Theo kiến nghị, các doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc mua xăng dầu. Cụ thể, do nguồn cung xăng dầu khan hiếm, đặc biệt là nguồn dầu DO, các đơn vị lớn như Petromekong, Saigonpetro, Petrolimex Tây Nam bộ chỉ đáp ứng được nguồn cung cho hệ thống cửa hàng trực thuộc, còn tại các kho có rất ít hàng. Trong thời gian từ 15-8 đến nay, doanh nghiệp đang phải mua xăng dầu với mức chiết khấu 0 đồng/lít.
Để đảm bảo có nguồn xăng dầu bán ra thị trường, nhiều doanh nghiệp phân phối xăng dầu phải mua giá âm từ 1.000-3.000 đồng/lít dầu DO từ các đơn vị có hàng gửi tại Tổng kho Nhà Bè (TPHCM) để cung cấp cho hệ thống tại các tỉnh miền Tây (trong đó có TP Cần Thơ). Do vậy, mỗi lít xăng dầu bán lẻ có doanh nghiệp lỗ từ 1.000-3.000 đồng/lít.
Để giải quyết tình hình khó khăn, theo các doanh nghiệp tại Cần Thơ, cơ quan điều hành cần xem xét điều hành giá linh hoạt, theo đúng chu kỳ, kể cả ngày thứ 7, chủ nhật và ngày lễ, tết, không làm tăng độ trễ của thị trường trong lúc đang biến động. Bên cạnh đó cần có phương án điều tiết lại chi phí kinh doanh và lợi nhuận định mức trong công thức tính giá cơ sở từ doanh nghiệp đầu mối xuất nhập khẩu xăng dầu.
Bám sát và điều hành phù hợp với thực tế, đảm bảo thương nhân đầu mối xuất nhập khẩu xăng dầu kinh doanh không thua lỗ trong thời gian dài, gây hiệu ứng dây chuyền, ảnh hưởng đến các thương nhân phân phối xăng dầu và hệ thống đại lý bán lẻ.
Đồng thời, thanh tra, kiểm tra các đầu mối xuất nhập khẩu xăng dầu (bao gồm các đầu mối xuất nhập khẩu có phần vốn của nhà nước) ngưng bán hàng hoặc bán nhỏ giọt cho thương nhân phân phối và đại lý bán lẻ, gây nên tình trạng khan hàng. Đảm bảo kế hoạch cung ứng mặt hàng xăng dầu đồng đều từ các thương nhân đầu mối, tránh tình trạng như hiện nay.
Hiện nay, nguồn cung ứng xăng dầu tại TP Cần Thơ và các tỉnh lân cận thiếu hụt cục bộ, nhiều cửa hàng xăng dầu khó đáp ứng nguồn cung cho người dân trong dịp nghỉ lễ và thời gian tới.