo chiều sâu, chuyên ngành, chuyên môn hóa cao, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số, AI, sử dụng năng lượng xanh, sạch, tái tạo và gắn kết chặt chẽ với phát triển cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị.
Thúc đẩy hợp tác, cộng sinh công nghiệp, kinh tế tuần hoàn giữa các doanh nghiệp trong KCN để sử dụng hiệu quả nguyên vật liệu, năng lượng, tài nguyên, chia sẻ dịch vụ dùng chung. Đây là mô hình giúp các doanh nghiệp cùng nhau chia sẻ, tái sử dụng các phụ phẩm, chất thải trong quy trình sản xuất một cách hiệu quả, từ đó tiết kiệm đáng kể chi phí đầu vào, giảm thiểu tác động tới môi trường.
Ngoài ra, để thu hút đầu tư và phát triển bền vững, cũng đòi hỏi phải đầu tư phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng xã hội, nhà ở, các công trình dịch vụ, tiện ích công cộng như: trường học, bệnh viện, trung tâm văn hóa, thể thao, thương mại, dịch vụ… để phục vụ cho người lao động và gia đình họ.
- Nói như vậy những kết quả và cả những hạn chế đã bộc lộ trong 40 năm đổi mới. Vậy ông có gợi mở gì cho các địa phương trong việc xây dựng và phát triển các KCN để cùng vươn mình, đáp ứng được yêu cầu phát triển của giai đoạn mới?
- Nhiều địa phương và nhà đầu tư hạ tầng KCN đã xác định, việc phát triển KCN theo loại hình KCN sinh thái, xanh, KCN công nghệ cao, KCN chuyên ngành, KCN hỗ trợ là yêu cầu tất yếu, là cấp bách để kiến tạo lợi thế cạnh tranh và phát triển bền vững.
Các loại hình KCN mới sẽ đóng góp đáng kể vào nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu, huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân cho giải pháp phát triển công nghiệp xanh, bảo đảm an ninh năng lượng, phát triển cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị, kinh tế tuần hoàn.
Để thực hiện thành công Chiến lược phát triển xanh, đạt được mục tiêu netzero, cần có sự phối hợp đồng bộ của các bộ, ngành, địa phương và sự quyết tâm cao của chính quyền địa phương, cũng như sự liên kết, kết nối giữa các doanh nghiệp, các nhà đầu tư với nhau, giữa Ban quản lý KCN với các KCN và các doanh nghiệp trong KCN, giữa DN cung ứng dịch vụ, cung ứng công nghệ và giải pháp với các doanh nghiệp sản xuất để hình thành loại hình KCN mới, ứng dụng các giải pháp mới, công nghệ mới.
- Xin cảm ơn ông.
Cần ưu tiên chuyển đổi KCN truyền thống sang hoạt động theo loại hình KCN sinh thái, hoặc đầu tư mới loại hình KCN sinh thái trong cả nước. Qua đó góp phần gia tăng năng lực cạnh tranh, tạo động lực phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, từng bước giải quyết các vấn đề về tài nguyên, môi trường.