Hàn Quốc - Trông cậy các chaebol
Từng được coi là hình mẫu kiểm soát Covid-19, Hàn Quốc đang phải vật lộn để ngăn chặn làn sóng virus mới đe dọa khả năng phục hồi. Để đối phó với tình trạng gia tăng các ca nhiễm, từ 12-7 chính phủ đã nâng các biện pháp giãn cách xã hội lên mức cao nhất ở khu vực Seoul mở rộng. Mặc dù chính phủ đã nỗ lực giữ cho nền kinh tế hoạt động ổn định, nhưng nếu sự gia tăng các ca nhiễm mới không được kiểm soát sớm, nó sẽ làm chậm sự phục hồi đầy hứa hẹn và cần có thêm các biện pháp kích thích cho nền kinh tế.
Biến thể Delta đã làm số ca mắc mới trung bình trong 7 ngày ở Hàn Quốc tăng lên gần 1.200 kể từ tháng 7. Dù đã đạt được tiến bộ ổn định trong việc phân phối vaccine, với tỷ lệ phần trăm dân số đã được tiêm ít nhất 1 liều tăng từ 7,6% vào ngày 25-5 lên 29,1% vào 19-6, nhưng vẫn còn thấp so với các nước phát triển. Hàn Quốc gần đây đã ký thỏa thuận với Israel để tiếp cận 700.000 liều vaccine trong tương lai gần. Các biện pháp giãn cách xã hội mới nhất ở khu vực thủ đô, nơi virus lây lan nhanh nhất, đang được thực thi nghiêm ngặt. Theo đó, các cuộc tụ tập lên đến 4 người được phép vào ban ngày nhưng sau 6 giờ chiều chỉ còn 2 người. Các cuộc mít tinh và biểu tình tạm thời bị cấm; các sự kiện thể thao lớn không có khán giả; câu lạc bộ đêm, quán bar đóng cửa, trong khi phòng tập thể dục, khách sạn, rạp chiếu phim, phòng hòa nhạc, nhà hàng, quán cà phê và cửa hàng bán lẻ mở cửa với một số hạn chế nhất định…
Tuy nhiên, những biện pháp trên đang gây ra thách thức, đặc biệt đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Nhiều chaebol của Hàn Quốc đã thay đổi chính sách để phù hợp với những thay đổi mới này, bao gồm gia tăng làm việc từ xa, tạm ngừng các chuyến công tác. Nhưng các ngành phụ thuộc nhiều vào tương tác trực tiếp như dịch vụ và các công ty nhỏ sẽ khó khăn hơn trong việc điều chỉnh. Một báo cáo của Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc tháng trước, nhấn mạnh khoản vay doanh nghiệp tăng 14,1% vào cuối quý I so với cùng kỳ 2020, do các SME đang tìm cách trang trải chi phí hoạt động, trong khi các doanh nghiệp lớn lại tìm kênh thay thế là huy động vốn từ thị trường tài chính.
Mặc dù vậy, sự phục hồi kinh tế tổng thể của Hàn Quốc sau đại dịch vẫn tiếp tục gắn chặt với xuất khẩu và hoạt động của các chaebol. Nền kinh tế Hàn Quốc suy giảm ít hơn bất kỳ nền kinh tế OECD nào khác vào năm 2020, nhờ xuất khẩu tăng mạnh trong nửa cuối năm. Trong khi tăng trưởng xuất khẩu đã chậm lại trong năm nay, đầu tư vào các cơ sở sản xuất mới đã tăng tốc. Cả 2 diễn biến này đều được liên kết chặt chẽ với các chaebol. Các chaebol sản xuất các mặt hàng xuất khẩu hàng đầu như chất bán dẫn, ô tô, hóa dầu và tàu thủy. Phần lớn khoản đầu tư mới do nỗ lực phát triển hơn nữa năng lực xuất khẩu của các công ty, như Samsung Electronics và SK Hynix chi tiêu để xây dựng các nhà máy bán dẫn mới. Nhưng nếu virus tiếp tục với tốc độ lây lan hiện tại, có thể dẫn đến sự chậm lại trong việc sản xuất hàng hóa dự định gửi ra nước ngoài, tương tự những gì đã xảy ra với Hyundai, Samsung và LG năm ngoái.
