Thiệt hại lớn khi sinh viên không thể đến trường
Có lẽ không nhiều người nghĩ rằng giáo dục là một phần của nền kinh tế, khi cho rằng trường đại học chả có quan hệ với tiền tệ và tài chính. Tuy nhiên, thực tế cho thấy giáo dục và kinh tế luôn song hành với nhau ở các nước phát triển và tiền chính là nguồn sống của giáo dục. Nguồn tiền giáo dục nhận được thường từ các sinh viên giàu có, phí ăn ở, cơ sở vật chất và nguồn lớn nhất là học phí hàng năm của sinh viên, đặc biệt từ sinh viên nước ngoài - những người đổ hàng ngàn USD để được hưởng một nền giáo dục tân tiến nhất.
Mỹ, Australia và Anh là 3 nước đi đầu trong kinh doanh giáo dục, với hệ thống giáo dục dạy bằng tiếng Anh phát triển của mình. Các nước này không chỉ thu hút sinh viên trong nước, còn là lựa chọn hàng đầu của sinh viên quốc tế. Thí dụ, ở Mỹ dòng tiền sinh viên quốc tế đổ vào nền kinh tế lên tới 45 tỷ USD/năm. Còn ở Australia, du học sinh mang về cho nền kinh tế khoảng 30 tỷ AUD mỗi năm. Với tình trạng đóng cửa hiện nay, sinh viên không thể đến trường học, nhiều khóa học buộc phải chuyển sang học trực tuyến. Nếu tình hình không trở nên khả quan hơn, vào mùa thu việc nhập học cho sinh viên mới có thể gặp nhiều khó khăn, thậm chí việc học sinh cũ quay lại trường cũng trở ngại không kém. Đại dịch Covid-19 thực sự khiến ngành giáo dục các nước phát triển chao đảo.
Trường Đại học Harvard (Mỹ).
Tờ The Guardian của Anh dẫn dự báo ngành từ Liên minh các trường đại học Anh (UCU), cho biết giáo dục Anh có thể mất khoảng 2,5 tỷ bảng vào năm tới chỉ tính riêng học phí, đồng thời mất đi 30.000 việc làm tại các trường đại học. Dự báo này được đưa ra dựa trên tình hình ảm đạm của sinh viên cả trong nước lẫn quốc tế và dự báo tình hình dịch bệnh tiếp tục mất kiểm soát như hiện nay. UCU cũng cập nhật thông tin từ các dự báo của bộ phận tư vấn, cho biết trước tình hình hiện nay, ngay cả những trường đại học danh tiếng như Oxford và Cambrige cũng chứng kiến số lượng sinh viên nhập học giảm.
Theo Forbes, ở Mỹ cuộc khủng hoảng này ảnh hưởng nhiều hơn tới các trường tư so với các trường công lập. Tuy vậy, các trường công lập cũng phải đối mặt với sự cắt giảm tài trợ từ các quỹ bang. Đại học Missouri cho biết quỹ của trường bị cắt giảm khoảng 8%, các trường đại học công lập khác cũng trong tình trạng tương tự. Về phía các trường tư, vấn đề của họ nằm ở nguồn thu chính: học phí từ sinh viên. Số lượng sinh viên nhập học giảm, đồng nghĩa với việc nguồn thu chính của họ cũng giảm. Nhóm đại diện các trường đại học dự đoán, số lượng sinh viên nhập học vào mùa thu này sẽ giảm 15%. Gần đây, nhật báo của Đại học Harvard miêu tả tình hình tài chính của nhà trường bằng cụm từ “vô cùng tồi tệ”. Nếu đến cả Harvard cũng nằm trong trạng thái tồi tệ, không có trường đại học nào trong tình trạng an toàn.
Chưa có giải pháp căn cơ
Chưa có giải pháp căn cơ
Với tình hình hiện tại, các trường cũng như chính phủ nhiều nước buộc phải đề ra những giải pháp tạm thời để vượt qua khủng hoảng. Theo The Guardian, chính phủ Anh đang thảo luận với các trường đại học về con số giảm lượng sinh viên nhập học ở mỗi trường, nhằm có giải pháp giúp một số trường tránh phải đối mặt với phá sản vì số lượng sinh viên nhập học tụt dốc quá mức. BBC cung cấp thông tin về dự định của các trường cho kỳ học tới, cho biết 89 trường trong số 92 trường đại học ở Anh sẽ tổ chức các lớp học trực tiếp đan xen với những lớp online. Nhiều trường cũng đưa ra quyết định học trực tuyến cho kỳ học tới, như Trường Đại học Cambridge quyết định cả năm học tới sẽ học bằng hình thức trực tuyến; sinh viên của các trường Manchester, Reading và Queen's Belfa sẽ có những bài giảng online cho kỳ học mùa thu này.
Ở Mỹ, các trường đại học cũng lên kế hoạch đưa sinh viên trở lại trường vào kỳ học tới với những phương án như lùi ngày khai giảng, rút ngắn học kỳ và hạn chế việc đi lại. Sinh viên Đại học Yale sẽ quay lại trường vào mùa thu với số lượng sinh viên tới trường hạn chế; số sinh viên sống trong khuôn viên trường giảm xuống khoảng 60% so với bình thường. Forbes cũng cho biết có khoảng 100 trường hỗ trợ giảm học phí cho sinh viên để kích thích việc nhập học, trong khi có tới 1.000 trường nói không với việc hỗ trợ này.
Các biện pháp trên cũng chỉ giúp giảm thiểu thiệt hại một phần, các trường đại học vẫn cần những hỗ trợ thiết thực hơn từ chính phủ. Theo đó, chính phủ cần phải có hành động khẩn cấp để hỗ trợ các trường đại học vượt qua thử thách nghiêm trọng này, để bảo vệ sinh viên, duy trì các nghiên cứu khoa học và duy trì cả khả năng của các trường đại học, góp phần thúc đẩy sự phục hồi của của nền kinh tế.
Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Mỹ (ICE) ngày 6-7 đưa ra thông báo, cho biết vào mùa thu tới du học sinh tại Mỹ sẽ phải về nước, nếu chương trình đang theo học chuyển sang dạy online 100%. Người ở lại bị coi là cư trú bất hợp pháp. Yêu cầu này áp dụng với nhóm sinh viên quốc tế, những người đang theo học các chương trình có cấp bằng, chứng chỉ ở Mỹ đang giữ visa F-1 và M-1. Những sinh viên hiện còn ở Mỹ, nếu đăng ký các môn học 100% online cho kỳ mùa thu 2020, phải thay đổi bằng cách chuyển đến các trường có dạy trực tiếp hay kết hợp lớp học trực tuyến với trực tiếp.
Với sắc lệnh của Chính quyền Trump về việc không cấp visa cho sinh viên quốc tế, Đại học Harvard và Viện Công nghệ Massachusetts thứ tư vừa qua (8-7) đã nộp đơn khởi kiện lên tòa án liên bang phản đối chính sách này. “Dường như chính sách này được ban hành để tạo sức ép lên các trường đại học, để các trường mở các lớp học trực tiếp vào mùa thu này mà chẳng bận tâm đến sức khỏe của sinh viên, giảng viên và cả những người khác nữa” - Chủ tịch Đại học Harvard, ông Larry Bacow nói. Nối tiếp Harvard và Viện Công nghệ Massachusetts, đại học California vào ngày 9-7 cũng thông báo kế hoạch kiện chính phủ để phản đối sắc lệnh trên.