Rủi ro Trump 2.0 bị “thổi phồng”
Việt Nam có thặng dư thương mại lớn thứ 3 với Mỹ. Điều này là một mối lo ngại, nhất là khi ông Trump gần đây đã công bố ý định áp thuế 25% đối với Canada và Mexico, cùng với việc áp thêm 10% thuế đối với hàng xuất khẩu của Trung Quốc. Thông báo này cộng với thặng dư thương mại 100 tỷ USD của Việt Nam với Mỹ, đã làm dấy lên lo ngại Việt Nam có thể sẽ trở thành mục tiêu tiếp theo.
Tuy nhiên, mục tiêu chính mà ông Trump đã công khai (liên quan đến Việt Nam) đến từ 2 yếu tố, đó là mang công việc sản xuất trở về Mỹ và thu hẹp thâm hụt thương mại.
Về vấn đề thâm hụt thương mại, sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, Chính phủ Việt Nam đã công bố kế hoạch giảm thặng dư thương mại bằng cách mua LNG và máy bay từ Mỹ. Theo các chuyên gia trong ngành năng lượng, Việt Nam có thể bắt đầu nhập khẩu khoảng 30 tỷ USD LNG mỗi năm từ Mỹ.
Về vấn đề đưa lại công việc sản xuất trở về Mỹ, do mức lương ở Mỹ quá cao và nguồn cung công nhân lành nghề quá thấp để có thể sản xuất các sản phẩm “Made in Vietnam” ở Mỹ một cách hiệu quả về chi phí. Chính vì vậy, cả Đảng Cộng hòa và Dân chủ lo ngại nhất chính là hiện tượng trung chuyển các sản phẩm "Made in China" qua Mexico hoặc Việt Nam, để tránh thuế quan của Mỹ đối với hàng hóa Trung Quốc.
Gần đây, một nhóm lưỡng đảng các thượng nghị sĩ Mỹ đã kêu gọi Tổng thống Biden "giải quyết vấn đề Trung Quốc lợi dụng Mexico làm trung gian để chuyển tải hàng hóa". Trong khi đó, theo nghiên cứu của Đại học Harvard, chỉ khoảng 2% xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ là hàng trung chuyển từ Trung Quốc. Điều này cho thấy rủi ro thương mại của Việt Nam với Mỹ đã bị “thổi phồng” quá mức.
Xuất khẩu thúc đẩy tăng trưởng
Theo ước tính xuất khẩu sang Mỹ đã tăng mạnh hơn 20% trong năm 2024, so với mức giảm khoảng 10% trong năm 2023. Đây là yếu tố chính hỗ trợ tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2024. Tăng trưởng này chủ yếu nhờ vào mức 40% trong xuất khẩu điện tử và các sản phẩm công nghệ cao sang Mỹ.
Tuy nhiên, chúng tôi dự báo sự tăng trưởng xuất khẩu sang Mỹ sẽ chững lại vào năm 2025, một phần do nền kinh tế Mỹ có khả năng sẽ trải qua một đợt "hạ cánh mềm" và suy giảm kinh tế. Các lý do khác khiến xuất khẩu tăng trưởng chậm lại còn liên quan đến chu kỳ tái dự trữ hàng hóa của Mỹ.
Hơn nữa, xuất khẩu trên toàn châu Á trong năm 2024 được thúc đẩy bởi sự đón đầu nhu cầu trước khi Trump nhậm chức, điều này sẽ dẫn đến nhu cầu giảm dần vào năm 2025. Do đó, tăng trưởng sản xuất của Việt Nam có thể sẽ giảm vào năm 2025, vì hầu hết các sản phẩm sản xuất đều được xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài.
Tuy nhiên, chúng tôi kỳ vọng xuất khẩu và sản xuất của Việt Nam sẽ không suy giảm mạnh trong năm 2025. Nguyên nhân vì dòng vốn FDI ổn định, đảm bảo rằng mỗi năm sẽ có thêm các nhà máy bắt đầu sản xuất và xuất khẩu. Mặc dù tăng trưởng sản xuất dự kiến sẽ chậm lại, chúng tôi vẫn kỳ vọng Việt Nam sẽ duy trì được mức tăng trưởng tốt trong năm 2025.
Triển vọng tiêu dùng hồi phục
Theo các công ty nghiên cứu tiêu dùng trong nước như Cimigo và InFocus Mekong Research, tâm lý tiêu dùng yếu đã ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2023 và 2024, mặc dù đã có sự cải thiện phần nào trong năm 2024. Tiêu dùng chiếm hơn 60% nền kinh tế của Việt Nam (so với khoảng 25% của ngành sản xuất).
Vì vậy, nếu tiêu dùng tăng trưởng mạnh sẽ dễ dàng bù đắp cho sự suy giảm trong tăng trưởng xuất khẩu/sản xuất/lượng khách du lịch trong năm tới. Và Chính phủ cho thấy sẽ tăng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng vào năm 2025, nên hy vọng rằng các biện pháp này sẽ giúp người tiêu dùng tự tin hơn trong việc tăng chi tiêu.
Chúng tôi dự báo chi tiêu tiêu dùng sẽ có sự phục hồi trong năm 2025 vì một lý do khác: Chính phủ sẽ thực hiện những bước đi quan trọng để khôi phục thị trường bất động sản. Khi thị trường bất động sản phục hồi, sẽ có tác động lớn hơn nhiều đối với tâm lý tiêu dùng so với việc tăng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng. Một mức tăng vừa phải trong chi tiêu cho cơ sở hạ tầng, chiếm khoảng 6% GDP, sẽ không đủ để thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam đáng kể.
Tuy nhiên, sự kết hợp giữa tiến độ nhanh chóng trong các dự án như sân bay Long Thành và các tuyến đường vành đai mới của Hà Nội, cùng với sự phục hồi của thị trường bất động sản, sẽ có thể khiến người tiêu dùng cảm thấy tự tin hơn trong việc chi tiêu nhờ vào "hiệu ứng tài sản", liên quan đến giá trị của khu đô thị mà nhiều người tiêu dùng trung lưu Việt Nam sở hữu.
Cuối cùng, có thể năm 2025 sẽ có nhiều biến động đối với nền kinh tế và thị trường chứng khoán Việt Nam. Trong nửa đầu năm 2025, sự suy giảm tăng trưởng xuất khẩu có thể sẽ tác động mạnh hơn đến tăng trưởng GDP của Việt Nam so với kỳ vọng của nhiều nhà kinh tế.
Sự giảm sút này có thể sẽ thúc đẩy các hành động quyết liệt của Chính phủ để hỗ trợ nền kinh tế, đặc biệt là trong bối cảnh các mục tiêu tăng trưởng GDP cao.
Chính phủ gần đây đã công bố các mục tiêu tăng trưởng GDP ngày càng quyết liệt. Chúng tôi cảm thấy yên tâm với các mục tiêu đầy lạc quan này, vì quan điểm của chúng tôi rằng các hành động quyết đoán sẽ cần thiết, để bù đắp tác động của sự sụt giảm xuất khẩu sang Mỹ dự kiến trong năm tới.