Kích cầu giảm tồn kho

Theo Bộ Công Thương, chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tính đến ngày 1-8 tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Thực tế này cho thấy các DN hiện vẫn còn rất nhiều khó khăn.

Theo Bộ Công Thương, chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tính đến ngày 1-8 tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Thực tế này cho thấy các DN hiện vẫn còn rất nhiều khó khăn.

Tồn kho tăng

Tại cuộc họp báo thường kỳ diễn ra mới đây, Bộ Công Thương cho biết chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghệ chế biến, chế tạo tháng 7 chỉ tăng 0,9% so với tháng trước và tăng 14,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng, chỉ số tiêu thụ tăng 9,2% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tính đến thời điểm ngày 1-8 tăng 9% so với cùng kỳ năm 2012 (tăng 0,2% so với tháng trước), trong đó một số ngành có chỉ số tồn kho cao như: sản xuất sữa và các sản phẩm từ sữa tăng 25,7%; sản xuất đồ uống tăng 59,6%; sản xuất hàng may sẵn (trừ trang phục) tăng 20,3%; sản xuất dây, cáp điện và dây dẫn điện tử khác tăng 32,1%; sản xuất mô tô, xe máy tăng 81,6%...

Những số liệu này minh chứng cho những khó khăn của DN ngày một nhiều hơn khi người tiêu dùng thắt chặt hầu bao với cả những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như sữa và các sản phẩm từ sữa, đồ uống… Một số ngành công nghiệp chủ lực như thép hiện vẫn còn nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, thừa nhận do khó khăn về đầu ra đã có hiện tượng DN cạnh tranh không lành mạnh về giá. Tuy hiệp hội có họp bàn với các DN vài lần về vấn đề này, nhưng họp xong lại bị phá, phá xong lại phải bàn. Trong bối cảnh tồn kho tăng sản xuất cũng đang tăng.

Cụ thể, tính chung 8 tháng chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,5%. Bên cạnh đó, nhiều ngành có chỉ số tồn kho giảm so với cùng thời điểm năm 2012 như sản xuất phân bón và hợp chất nitơ giảm 3,9%; sản xuất xi măng giảm 39,1%; sản xuất linh kiện điện tử giảm 70,3%; sản xuất mô tơ, máy phát, biến thế điện, thiết bị phân phối và điều khiển điện giảm 19,7%; sản xuất xe có động cơ giảm 39,7%... Nhưng cũng rất cần có những chương trình kích cầu nhằm giảm tồn kho.

Tháng khuyến mại

Đến hẹn lại lên, tháng 9 hàng năm tại TPHCM lại diễn ra tháng khuyến mại. Đây là chương trình định kỳ hàng năm do Sở Công Thương phối hợp Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch tổ chức dưới sự chỉ đạo trực tiếp của UBND TPHCM với mục tiêu kích cầu tiêu dùng xã hội, thu hút du khách trong và ngoài nước đến TP tham quan và mua sắm.

Tháng khuyến mại 2013 có hơn 900 DN tham gia với hơn 2.500 điểm bán hàng khuyến mại (tăng 10% so với năm 2012), trong đó nhiều DN hưởng ứng mạnh mẽ. Và chính từ thành công của chương trình tháng khuyến mại năm 2012, năm nay đã có thêm nhiều DN tham gia nhằm kích thích sức mua của người tiêu dùng.

Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn còn cao.
Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn còn cao. 

Ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Vissan, chia sẻ sức mua năm nay yếu hơn năm ngoái, chính vì thế việc tham gia vào chương trình tháng khuyến mại là hết sức quan trọng. Riêng Vissan đã dành 4 tỷ đồng cho chương trình này. Cũng là một trong những đơn vị tham gia mạnh mẽ vào chương trình này, năm nay hệ thống siêu thị Co.opmart dành ra khoản ngân sách khuyến mại khoảng 150 tỷ đồng (gấp 1,5 lần so với năm 2012). Không chỉ riêng tại TPHCM, nhiều tỉnh, thành khác cũng diễn ra các hoạt động tương tự.

Có thể thấy, thời điểm khó khăn, người tiêu dùng thắt chặt hầu bao cũng là lúc các DN phải tung ra nhiều chương trình khuyến mại. Ngoài việc tham gia vào các hoạt động do các cơ quan nhà nước tổ chức, hầu hết các DN đều liên tục tung ra các chương trình khuyến mại vào nhiều thời điểm trong năm. Tất cả đều mang theo một hy vọng kích thích sức mua, giảm tồn kho.

Tất nhiên, DN cũng phải cân nhắc đến mặt trái của các chương trình khuyến mại. Chẳng hạn, khi tung ra các chương trình giảm giá, nếu không thận trọng có thể sẽ gây ra loạn giá. Cụ thể, khi DN giảm giá bán ở siêu thị mà không giảm ở các kênh khác có thể hàng sẽ bị tuồn ra bên ngoài, bán với những mức giá khác nhau, gây ảnh hưởng đến uy tín DN. Rồi cũng không ít DN hụt hơi trong những cuộc chạy đua bán hàng giảm giá, khuyến mại.

Chính vì lẽ đó, việc cân nhắc khuyến mại như thế nào, ở đâu, làm sao thu hút khách hàng, mang lại lợi ích thiết thực cho người tiêu dùng và DN chính là những điều cần cân nhắc kỹ lưỡng. Hiện nay, trong một số lĩnh vực thay vì chạy đua khuyến mại, DN tập trung nâng cao chất lượng, cải tiến dịch vụ tạo ra những sản phẩm hấp dẫn, chất lượng tốt. Bởi theo họ đó mới là lợi ích lâu dài để mang đến cho khách hàng. Đó cũng là một gợi ý hay cho nhiều DN trong bối cảnh hiện nay.

Các tin khác