2021 - Tác động của Covid-19
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), dù cách nhanh nhất để chấm dứt đại dịch là tiêm chủng, nhưng chỉ hơn 7% người dân ở các nước thu nhập thấp được tiêm 1 liều vaccine so với hơn 75% ở các nước thu nhập cao. Không chỉ vậy, đại dịch đã bộc lộ những điểm yếu của hệ thống y tế ở các nước đang phát triển.
Chính sự chênh lệch về vaccine đã dẫn đến sự chênh lệch về sức chống chịu của các nền kinh tế trước đại dịch, cũng như khả năng phục hồi của chúng. WB cho biết có khoảng cách ngày càng lớn trong sự phục hồi kinh tế giữa các nền kinh tế thu nhập cao, thấp và trung bình.
Ấn bản tháng 6 của Báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu, WB ước tính nền kinh tế toàn cầu mở rộng 5,6% vào năm 2021, nhưng các nền kinh tế thu nhập thấp ước tính chỉ tăng trưởng 2,9%, mức tăng trưởng chậm nhất trong 20 năm qua (trừ năm 2020).
Sự bất bình đẳng trong việc phục hồi này trở nên khá rõ ràng khi nói đến tổn thất thu nhập. 20% người nghèo nhất đã chứng kiến sụt giảm thu nhập mạnh nhất. Năm 2021, thu nhập của họ giảm hơn 50%, trong khi những người giàu nhất đã bắt đầu hồi phục.
Thu nhập giảm đã khiến thêm khoảng 100 triệu người sống trong cảnh nghèo đói cùng cực. Đại dịch cũng tác động khác nhau theo giới, đánh giá dữ liệu của WB và các đối tác cho thấy phụ nữ bị thiệt hại nhiều hơn nam giới về việc làm, thu nhập và sự an toàn.
Để phục hồi sau đại dịch, thương mại là một trong những yếu tố then chốt. Thương mại góp phần đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch bằng cách cung cấp nhu cầu xuất khẩu bền vững của nước ngoài, đảm bảo sự sẵn có của các sản phẩm và dịch vụ trung gian nhập khẩu.
Các nước kém phát triển nhất sẽ ít có khả năng thúc đẩy phục hồi thông qua các gói kích thích tài khóa, nên càng phụ thuộc vào sự phục hồi thương mại như một nguồn tăng trưởng kinh tế. Báo cáo của WB cho biết hiện thương mại toàn cầu đang trên đà phục hồi tốt, mang đến nhiều hy vọng.
Nợ nần ở các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển đã tăng vọt trong thời kỳ đại dịch. Điều này rất nghiêm trọng ở các quốc gia có thu nhập thấp, với 1/2 đã lâm vào cảnh túng quẫn hoặc có nguy cơ lâm nợ cao. Tuy nhiên, gánh nặng nợ nần sẽ còn lâu sau khi virus giảm bớt, do chi phí nợ tăng lên, làm chậm quá trình phục hồi và cản trở nỗ lực giải quyết các thách thức khác.
2021 cũng được nhớ đến như năm có giá năng lượng cao hơn bình quân trên 80% so với năm trước. Vì năng lượng là mặt hàng quan trọng để sản xuất và sưởi ấm các cây lương thực, nên giá cả tăng vọt có thể gây ra những tác động diện rộng.
Giá năng lượng cao hơn đã ảnh hưởng đến giá phân bón, làm tăng chi phí sản xuất lương thực. Hơn nữa, lạm phát giá thực phẩm tăng ở hầu hết quốc gia, làm giảm khả năng mua thực phẩm của người nghèo. Điều này có thể làm trầm trọng thêm tình trạng mất an ninh lương thực ở các nước đang phát triển.
2022 - Triển vọng phục hồi không đồng đều
2022 - Triển vọng phục hồi không đồng đều
Hầu hết dự báo của các tổ chức uy tín đều tin kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục phục hồi trong năm 2022, dù vẫn còn nhiều rủi ro. Báo cáo Triển vọng Kinh tế của Tổ chức Hợp tác phát triển kinh tế (OECD), dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ đạt 5,6% trong năm 2021, giảm so với mức 5,7% dự báo trước đó.
