Kinh doanh theo… trend, đúng nhưng cần tầm nhìn

(ĐTTCO) - Gần đây, ở một số địa phương, trong đó có TPHCM, giới trẻ hăm hở với một món mới là “trà chanh giã tay”, và đây là món đang được nhiều bạn trẻ cho là trend (xu hướng có nhiều người quan tâm).

Kinh doanh theo… trend, đúng nhưng cần tầm nhìn

Nguyên liệu để làm món này gồm chanh tươi, nước trà, đá, đường, mật ong. Cách làm cũng khá đơn giản, cho đá với chanh vào cốc và giã (bằng chày nhựa) thật mạnh trong vòng vài giây. Sau đó đổ trà vào, thêm đường, mật ong là thức uống hoàn thiện. Nhiều điểm bán ghi nhận tình trạng khách phải xếp hàng dài, lấy số chờ tới lượt để mua. Mỗi ly trà chanh giã tay được bán với giá 20.000-35.000 đồng.

Trà chanh ngon được cho gắn với loại chanh tươi Quảng Đông (Trung Quốc) đang lên cơn sốt, có giá cao gấp 3 lần hàng Việt tương tự. Trà chanh dùng chanh Quảng Đông có mùi vị hấp dẫn, khi giã tay sẽ có đầy đủ hương vị của cây sả, lá trúc, bưởi và tinh dầu chanh mà không bị đắng hay chát. Khi pha chế, mùi vị chanh cũng rất thơm và ngon, không cần thêm nguyên liệu. Những điều đó một số loại chanh khác của Việt Nam chưa đáp ứng đủ.

Chính vì vậy, hiện ở một số nơi chanh không hạt Việt Nam đang được bán lẻ với giá 15.000-20.000 đồng/kg, còn chanh Quảng Đông có giá 55.000-60.000 đồng/kg. Giá này đã hạ nhiệt phần nào so với hồi tháng 8, khi mới du nhập vào Việt Nam, mỗi kg lúc đó lên tới 100.000 đồng.

Thực ra, những trend hay cũng tạm gọi là trào lưu như thế không hiếm ở TPHCM và một số địa phương khác. Mấy tháng gần đây, trend bánh đồng xu phô mai cũng lên cơn sốt. Đây là loại bánh hình đồng xu Hàn Quốc tròn lạ mắt, bên trong có phô mai kéo sợi, bẻ ra làm đôi được nhiều người cho là nhìn rất đẹp.

Vì có khá nhiều bạn trẻ thích thú, sẵn sàng xếp hàng dài để mua, làm nhiều người khác tò mò, cũng ghé vào mua, thế là càng thu hút nhiều người khác quan tâm hơn, dù rằng bánh có thể chưa hợp khẩu vị với một số người.

Trước đó, cà phê muối cũng từng gây sốt với lượng người quan tâm rất đông. Từ đó, nhiều quán, xe bán di động cũng có thêm sản phẩm cà phê muối, dù rằng nó khá kén khách. Tương tự, ở TPHCM từng có nhiều mặt hàng được rất nhiều người “bắt trend” như trà chanh (một số nơi còn thòng thêm thành “trà chanh chém gió”), trà đào cam sả, trà chanh hạt chia, bánh bao chỉ, bánh mì nướng muối ớt, xoài lắc…

Và đương nhiên, chúng ta không thể không nhắc đến trà sữa, loại thức uống từng là hot trend, bây giờ vẫn được nhiều người sử dụng, nhất là giới trẻ, thậm chí có nhiều người còn ghiền, giống như người ta nghiện cà phê vậy.

Trong hoạt động kinh doanh, tìm các trend thực ra là giải pháp tích cực. Bởi đó là xu hướng của một bộ phận người tiêu dùng đang quan tâm, yêu thích và sẵn sàng mua sắm, sử dụng dịch vụ theo trào lưu, nên sẽ dễ thu hút được khách hàng.

