Khủng hoảng NH toàn cầu (kỳ 1): “Tâm chấn” châu Âu

Cùng với cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu, lượng tài sản xấu trong hệ thống ngân hàng toàn cầu ngày một nhiều. Trong khi đó, sự đình trệ của kinh tế thế giới thời gian gần đây cho thấy hoạt động cấp vốn của cả hệ thống ngân hàng toàn cầu đang rất cầm chừng. Bộ trưởng Tài chính Canada cảnh báo chỉ cần Hy Lạp vỡ nợ, một cuộc khủng hoảng ngân hàng toàn cầu sẽ bùng phát.

Cùng với cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu, lượng tài sản xấu trong hệ thống ngân hàng toàn cầu ngày một nhiều. Trong khi đó, sự đình trệ của kinh tế thế giới thời gian gần đây cho thấy hoạt động cấp vốn của cả hệ thống ngân hàng toàn cầu đang rất cầm chừng. Bộ trưởng Tài chính Canada cảnh báo chỉ cần Hy Lạp vỡ nợ, một cuộc khủng hoảng ngân hàng toàn cầu sẽ bùng phát.

Chưa đầy 3 tháng sau khi vượt qua cuộc kiểm tra sức ép của Liên minh châu Âu (EU), ngân hàng lớn thứ 49 thế giới Dexia vừa sụp đổ và phải chịu ứng cứu từ chính phủ các nước. Phải chăng đây là dấu hiệu đầu tiên về một cuộc khủng hoảng ngân hàng toàn cầu, kể từ sau khủng hoảng năm 2008?

Dexia - Lehman Brothers của châu Âu?

Ngày 9-10, Thủ tướng Pháp Francois Fillon, Thủ tướng Bỉ Yves Leterme và đoàn đại biểu Luxembourg đã thông qua kế hoạch giải thể ngân hàng Dexia. Theo đó, Dexia sẽ bị quốc hữu hóa phần tài sản tại các nước liên quan. Trong đó, Chính phủ Bỉ quyết định bỏ ra 4 tỷ EUR để mua lại phần hoạt động của Dexia tại nước này.

Dexia - Lehman Brothers của châu Âu?

Dexia - Lehman Brothers của châu Âu?

Ngoài phần tái bổ sung vốn, Dexia còn được bảo lãnh 90 tỷ EUR (tương đương 123 tỷ USD) để có thể thực hiện các khoản vay tái thiết trong vòng 10 năm tới. Số tiền này Bỉ chi 61%, Pháp đóng góp 37%. Tuy nhiên, sự đảm bảo đó chưa bằng 1/2 tổng lượng tài sản xấu của Dexia (ước tính 190 tỷ EUR).

Việc mua lại tài sản của Dexia sẽ khiến Pháp, Bỉ và Luxembourg tiêu tốn khoản tiền rất lớn, vì bảng cân đối tài sản của Dexia lên đến 518 tỷ EUR tính đến cuối tháng 6, tương đương toàn bộ hệ thống ngân hàng ở Hy Lạp và lớn hơn tổng tài sản các định chế tài chính được ứng cứu ở Ireland trong 2 năm rưỡi qua.

Chính vì tầm mức “khủng” của Dexia, nhiều người so sánh sự thất bại của ngân hàng này với vụ sụp đổ của Lehman Brothers tháng 9-2008.

Đáng lo hơn, hầu như ai cũng tin rằng Dexia không phải là ngân hàng cuối cùng sụp đổ vì cuộc khủng hoảng nợ châu Âu. Các ngân hàng trong khu vực đang nắm giữ rất nhiều nợ xấu của các chính phủ đang bị tả tơi vì khủng hoảng nợ như Hy Lạp, Ireland, Bồ Đào Nha...

Trong đó có những ngân hàng nắm nợ xấu nhiều hơn vốn của họ. Hiện các ngân hàng Pháp đang chịu sức ép lớn khi nguồn lực tài chính cạn kiệt. Và cùng với những cuộc bàn thảo về gói ứng cứu thứ 2 cho Hy Lạp trong khi tình hình sức khỏe tài chính của Athens ngày một xấu, các ngân hàng châu Âu phải đối mặt với nguy cơ mất trắng nợ Hy Lạp.

