Giới đầu tư dự đoán, các ngân hàng trung ương sẽ tăng lãi suất chính sách toàn cầu lên gần 4% vào năm tới, gấp đôi mức trung bình trong năm qua, nhằm giữ lạm phát lõi ở mức 5%. Lãi suất có thể vọt lên 6% nếu các ngân hàng trung ương tìm cách đưa lạm phát về ngưỡng mục tiêu của họ.
Bà Kristalina Georgieva, Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho biết, tình hình kinh tế tại các quốc gia mới nổi là rất đáng lo ngại khi gần một phần tư những quốc gia này đang phải đối mặt với khó khăn về nợ. Có đến 16 quốc gia đã yêu cầu hỗ trợ với tổng số tiền khoảng 90 tỷ USD chỉ trong 6 tháng qua.
Ông Tamara Hederson, chuyên gia kinh tế của Bloomberg về Đông Nam Á nhận định, suy thoái tại khu vực EU sẽ gây tác động nặng nề đối với ASEAN, đặc biệt trong lĩnh vực xuất khẩu thương mại, du lịch và đầu tư, khi nhiều quốc gia là đối tác thương mại hàng đầu của EU.
Nhưng mức độ ảnh hưởng tại các quốc gia ASEAN sẽ khác nhau, phụ thuộc vào độ mở xuất nhập khẩu của nền kinh tế quốc gia với khối nước EU.
Theo Maybank IBG Research, các nước ASEAN cũng sẽ chịu tác động lớn nếu Mỹ rơi vào suy thoái kinh tế, trong đó, những nền kinh tế thiên về xuất khẩu sẽ chịu thiệt hại nặng nề hơn.
Ông Irvin Seah, chuyên gia kinh tế cấp cao của DBS Group Research cho biết, các quốc gia có nhiều mối liên hệ lớn với phần còn lại của thế giới như Singapore, thì bất kể một trận “sóng xung kích” ở bất kì quốc gia nào cũng sẽ gây hiệu ứng lan tỏa lên toàn đất nước. Bởi lẽ, thị trường nội địa của Singapore quá nhỏ và nền kinh tế phụ thuộc vào các dịch vụ thương mại, bao gồm hoạt động vận tải và điều phối hàng hóa để tạo ra tăng trưởng.
Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nhiều nước ASEAN và chính sách zero Covid của Trung Quốc góp phần cản trở sự phục hồi du lịch của Singapore kể từ khi dịch bệnh bùng phát. Ông Irvin Seah nhận định, khả năng Singapore có ít nhất một quý tăng trưởng âm là hoàn toàn có cơ sở, dù các điều kiện kinh tế đang dần bình thường hóa trở lại.
Tại Thái Lan, nếu khách Trung Quốc không sớm quay trở lại, thì kinh tế sẽ tiếp tục gặp khó khăn. Khi đó, tăng trưởng suy yếu, lạm phát cao và đồng Baht đứng trước áp lực mất giá lớn. Thái Lan có thể sẽ rơi vào suy thoái sau Singapore. Tuy vậy, yếu tố quyết định số phận của kinh tế Thái Lan chính là thời điểm mở cửa trở lại của Trung Quốc.
Đối với Việt Nam, Ngân hàng Thế giới dự báo, kinh tế sẽ tiếp tục phục hồi, bất chấp lạm phát toàn cầu tăng cao, cũng như tăng trưởng kinh tế yếu đi ở các quốc gia đối tác thương mại chính.
Lý do có thể là bởi dữ liệu kinh tế của Việt Nam đang phát đi những tín hiệu tích cực như sản xuất công nghiệp (một trong những động lực chính của nền kinh tế) và doanh số bán lẻ vừa ghi nhận thêm một tháng tăng trưởng cao, mức tăng của tháng 8 lần lượt là 15,6% và 50,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng giảm từ mức 3,1% trong tháng 7 (so với cùng kỳ năm trước) xuống 2,9% trong tháng 8...
Theo ông Michael Kokalari, Kinh tế trưởng Tập đoàn VinaCapital, Việt Nam khó có thể rơi vào tình trạng suy thoái như nhiều nước khác, mà GDP năm 2022 còn được dự báo tăng cao (chẳng hạn, Ngân hàng Thế giới dự báo tăng 7,5%).
Một trong sự khác biệt tạo nên sự tăng trưởng của kinh tế Việt Nam nằm ở vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang hỗ trợ lĩnh vực sản xuất, đồng thời thúc đẩy tăng cường mức độ phức tạp của các sản phẩm được sản xuất tại Việt Nam.
Theo nhiều chuyên gia, các nền kinh tế ASEAN vẫn có nhiều cơ hội để hạn chế tác động tiêu cực từ nguy cơ suy thoái ở Mỹ và châu Âu, nhờ hai động lực chính: các nguồn lực nội địa và quan hệ kinh tế với Trung Quốc. Indonesia và Philippines là hai nước được dự báo sẽ ít chịu tác động từ suy thoái tại Mỹ và xu hướng sụt giảm nhu cầu từ nước ngoài. Thương mại với Trung Quốc có thể phần nào bù đắp cho bất kỳ sự suy giảm thương mại nào của các nước Đông Nam Á với EU.