Nhật Bản – Thất vọng cú hích Olympic
Ngày 27-7 Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng năm 2021 của Nhật Bản xuống 2,8%, giảm 0,5% so với ước tính vào tháng 4, do các ca nhiễm mới đang tăng cao trong bối cảnh Tokyo đang đăng cai Thế vận hội. Nhật Bản là quốc gia duy nhất trong nhóm 7 quốc gia công nghiệp phát triển (G7) phải đối mặt với sự tụt hạng trong triển vọng kinh tế mới nhất của IMF. Nhưng nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới được dự đoán sẽ chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ hơn trong nửa cuối năm 2021, được hỗ trợ bởi những nỗ lực tiêm chủng. IMF đã nâng triển vọng tăng trưởng năm 2022 thêm 0,5 điểm lên 3,0%.
Nhà kinh tế trưởng IMF Gita Gopinath cho biết không có tác động kinh tế lớn nào được dự kiến từ việc tổ chức Olympic Tokyo 2020 không có khán giả trong bối cảnh đại dịch, do phần lớn chi tiêu cho cơ sở hạ tầng phục vụ thế vận hội, yếu tố chính để kích thích kinh tế, đã được thực hiện trong quá khứ. Tuy nhiên, IMF lưu ý Nhật Bản đang đối mặt với nguy cơ suy giảm hơn nữa do tình trạng khẩn cấp Covid-19 gần đây nhất được ban bố cho Tokyo từ ngày 12-7. Theo IMF, trong số các rủi ro có việc phân phối vaccine chậm hơn và áp lực tăng giá gần đây đang trở nên dai dẳng hơn, dẫn đến việc thắt chặt tiền tệ đột ngột ở Mỹ và các nơi khác.
Theo ước tính của các nhà kinh tế, tình trạng khẩn cấp về coronavirus mới nhất của Nhật Bản có thể khiến nền kinh tế thiệt hại khoảng 1.000 tỷ yên (9,1 tỷ USD). Toshihiro Nagahama, nhà Kinh tế trưởng tại Viện nghiên cứu Dai-ichi Life, cho biết quyết định của chính phủ đặt thủ đô Nhật Bản trong tình trạng khẩn cấp và gia hạn khẩn cấp tại tỉnh đảo Okinawa ở phía Nam, sẽ cắt giảm tiêu dùng tư nhân 1.200 tỷ yên. Nagahama cho biết thêm số thất nghiệp được dự báo tăng 55.000 người trong 3 tháng tới.
Tình trạng khẩn cấp mới nhất đối với Tokyo và gia hạn cho Okinawa sẽ kéo dài đến 22-8. Trong thời gian này, các nhà hàng và quán bar (có phục vụ rượu bia) sẽ bị cấm, còn các cơ sở ăn uống không phục vụ rượu bia được yêu cầu đóng cửa sớm. Nagahama cho biết khoản lỗ tiêu thụ dự kiến làm giảm GDP khoảng 1.000 tỷ yên, tương ứng khoảng 0,7% trong giai đoạn tháng 7 đến tháng 9, gần 3% hàng năm. Tình trạng khẩn cấp được ban bố sau khi số ca nhiễm coronavirus tăng đột biến. Hiện Nhật Bản có khoảng hơn 8.000 ca nhiễm mới mỗi ngày. Nước này đã có tổng cộng 944.763 người nhiễm và 15.204 ca tử vong vì Covid-19.
Takahide Kiuchi, nhà kinh tế điều hành tại Viện nghiên cứu Nomura, đưa ra ước tính tương tự, cho rằng mức thiệt hại kinh tế dự kiến vào khoảng 1.030 tỷ yên. Ông dự đoán thiệt hại thêm 146,8 tỷ yên nếu Thế vận hội Tokyo được tổ chức không có khán giả. Với giả định Olypic này có thể tạo ra 1.810 tỷ yên cho nền kinh tế Nhật Bản, Kiuchi tính toán khoảng 62% con số đó sẽ bị cắt giảm nếu nó được tổ chức không có khán giả. “Nếu tình trạng khẩn cấp được kéo dài và mở rộng hơn nữa, những thiệt hại về kinh tế có thể vượt xa những lợi ích Olympic mang lại” - Kiuchi nói.