Tổ chức này giữ nguyên dự báo cho năm 2022 ở mức 4,5%, nhưng dự báo có thể chưa cập nhật tác động của biến thể Omicron, vì được công bố chỉ vài ngày sau khi phát hiện Omicron.
Nhà kinh tế trưởng Laurence Boone của OECD nói: “Chúng tôi lo ngại biến thể mới Omicron đang làm tăng thêm mức độ bất ổn và rủi ro vốn đã cao, và đó có thể là mối đe dọa đối với sự phục hồi”.
Các nhà phân tích tại Oxford Economics cho biết chủng loại mới này có thể làm giảm 0,25% tăng trưởng toàn cầu trong năm 2022 nếu nó gây ra những tác động nhẹ, nhưng sẽ giảm tới 2% nếu nó nguy hiểm hơn.
Trong khi đó, Fitch Ratings giảm dự báo tăng trưởng thế giới năm 2022 từ 4,4% xuống 4,2%, trong khi dự báo tăng trưởng của Trung Quốc giảm xuống dưới 5%. IHS Markit của Anh dự báo GDP thế giới 2022 chỉ tăng 4,2%. Ngân hàng Morgan Stanley lạc quan hơn, với dự báo tăng trưởng năm 2022 ở 4,7%.
Với các thị trường mới nổi, các nhà kinh tế của Morgan Stanley tin rằng tăng trưởng vẫn mạnh mẽ trong năm 2020 với GDP tăng 4,9% cho tất cả thị trường mới nổi. Đặc biệt, khu vực châu Á (không bao gồm Nhật Bản) sẽ vượt trội ở mức 5,7%. Ấn Độ và Indonesia sẽ phục hồi mạnh mẽ nhờ cải cách cơ cấu thân thiện với doanh nghiệp, đầu tư vốn mạnh và tỷ lệ tiêm chủng tăng.
Ở các nền kinh tế Bắc Á như Hàn Quốc và Đài Loan, triển vọng được củng cố bởi sự tăng trưởng mạnh mẽ trong nước, cùng với sự tồn đọng toàn cầu về nhu cầu chất bán dẫn.
Morgan Stanley dự báo các chính sách tiền tệ sẽ ổn định hơn vào năm 2022. Trong khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu giảm bớt việc mua tài sản của mình, các nhà kinh tế của Morgan Stanley cho biết Fed có thể sẽ đợi đến tháng 9-2022 mới tăng lãi suất, còn ECB có thể giữ nguyên cho đến cuối năm 2023. Nhiều ngân hàng trung ương khác cũng đã bắt đầu bình thường hóa chính sách tiền tệ.
Về những rủi ro, OECD dự kiến lạm phát sẽ đạt đỉnh vào đầu năm 2022 trước khi giảm dần ở 38 quốc gia OECD, bao gồm các nước phát triển và mới nổi hàng đầu. Lạm phát tăng vọt trong năm 2021 đã gây ra sự xáo trộn trên thị trường, các nhà đầu tư lo ngại các ngân hàng trung ương sẽ tăng lãi suất sớm hơn dự kiến. OECD kêu gọi các nhà hoạch định chính sách tiền tệ "trao đổi rõ ràng" về việc họ sẽ chịu đựng được mức lạm phát vượt mục tiêu là bao nhiêu.
Một mối lo khác là sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu. OECD dự báo những hạn chế và thiếu hụt từ phía cung "sẽ giảm dần cho đến năm 2022-2023" khi nhu cầu phục hồi, năng lực sản xuất tăng và nhiều người quay trở lại lực lượng lao động hơn. Năm 2021, sự gián đoạn chuỗi cung ứng là nguyên nhân chính gây ra lạm phát. Sự gián đoạn này chủ yếu do đại dịch và các biện pháp kiểm dịch gây ra. Vì thế, để phục hồi chuỗi cung ứng, điều quan trọng phải kiểm soát được dịch bệnh.