Xung lực hạ tầng
Về vị trí, có thể nói Kê Gà nắm giữ vị thế chiến lược thuận lợi khi nằm ngay cửa ngõ phía Nam Bình Thuận, cách 2 thị trường du lịch lớn bậc nhất cả nước gồm TPHCM 160km, Vũng Tàu 80km. Sở hữu nhiều danh lam thắng cảnh đẹp, di tích nổi tiếng, đặc biệt là bờ biển tuyệt đẹp còn hoang sơ và quỹ đất ven biển còn lớn, vùng biển Kê Gà – Tân Thành gắn liền với ngọn hải đăng cao nhất và cổ nhất Việt Nam từ lâu được đánh giá là mảnh đất đầu tư đầy tiềm năng về du lịch.
Thực tế, sau khi gỡ bỏ quy hoạch cảng biển nước sâu Kê Gà, rất nhiều dự án du lịch tại đây bắt đầu “hồi sinh”, đồng thời các tên tuổi lớn trên thị trường địa ốc cũng chen chân về đây đón hiệu ứng tích cực từ các công trình giao thông trọng điểm.
Theo các chuyên gia, ẩn số lớn nhất được kỳ vọng tạo sức bật cho thị trường du lịch nghỉ dưỡng Kê Gà chính là sân bay quốc tế Long Thành và cao tốc Dầy Giây – Phan Thiết, 2 công trình trọng điểm đón lượng khách quốc tế cũng như trong nước. Sân bay Long Thành dự kiến đi vào vận hành chính thức giai đoạn 1 vào năm 2025.
Với công suất lên tới 100 triệu hành khách mỗi năm, sân bay quốc tế Long Thành sẽ bổ sung lượng lớn khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế đến Bình Thuận, biến Kê Gà trở thành một điểm đến đầy hấp dẫn chỉ với 1 giờ di chuyển.
Nhằm thúc đẩy tiến độ dự án sân bay quốc tế Long Thành, giữa tháng 6-2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu UBND tỉnh Đồng Nai phải giải ngân hết 23.000 tỷ đồng để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng.
Gần đây nhất, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về triển khai Nghị quyết của Quốc hội điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án xây dựng 3 đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 vào ngày 8-7, Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT phải tập trung, làm quyết liệt hơn để khởi công xây dựng các gói thầu đầu tiên của 3 dự án Mai Sơn - Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây vào cuối tháng 8-2020.
Như vậy, một khi sân bay quốc tế Long Thành, cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết đi vào hoạt động, thời gian di chuyển đến “thủ phủ du lịch mới của Bình Thuận” sẽ được rút ngắn, chỉ mất khoảng 2 giờ.
Ngoài những công trình giao thông liên kết vùng nêu trên, khu đô thị biển Kê Gà cũng đang được hưởng lợi trực tiếp từ một loạt các dự án hạ tầng trọng điểm trên địa bàn như: xây mới tuyến đường Hàm Kiệm - Tiến Thành nối cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây với đường ĐT.719B ven biển tổng vốn đầu tư hơn 460 tỷ đồng; làm mới đường ĐT.719B gần 1.000 tỷ đồng và nâng cấp, mở rộng 32km đường ĐT.719 hiện hữu khoảng 600 tỷ đồng.
Đại diện tỉnh cho biết, các trục đường chính nối cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết và Quốc lộ 1 xuống biển sẽ tạo ra sức hút phát triển du lịch, chuỗi đô thị ven biển ở đây, đặc biệt là khu vực Kê Gà - Tân Thành (Hàm Thuận Nam). Các con đường này đều nối Quốc lộ 55 đi Bà Rịa - Vũng Tàu đến sân bay Long Thành ở phía Nam còn ở phía Bắc sẽ kết nối với Cảng Hàng không Phan Thiết.
