Ngày 26-9, Sở Xây dựng TPHCM tổ chức tọa đàm “Tăng cường công tác đảm bảo an toàn sử dụng cần trục tháp tại các công trường xây dựng”.
Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia, lãnh đạo sở ngành thành phố tập trung phân tích, chỉ ra các tồn tại, nguyên nhân dẫn đến sự cố, tai nạn lao động liên quan đến cần trục tháp thời gian qua; đồng thời đề xuất, kiến nghị các giải pháp ngăn chặn tai nạn xảy ra.
Hiện trường vụ gãy cần trục tháp xây dựng ở một công trình tại quận 8, TPHCM, tháng 6-2018. Ảnh: CHÍ THẠCH
Nhiều ý kiến cho rằng, sự cố cần trục tháp xảy ra xuất phát từ việc thiếu trách nhiệm trong giám sát, buông lỏng quản lý, theo dõi xử lý vi phạm của cơ quan nhà nước.
Theo đó, chủ đầu tư, nhà thầu thi công lờn luật, bất chấp nguy hiểm, vi phạm các quy định trong quá trình lắp đặt và vận hành cần trục tháp, cụ thể: không kiểm định, bảo dưỡng cần trục tháp; sử dụng hệ thống điện không an toàn; tiết giảm chi phí, xây móng cẩu tháp không đủ khả năng chịu lực; vận hành không tuân thủ quy định của nhà sản xuất (nâng quá tải trọng, cẩu sai biện pháp)…
Theo Sở LĐTB-XH TPHCM, việc lắp đặt, vận hành cần trục tháp tại TPHCM hiện nay được thực hiện theo Quyết định 73/2011/QĐ-UBNĐ của UBND TPHCM. Quyết định 73 được xây dựng trên cơ sở áp dụng Thông tư 04 của Bộ LĐTB-XH, Tiêu chuẩn Việt Nam 5308-91 vào năm 2011.
Tuy nhiên, hiện nay các văn bản quy phạm pháp luật này đã được thay thế, hoặc hết hiệu lực, do đó nhiều nội dung quy định tại Quyết định 73 không còn sát với thực tế, thiếu tính hợp lý.
Đại diện Sở LĐTB-XH TPHCM đề xuất UBND TPHCM xem xét ngưng thực hiện các nội dung liên quan đến cần trục tháp trong Quyết định 73, nếu tiếp tục duy trì thực hiện, cần cập nhật các quy định mới theo luật hiện hành như Luật An toàn vệ sinh lao động, Luật Xây dựng…
Đại diện Sở Xây dựng TPHCM kiến nghị, cần bổ sung những quy định về đảm bảo an toàn cho khu vực nằm trong vùng ảnh hưởng của cần trục bên ngoài công trường.
Đặc biệt phải quy định cụ thể niên hạn sử dụng cần trục; trang bị thiết bị ghi nhận dữ liệu vận hành (tương tự hộp đen) để cơ quan chức năng giám sát, theo dõi toàn bộ quá trình vận hành cần trục tháp của đơn vị thi công.
Theo Sở Xây dựng TPHCM, trên địa bàn thành phố hiện có 224 cần trục tháp được lắp đặt tại 124 công trình. Hầu hết các cần trục tháp có xuất xứ do Trung Quốc sản xuất (140 cần trục tháp). Trong số những cần trục tháp hiện có, có 6 cần trục tháp tại những công trình ngưng thi công trong thời gian dài nhưng vẫn chưa được tháo dỡ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ sập đổ, tai nạn.