"Kinh tế chia sẻ" tiếp sức tạo nên “siêu doanh nghiệp”

(ĐTTCO)-Với kinh tế chia sẻ, cái ô bao trùm cho hoạt động kinh doanh giờ đây không còn là doanh nghiệp, thay vào đó là nền tảng kinh doanh.
"Kinh tế chia sẻ" tiếp sức tạo nên “siêu doanh nghiệp”

Kinh tế chia sẻ (Sharing economy) đã xuất hiện trên thế giới cách đây gần một thập kỷ, song tại Việt Nam, đây vẫn là một mô hình kinh doanh còn khá mới mẻ. Tìm từ khóa “Kinh tế chia sẻ” trên công cụ tìm kiếm của Google tại thời điểm (10h25 sáng 18/12/2020) cho ra 179.000.000 kết quả trong vòng 0,38 giây, trong khi với từ khóa “Sharing economy” cho ra 984.000.000 kết quả trong vòng 0,52 giây.

Theo ông Yuhei Okakita, Phó Giám đốc bộ phận chính sách thông tin kinh tế - Bộ Kinh tế, thương mại và công nghiệp Nhật Bản, kinh tế chia sẻ (KTCS) là hoạt động tái thiết kinh tế, trong đó các cá nhân ẩn danh có thể sử dụng các tài sản nhàn rỗi (bao gồm cả các tài sản vô hình như kỹ năng cá nhân và thời gian rảnh rỗi), được sở hữu bởi các cá nhân khác thông qua các nền tảng kết hợp trên Internet.

Dịch vụ giao thông và lưu trú vẫn là 2 lĩnh vực phổ biến và thành công nhất của KTCS. Tiếp đến là dịch vụ chăm sóc sức khỏe, dịch vụ chuyên gia... Một số thống kê cho thấy quy mô đáng ngạc nhiên của KTCS. Chỉ riêng giá trị thị trường của 2 đại diện tiêu biểu của KTCS là Airbnb (31 tỷ USD) và Uber (72 tỷ USD) cộng lại tương đương nền kinh tế lớn thứ 38 trên thế giới.

Bắp kịp xu hướng phát triển chung của kinh tế chia sẻ trên thế giới, kinh tế Việt Nam cũng đã chào đón những hoạt động của KTCS trong nhiều lĩnh vực, trong đó phải kể đến giao thông, giáo dục, du lịch, dịch vụ tiêu dung, tài chính,…

Đánh giá cao hiệu quả của KTCS, ông Khổng Phan Đức, Chủ tịch Công ty Quản lý quỹ Vietinbank Capital cho rằng, điểm chính yếu của KTCS là sự thay thế quyền lực độc tôn của người chủ doanh nghiệp kinh doanh sang thành quyền lực phân bổ hài hòa giữa các nhóm vận hành nền tảng kỹ thuật số, nhóm sở hữu nguồn lực sản xuất, nhóm lao động kỹ năng, nhóm nắm giữ mạng lưới phân phối và khách hàng,… trong cùng một mô hình kinh doanh.

“Giờ đây, cái ô bao trùm cho hoạt động kinh doanh giờ đây không còn là doanh nghiệp, thay vào đó là nền tảng kinh doanh”, ông Đức nêu rõ.

Ông Khổng Phan Đức phân tích: Doanh nghiệp (DN) từng được coi là phát kiến vĩ đại, giúp xã hội có năng lực sản xuất vượt trội, sức sáng tạo, sự phân chia tài sản, giải quyết công ăn việc làm và đáp ứng nhu cầu ngày càng phức tạp của con người. Thì nay, có thể đã chứng kiến sự ra đời của một khái niệm vượt trội, là một dạng “siêu doanh nghiệp” mà biểu hiện của nó là nền tảng kinh doanh và các doanh nghiệp và cá nhân ở các quy mô khác nhau cùng chung sức tạo ra giá trị đáp ứng nhu cầu thị trường.

Điểm nổi bật của KTCS là quyền lợi người tiêu dùng được đặt lên cao hơn cả. KTCS giúp tận dụng được tối đa các tài nguyên, nguồn lực của nền kinh tế, tránh gây lãng phí; tận dụng tối đa tài nguyên có sẵn để sinh lợi và tiết kiệm được nhiều chi phí khi sử dụng tài nguyên; tận dụng được các ứng dụng công nghệ khoa học hiện đại để phục vụ đời sống.

Sự xuất hiện của nền tảng kinh doanh vận tải – xe công nghệ – như Uber, Grab hay các thành viên sau này đang phổ biến ở Việt Nam như GoJek, Be… đã làm thay đổi hoàn toàn cách thức kinh doanh truyền thống của ngành vận tải công cộng. Hoạt động kinh doanh taxi giờ đây không còn được vận hành bởi một DN duy nhất, mà là một nhóm các DN, hợp tác xã, hộ cá thể cùng hợp tác với nhau, cùng chia sẻ nguồn lực và năng lực của mình để cung cấp các dịch vụ mang lại lợi ích chung cho cộng đồng và chính bản thân DN. “Không còn một ai độc tôn quyền lực ra lệnh cho các nhóm quyền lực còn lại. Đó là điểm nổi bật của kinh tế chia sẻ” – ông Khổng Phan Đức nói.

Song, Chủ tịch Công ty Quản lý quỹ Vietinbank Capital cũng chỉ ra một số hạn chế, như: ảnh hưởng tiêu cực tới lĩnh vực kinh doanh truyền thống; ảnh hưởng trái chiều tới lợi ích của một bộ phận người tiêu dung; rủi ro đổ vỡ hệ thống domino nếu không có thiết chế chặt chẽ nhằm đảo bảo quyền lợi cho nhưng bên tham gia đấu nối cung cấp sản phẩm dịch vụ trên nền tảng kinh doanh.

Trên thực tế, bên cạnh những điểm lợi thế, về mặt quản lý nhà nước, các loại dịch vụ KTCS lại không có một quy định chung mà chỉ là những chính sách thể hiện cụ thể ở từng lĩnh vực. Việc cấp giấy phép kinh doanh còn gặp vướng mắc dẫn đến lúng túng trong việc xác định bản chất giao dịch để áp thuế do hoạt động này vẫn chưa có trong danh mục ngành nghề kinh doanh. Điều này đã đẩy các DN và các nhà phát triển công nghệ vào tình thế khó khăn khi muốn triển khai.

Các chuyên gia cho rằng, việc DN tiếp tục hoạt động mà không có hành lang pháp lý rõ ràng sẽ khiến Nhà nước thất thu thuế, môi trường kinh doanh gặp rào cản và người tiêu dùng không được bảo vệ… Bởi vậy, cần xây dựng một khung pháp lý rõ ràng về nền tảng kinh doanh của nền kinh tế chia sẻ, tài chính chia sẻ, trong đó phân tách rõ đơn vị quản lý ở cấp Chính phủ đối với từng hoạt động cụ thể thay vì tập trung xây dựng luật quản trị từng DN./.

Các tin khác