Ngoài các tuyến đường nêu trên còn có 3 tuyến đường khác hiện hữu kết nối về Kê Gà là đường Hàm Minh - Thuận Quý, đường Tà Cú - Tân Thuận và đường từ ngã ba 46 kết nối Hàm Tân - La Gi. Cả 3 tuyến đường đều có điểm đầu là Quốc lộ 1 cùng với các tuyến đường mới được kỳ vọng sẽ là đòn bẩy đưa vùng đất Kê Gà trở thành điểm đến trong tương lai gần.
Đây là những dự án trọng điểm của tỉnh, có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy đầu tư công, giải quyết các điểm nghẽn về hạ tầng giao thông góp phần làm tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Do đó mới đây UBND tỉnh Bình Thuận đã yêu cầu các sở, ngành địa phương liên quan phải vào cuộc quyết liệt, thực hiện thủ tục chuẩn bị đầu tư dự án, đảm bảo hoàn tất các thủ tục đầu tư theo quy định để khởi công xây dựng công trình theo yêu cầu tiến độ đề ra.
Nơi quy tụ các tổ hợp du lịch đẳng cấp
Tính đến nay, toàn huyện Hàm Thuận Nam có 78 dự án, đặc biệt những dự án quy mô lớn tập trung chủ yếu tại Kê Gà. Việc đốc thúc cải thiện chất lượng hạ tầng từ phía chính quyền đã dẫn đường cho dòng vốn đầu tư chảy về nơi đây ngày càng mạnh. Tín hiệu này cho thấy, triển vọng Kê Gà vươn lên thành “thủ đô resort mới” đúng nghĩa không còn xa.
Trước đó, tại hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2019, Bình Thuận đã trao quyết định chủ trương đầu tư cho 10 dự án, với tổng vốn đầu tư khoảng 23.000 tỷ đồng và ký thỏa thuận ghi nhớ đăng ký đầu tư cho 14 dự án với tổng vốn đầu tư 19 tỷ USD và 30.696 tỷ đồng trên nhiều lĩnh vực, trở thành tỉnh thu hút vốn đầu tư vào lĩnh vực du lịch dẫn đầu cả nước. Thông tin từ Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận cho thấy, trong năm 2019 Bình Thuận đón 6,4 triệu lượt khách (tăng 11,39% so với 2018), trong đó khách quốc tế khoảng 775.000 lượt và doanh thu đạt 15.110 tỷ đồng (tăng 17,5% so với 2018). Tổng số dự án còn hiệu lực là 383 với tổng vốn đăng ký đầu tư 59.618 tỷ đồng, trong đó 24 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký 13.071 tỷ đồng.
Giới chuyên gia đánh giá, với mức tăng trưởng du lịch ấn tượng từ 15-20%/năm, có quỹ đất sạch hướng biển để phát triển các sản phẩm du lịch đột phá, hạ tầng du lịch quy mô lớn, mặt bằng giá BĐS còn khá mềm… Bình Thuận sẽ là vùng trũng đầu tư theo sau các thị trường truyền thống như Đà Nẵng, Cam Ranh hay Phú Quốc. Bức tranh thị trường BĐS Bình Thuận cũng đang chứng kiến sự xuất hiện nhiều mô hình mới, đa dạng, mang lại trải nghiệm khác biệt cho du khách như: mô hình đô thị du lịch biển, nghỉ dưỡng phức hợp (integrated resort), aparthotel, shoptel.
Ông Nguyễn Đức Hoà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, cho biết địa bàn huyện Hàm Thuận Nam, trong đó có Kê Gà thời gian qua nhận sự quan tâm lớn từ các nhà đầu tư. Định hướng của tỉnh trong thời gian tới là chú trọng thu hút các nhà đầu tư chiến lược có tầm cỡ, năng lực tài chính mạnh, có tâm và tầm nhằm kiến tạo, xây dựng các khu đô thị, tổ hợp nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí và thể thao đẳng cấp. Qua đó, làm sao để kích cầu lượng khách trong nước và quốc tế, gia tăng chi tiêu, thích thú lưu trú lâu hơn và quay trở lại nhiều lần.