Kiến nghị các giải pháp thúc đẩy sản xuất-kinh doanh, đầu tư

(ĐTTCO)- Ngày 27-6 tại Hà Nội, Bộ KH-ĐT tổ chức hội nghị về tình hình và đề xuất nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh 6 tháng cuối năm 2022.

Đại diện VASEP đề nghị có những biện pháp cần thiết để giảm chi phí logistics trong thời gian tới

Đại diện VASEP đề nghị có những biện pháp cần thiết để giảm chi phí logistics trong thời gian tới

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, tình hình kinh tế - chính trị thế giới, khu vực có nhiều biến động và tiềm ẩn rất phức tạp, khó lường. Lãnh đạo Bộ KH-ĐT đề nghị đại diện các doanh nghiệp (DN), ngành hàng đánh giá về hiệu quả triển khai các chính sách hỗ trợ thời gian qua như chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (từ 10% xuống 8%); giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu; hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động; chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội…; đồng thời đánh giá cơ hội sản xuất, kinh doanh.

Tại hội nghị, ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, nhận định, để thúc đẩy du lịch hồi phục và phát triển trong thời gian tới, rất cần sự hỗ trợ xây dựng những sản phẩm mới để thu hút khách quốc tế, đồng thời cần tạo điều kiện thuận lợi cho khách vào Việt Nam. Trong bối cảnh chi phí vận tải đang tăng mạnh, ông Bình đề nghị hai ngành du lịch và hàng không “ngồi lại với nhau” để cùng tính toán mức giá phù hợp, hỗ trợ cho việc khôi phục thị trường du lịch.

Còn theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), giá xăng dầu tăng tạo áp lực lớn cho DN, một số đã dừng không đi biển. Đại diện VASEP đề nghị có những biện pháp cần thiết để giảm chi phí logistics trong thời gian tới. Theo ông Nam, trong số những giải pháp cần thiết để giảm chi phí có việc là chuyển đổi số. Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng đáp ngay: “Chuyển đổi số thì Bộ KH-ĐT có 1 dự án đang triển khai và rất hiệu quả. Bộ sẵn sàng hỗ trợ để nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN”.

Bà Đỗ Thị Thúy Hương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI), bày tỏ lo ngại về vấn đề tăng lương tối thiểu vùng bắt đầu từ ngày 1-7, tạo thêm gánh nặng chi phí cho DN. Trong khi đó, các chính sách hỗ trợ tín dụng của Chính phủ dành cho DN khó khăn do dịch Covid-19 thì đến nay chưa có một DN điện tử nào được hưởng. Bà Thúy Hương đề xuất, các cơ quan chức năng cần tạo thuận lợi hơn cho DN tiếp cận với các chính sách hỗ trợ tín dụng của Chính phủ, bởi “DN không thể vay ngân hàng khi đang gặp khó khăn”.

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) cũng phản ánh, trong khi cần hết sức tạo thuận lợi cho DN hoạt động, hồi phục sau dịch bệnh, thì các cuộc thanh, kiểm tra vẫn diễn ra, gây khó cho khu vực DN.

Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương cho biết, bộ sẽ tổng hợp, báo cáo đầy đủ các ý kiến đa chiều tại hội nghị, tham mưu với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp chính sách trọng tâm điều hành 6 tháng cuối năm.

Cùng ngày, Bộ GTVT đã họp rà soát giảm chi phí, nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong bối cảnh giá xăng dầu tăng cao.

Thông tin từ cuộc họp cho biết, biến động của giá xăng dầu vẫn đang tác động lớn đến lĩnh vực vận tải, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của doanh nghiệp. Đặc biệt, giá cước vận tải tăng cao khiến đời sống người dân thêm khó khăn. Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã yêu cầu các cục, tổng cục ngay trong tháng 6 phải rà soát để kiến nghị với Chính phủ xem xét miễn giảm một số loại phí, lệ phí, các khoản thu có liên quan đến doanh nghiệp và người dân. Trong đó, một số khoản phí, lệ phí tuy đã thực hiện giảm nhưng trong bối cảnh hiện nay cần thiết giảm thêm cũng cần kiến nghị Chính phủ xem xét.

Các tin khác