Không chỉ vậy, các trend cũng là những gợi ý phần nào hợp lý trong thời điểm đó, để những người khởi nghiệp không phải vất vả nghĩ ra việc bán món gì, cung cấp dịch vụ gì. Đồng thời, với sự quan tâm của nhiều người, các nhà cung cấp sẽ không mất quá nhiều thời gian và chi phí để thực hiện quảng bá, giới thiệu, bởi đã có sẵn sự chú ý, nắm thông tin của nhiều người rồi.

Chẳng hạn, vừa rồi khi phim Đất rừng phương Nam gây tranh cãi sôi nổi, tự bản thân phim đã trở thành hot trend và đã có nhà xuất bản nhanh chóng tái bản cuốn tiểu thuyết cùng tên, để đáp ứng nhu cầu tìm hiểu của bạn đọc, vốn còn rất phân vân liệu phim có sát với truyện hay không.

Đó cũng là một cách bắt trend của nhà xuất bản. Nhìn rộng hơn, việc bắt trend có những ý nghĩa thiết thực, như hàng hóa được bán dễ dàng, gần như có bán là có khách vì người ta đã biết nhiều đến rồi; có thể tìm hot trend ở nhiều nơi như sự kiện, phim ảnh, thời trang, âm nhạc; thời gian hoàn vốn nhanh, lợi nhuận thu về nhiều; không tốn nhiều chi phí quảng cáo sản phẩm, dịch vụ…

Tuy nhiên, quy luật chung thứ gì bạo phát thì bạo tàn. Quá quan tâm đến trend có khi trend sẽ kết thúc ngay khi chúng ta vừa cung cấp hàng hóa, dịch vụ đó. Chẳng hạn, trà chanh giã tay hay bánh đồng tiền phô mai đến cuối tháng 11 vừa qua đã “xẹp”, vì nhiều người cho rằng nó không ngon như mong đợi và chỉ cần thử một lần thôi, không có gì thuyết phục để tiếp tục tìm đến nó.

Như vậy, sẽ có không ít người vừa bắt đầu khởi nghiệp với các sản phẩm này đã chịu ngay lúc “thoái trào”, có khi phải thua lỗ do đầu tư ban đầu chưa kịp thu hồi vốn.

Một số người đã đúc kết, nếu chúng ta cứ chỉ theo “dòng sự kiện”, những xu hướng, có khả năng sẽ chẳng thể tồn tại được lâu. Vì vậy, điều đó sẽ tiềm ẩn một số rủi ro, như phải “ôm hàng” rất nhiều (có khi phải cạnh tranh để lấy trong lúc trend đang hot) dù không chắc có thể bán hết. Việc kinh doanh rất có thể không ổn định, vì không phải lúc nào cũng còn hot trend.

Thời gian bán hàng bị hạn chế, có khi rất ngắn, vì một khi qua trend là coi như bỏ hết sản phẩm, hoặc phải bán đổ tháo để thu hồi vốn. Dễ bị sao chép sản phẩm (dễ bị bắt chước) vì sản phẩm đó bây giờ gần như thành của chung. Đối thủ cạnh tranh rất nhiều, mức cạnh tranh rất cao (kể cả trong mua và bán), đồng thời tỷ lệ hủy đơn hàng có thể khá cao vì đây không phải là những sản phẩm thiết yếu.

Do đó, người kinh doanh phải chú trọng tính giá trị thiết thực của sản phẩm, dịch vụ của mình mang lại. Theo đó, khi cung cấp hàng hóa, dịch vụ phải luôn nghĩ đến những câu hỏi: ai cần, vì sao cần, cần vào những lúc nào, ít tháng nữa, người ta có còn cần không, nếu bán chậm có trữ hoặc chờ lúc khác để bán không?…

Đương nhiên còn những vấn đề mang tính nguyên tắc khi kinh doanh là liệu có bao nhiêu khách hàng, bao lâu sẽ thu hồi vốn, tỷ suất lợi nhuận là bao nhiêu?... Nếu những câu hỏi đó khó trả lời hoặc trả lời không thỏa đáng, chúng ta nên cân nhắc việc kinh doanh.

Vì đừng thấy người ta "ăn khoai mình cũng vác mai đi đào", bởi đến lúc mình đào chẳng còn củ khoai nào.

Các tin khác