Theo thống kê, cả nước hiện nay có 21 tỉnh trong tổng số 25 tỉnh có biên giới đất liền được duy trì KKTCK, trong đó giáp Trung Quốc có 6 tỉnh, giáp Lào có 8 tỉnh và giáp Campuchia có 8 tỉnh (do KKTCK quốc tế Bờ Y vừa giáp Lào, vừa giáp Campuchia); sẽ có 4 tỉnh thành lập KKTCK theo kế hoạch dự kiến trong giai đoạn 2016-2020.
Ngoài ra, giai đoạn 2016-2020, tỉnh Quảng Trị sẽ thành lập thêm KKTCK La Lay. Tính đến nay, cả nước đã có 28 KKTCK và đến hết năm 2020 Việt Nam dự kiến sẽ có tổng cộng 30 KKTCK.
Trải qua hơn 20 năm hoạt động, các KKTCK đã thu hút gần 800 dự án đầu tư, trong đó có 700 dự án đầu tư trong nước với số vốn đăng ký đầu tư trên 50.000 tỷ đồng và khoảng 100 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng số vốn đăng ký 700 triệu USD. Kết quả này cho thấy KKTCK có sức thu hút đầu tư khá mạnh mẽ, không chỉ đối với nhà đầu tư trong nước mà cả với nhà đầu tư nước ngoài.
Các KKTCK cũng khẳng định rõ vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế- xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng tại các tỉnh miền núi, biên giới; góp phần thúc đẩy mở rộng thị trường xuất nhập khẩu hàng hóa; tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho người lao động không chỉ ở khu vực cửa khẩu mà còn ở các vùng lân cận.
Tuy nhiên, trái ngược với cảnh nhộn nhịp những năm trước đây của thời mua hàng miễn thuế, các KKTCK giờ đây đang lâm vào cảnh đìu hiu, thậm chí phải đóng cửa. Như KKTCK Mộc Bài tại huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh, từng được ví là “thành phố Mặt Trời” với diện tích rộng cả trăm hecta, được đầu tư đường giao thông, điện, nước đầy đủ, nhưng nay chỉ có vài người ở. Dãy nhà văn phòng xây dựng trên 10 năm nay giờ để trống, xuống cấp theo thời gian.
Từng được xem là điểm nhấn quan trọng trên tuyến hành lang kinh tế Đông-Tây, kéo qua 4 nước Việt Nam-Lào-Thái Lan-Myanmar, và cũng từng là KKTCK sầm uất của khu vực miền Trung, nhưng đến nay KKTCK Lao Bảo (Hướng Hóa, Quảng Trị) rơi vào cảnh hoang vắng. Hay KKTCK Tịnh Biên, An Giang tạm dừng hoạt động 2 năm qua vì không có khách. Đồng cảnh ngộ là các KKTCK ở Đồng Tháp, Kiên Giang, Long An cũng được đầu tư hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng để rồi sau đó dần bị bỏ rơi vào dĩ vãng.
Nguyên nhân, từ tháng 10-2014, theo Thông tư 109 của Bộ Tài chính, hàng hóa phải nộp thuế ngay (thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế GTGT) khi nhập khẩu từ nước ngoài vào khu phi thuế quan, thay vì nộp sau như trước. Quy định này đã gần như xóa bỏ hoàn toàn các ưu đãi đặc thù dành cho các KKTCK, gây áp lực lớn cho doanh nghiệp vì bị chôn vốn 30-35%.
Cơ quan thuế chỉ hoàn thuế khi lô hàng được bán hết, song để được hoàn thuế rất gian truân, vì bán một lô hàng có khi phải mất đến 1 năm. Việc thay đổi và thiếu nhất quán về cơ chế chính sách, trong đó có chính sách về thuế, đã đẩy các doanh nghiệp KKTCK đến bờ vực phá sản.
Thực tế, việc triển khai xây dựng các KKTCK có tính đến các ưu đãi về thuế quan sẽ mất dần đi khi nền kinh tế hội nhập sâu. Nhưng đó là cuộc chơi, khi quốc gia đặt mục tiêu muốn gì sẽ điều chỉnh chính sách để đạt được mục tiêu.
Vì thế, để khắc phục tình trạng trống vắng của các KKTCK, đã có một số ý kiến đề xuất nên chuyển đổi công năng hoạt động các khu thương mại cửa khẩu sang khu, cụm công nghiệp, kho ngoại quan, làm dịch vụ hậu cần logistics. Để làm được điều này cần thay đổi tư duy, cách tiếp cận mới trong xu thế hội nhập, cạnh tranh; giải quyết tổng thể các vấn đề hơn là những đối phó cắt khúc ngắn hạn.
Cụ thể, để khai thác KKTCK nên phát triển các đô thị biên giới, các khu thương mại dịch vụ, sản xuất hàng hóa phục vụ tại chỗ và xuất khẩu qua các nước lân cận. Bên cạnh đó, địa phương cũng rất cần Trung ương tiếp tục hỗ trợ vốn đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống giao thông hoàn chỉnh, đồng bộ. Đặc biệt, cần xây dựng hệ thống văn bản pháp luật thống nhất, ổn định và có hiệu lực pháp lý cao để điều chỉnh mọi hoạt động phát sinh, tránh tình trạng chồng chéo vướng mắc như thời gian qua.