Thứ nhất, việc kiểm soát hoạt động NH chú trọng vào 2 lớp phòng tuyến. Lớp phòng tuyến thứ nhất trong tình trạng hoạt động kinh doanh bình thường, thì đặt nặng vào vai trò của HĐQT, giảm vai trò chi phối của cổ đông lớn là tổ chức và người có liên quan cổ đông (Điều 63); quyền lợi của một cổ đông lớn khi sở hữu 5% cổ phần sẽ được đề cử vào HĐQT và Ban kiểm soát mà không cần thiết phải lập danh sách gửi đến HĐQT phê chuẩn trước (Điều 61).
Chẳng hạn, HĐQT của một NH có 5 thành viên HĐQT, thì cổ đông và người có liên quan cổ đông lớn (không sở hữu quá 15% cổ phần) chỉ được không quá 2 người tham gia HĐQT và phải có 2 thành viên độc lập, không được quá 1/3 thành viên điều hành (tương ứng 1 thành viên).
Vậy nếu có một cổ đông/nhóm cổ đông sở hữu ít nhất 5% được đề cử 1 thành viên HĐQT, thì xác suất đề cử này sẽ được bầu vào HĐQT rất cao theo nguyên tắc dồn phiếu để đại diện cho cổ đông đại chúng. Điều đó nhấn mạnh đến số lượng thành viên HĐQT ngoài yếu tố thành viên độc lập ra, còn có sự đề cử từ các cổ đông đại chúng, qua đó thay mặt cổ đông đại chúng giám sát quá trình hoạt động của NH, tránh sự can thiệp sâu của cổ đông lớn vào hoạt động của NH.
Lớp phòng tuyến thứ 2 tập trung vào chính là tình trạng can thiệp sớm. Dù có những tranh luận từ 2 phía Quốc hội và Chính phủ qua nhiều lần chỉnh sửa, góp ý dự luật, nhưng mục tiêu của chương này vẫn được chú trọng và được nhấn mạnh.
Thay vì Luật 47/2010 đưa vào chương Kiểm soát đặc biệt thông qua một số ít tiêu chí nhận diện, thì luật lần này chi tiết hơn với nhiều tiêu chí để được can thiệp sớm, yêu cầu rõ một tổ chức tín dụng bị can thiệp sớm cần phải làm gì, thay vì thuần túy xây dựng phương án cho NHNN.
Với 2 lớp phòng tuyến này, mở ra một giai đoạn mới cho hoạt động của hệ thống NH phục vụ vốn cho phát triển kinh tế, thay vì phục vụ cho một số ông chủ ẩn mình mà các đại án NH phơi bày.
Thứ hai, Luật Các TCTD lần này tập trung vào chỉnh sửa những quy định liên quan đến hoạt động cho vay của một NHTM. Bắt đầu từ việc mở rộng định nghĩa Người có liên quan rộng hơn, như việc lập công ty từ công ty mẹ đến con của công ty con và những người có liên quan theo quy định bổ nhiệm, cho đến việc mở rộng mối quan hệ thân tộc.
Việc mở rộng định nghĩa này nhằm mở rộng đối tượng không được, hạn chế đến giới hạn cấp tín dụng. Điều này nhằm giúp việc tiếp cận vốn từ hệ thống NH của các chủ thể trong nền kinh tế một cách công bằng hơn, công bằng trong cả việc tiếp cận vốn vay cho đến lãi suất đi vay.
Hệ thống NHTM Việt Nam luôn hoạt động trong một điều kiện thuận lợi, từ tính chất của một thị trường còn non trẻ trong lòng người dân đến sự áp đặt trần trong chi phí vốn huy động, nhưng vì sự méo mó trong việc cấp tín dụng đã gây ra những vấn đề riêng của mỗi NH, đưa đến hệ quả cho cả nền kinh tế gánh chịu.
Đơn cử, những chủ trương giảm lãi suất từ NHNN đến Chính phủ không mấy được thực hiện, nền kinh tế luôn kêu thiếu vốn và lãi suất cao, thì giới quản lý NHTM vẫn thờ ơ… Vậy cơ đâu nên nỗi tình trạng đó?
Đơn giản chỉ là sự méo mó trong dòng vốn tín dụng của NH. Việc lập ra hệ sinh thái doanh nghiệp để né những điều quy định trong Luật Các TCTD 2010 trở nên đơn giản hơn, qua đó đã lấy đi phần lớn lượng tín dụng mà lẽ ra phần còn lại của nền kinh tế phải thụ hưởng.
Luật Các TCTD lần này sẽ hạn chế hơn và khắt khe hơn việc sử dụng hệ sinh thái doanh nghiệp để lấy đi tín dụng từ NH. Điều nay mang lại lợi ích cho cả nền kinh tế, phản ánh đúng thực trạng nền kinh tế hơn là phụ thuộc cổ đông lớn của NH.