Khủng hoảng trái phiếu

Vấn đề đặt ra hiện nay là liệu có tái diễn một Lehman Brothers ở châu Âu, đặc biệt khu vực đồng EUR (Eurozone). Cũng như tình trạng mất giá của các loại chứng khoán thứ cấp đã đánh sụp bảng cân đối của các ngân hàng Hoa Kỳ và châu Âu năm 2008, giới phân tích tin rằng các loại trái phiếu của các nước PIIGS (tên viết tắt của Bồ Đào Nha, Ireland, Italia, Hy Lạp và Tây Ban Nha) có khả năng tương tự. Các loại trái phiếu này đang rớt giá thê thảm trong khi lợi suất tăng vùn vụt.

Tính tới cuối tuần trước, lợi suất trái phiếu 2 năm của Hy Lạp lên đến 63,5%, trái phiếu 10 năm chạm 22,53%. Lợi suất trái phiếu của Bồ Đào Nha chạm 10,94%, của Ireland chạm 7,55%... Ngay cả khi Hy Lạp không bị vỡ nợ, gói ứng cứu thứ 2 dành cho nước này cũng sẽ làm gia tăng đáng kể thua lỗ của các ngân hàng.

Nếu trái phiếu của Hy Lạp, Ireland và các nước PIIGS khác tiếp tục mất giá sâu hơn, hệ thống ngân hàng châu Âu sẽ đuối sức. Khi đó những cuộc ứng cứu tương tự Dexia sẽ lan khắp châu lục và có thể cả thế giới. Và cuộc khủng hoảng năm 2008 sẽ lặp lại, bởi những ngân hàng như BNP, Barclays đều nắm trong tay lượng nợ PIIGS lớn hơn vài lần so với vốn dự trữ.

Chính vì những điều này, Moody's đã hạ tín nhiệm 1 trong 2 ngân hàng lớn nhất nước Pháp là Societe Generale. Hôm 7-10, Moody's tiếp tục hạ tín nhiệm 12 ngân hàng Anh, trong đó có ngân hàng sở hữu nhà nước Royal Bank of Scotland và Lloyds TSB.

Cũng trong ngày 7-10, Fitch Rating cho biết hạ tín nhiệm của Italia từ AA- xuống A+, kèm triển vọng tiêu cực. Hãng này cũng hạ tín nhiệm Tây Ban Nha từ AA+ xuống AA-, kèm triển vọng tiêu cực vì dự báo những tác động xấu từ cuộc khủng hoảng nợ châu Âu.

Chia rẽ

Giữa tình thế nước sôi lửa bỏng, giới lãnh đạo châu Âu lại không có sự đồng thuận cần thiết. Điều này có thể thấy rõ qua cuộc gặp gỡ giữa lãnh đạo 2 nền kinh tế lớn nhất Eurozone ngày 9-10. Thủ tướng Đức cho rằng các ngân hàng muốn điều chỉnh cơ cấu vốn phải dựa trước hết vào vốn của ngân hàng, rồi mới đến sự hỗ trợ của chính phủ và cuối cùng mới đụng đến Quỹ ổn định tài chính châu Âu (EFSF).

Ngược lại, Pháp muốn sử dụng ngay 440 tỷ USD từ EFSF để điều chỉnh cơ cấu vốn của các ngân hàng trong khu vực. Cuộc họp hôm 9-10 đã kết thúc với tuyên bố “hạ hồi phân giải”, phải đợi đến trước ngày 3-11 để có kết quả chính thức.

Không chỉ vậy, việc mở rộng EFSF lên 440 tỷ EUR đang bị vướng lại với 1 thành viên “nhỏ bé” là Slovakia, nơi người dân bị tổn hại nặng nề từ khi gia nhập Eurozone và hầu như chẳng còn bụng dạ nào để ứng cứu một nước giàu hơn họ là Hy Lạp. Đó là chưa kể dù việc mở rộng EFSF được thông qua, nó vẫn còn quá nhỏ để chống đỡ các nước nặng nợ ở khu vực.

Chỉ tính các khoản tiền đã được hứa hẹn cho việc giải cứu các nền kinh tế như Hy Lạp đã phải giải ngân tới một nửa, chỉ còn lại khoảng 220 tỷ EUR. Hôm 25-9, Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho rằng cần phải mở rộng quỹ EFTS lên ít nhất 4.000 tỷ USD mới có khả năng ứng cứu cho các thành viên nặng nợ.

Chỉ tính riêng nợ của Tây Ban Nha và Italia cộng lại, con số đã lên đến 2.200 tỷ EUR, vượt xa con số 440 tỷ EUR của EFSF mà các nhà lãnh đạo châu Âu muốn vươn đến.

------------

Kỳ 2: Lan sang Bắc Mỹ

Các tin khác