Các cuộc khảo sát gần đây cho thấy, nền kinh tế toàn cầu đang ngày càng có nguy cơ rơi vào suy thoái, khi người tiêu dùng đối mặt với mức lạm phát cao nhất nhiều thập kỷ, khiến họ buộc phải kiềm chế chi tiêu, còn các ngân hàng trung ương ngày càng có xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ.
Các chuỗi cung ứng vốn chưa thể phục hồi sau đại dịch COVID-19 lại bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc xung đột Nga-Ukraine và việc phong tỏa xã hội nghiêm ngặt của Trung Quốc, gây tổn hại cho ngành sản xuất toàn cầu.
Chuyên gia Paul Dales tại công ty nghiên cứu kinh tế độc lập Capital có trụ sở tại London (Anh) cho biết: “Nói một cách đơn giản, tỷ lệ lạm phát tăng vọt dẫn đến việc các hộ gia đình phải trả nhiều tiền hơn cho hàng hóa và dịch vụ, đồng nghĩa với việc họ ít chi tiêu hơn cho các mặt hàng khác. Điều đó làm cho sản lượng kinh tế giảm, nguyên nhân dẫn đến suy thoái kinh tế. Lãi suất cao hơn cũng đóng một vai trò nhỏ nhưng vấn đề cốt lõi vẫn là lạm phát tăng quá cao".
Hoạt động kinh doanh trong khu vực tư nhân của Mỹ đã suy giảm tháng thứ hai liên tiếp trong tháng 8/2022 và là mức yếu nhất trong 18 tháng, với lĩnh vực dịch vụ đặc biệt giảm mạnh.
Theo các nhà kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Reuters, có 45% khả năng xảy ra suy thoái của Mỹ trong vòng một năm tới và 50% khả năng đó diễn ra trong vòng hai năm tới. Tuy nhiên, phần lớn đều cho rằng cuộc suy thoái này sẽ diễn ra ngắn và vừa phải.
Câu chuyện tương tự diễn ra ở Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), nơi cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt khiến người dân bị “bào mòn” hầu bao và hoạt động kinh doanh trên toàn khối cũng giảm tháng thứ hai liên tiếp.
Dữ liệu kinh tế ảm đạm đã khiến đồng euro giảm xuống mức thấp nhất trong 20 năm so với đồng USD, giữa lúc giá khí đốt tăng cao gây càng đẩy châu Âu tiến gần tới suy thoái.
Ở Anh, quốc gia nằm ngoài Liên minh châu Âu (EU), tăng trưởng của khu vực tư nhân chậm lại khi sản lượng của các nhà máy giảm và lĩnh vực dịch vụ cũng chỉ tăng trưởng khiêm tốn, cho thấy một cuộc suy thoái đang “rình rập”.
Tại Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, tăng trưởng hoạt động tại các nhà máy đã chậm lại xuống mức thấp nhất 19 tháng trong tháng này, do sản lượng và số đơn đặt hàng mới giảm sâu. Trong khi đó, chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) của Australia giảm xuống dưới mốc 50, mức phân định giữa tăng trưởng và suy giảm.
Lạm phát đã đạt mức cao nhất trong nhiều thập kỷ ở nhiều nơi trên thế giới, buộc các ngân hàng trung ương phải thắt chặt chính sách tiền tệ để ổn định giá cả.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã nâng lãi suất chuẩn qua đêm thêm 2,25 điểm phần trăm kể từ đầu năm nay trong nỗ lực kiềm chế lạm phát cao và dự kiến sẽ tiếp tục tăng lãi suất vào tháng tới. Tuy nhiên, bất chấp chính sách “diều hâu” đó, lạm phát có khả năng vẫn sẽ ở trên mục tiêu của Fed trong năm nay và năm sau.
Tháng trước, Ngân hàng trung ương Canada đã gây bất ngờ cho thị trường khi tăng lãi suất cơ bản thêm 1 điểm phần trăm và cho biết sẽ cần tăng lãi suất thêm nhiều lần nữa.
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), vốn từng phải “vật lộn” để đạt được mức lạm phát mục tiêu trong nhiều năm nhưng hiện đang phải đối mặt với mức lạm phát cao hơn mục tiêu, đã bắt đầu chu kỳ tăng lãi suất vào tháng 7/2022 và các chuyên gia dự báo ECB sẽ tiếp tục trên con đường thắt chặt chính sách tiền tệ.
Ngân hàng trung ương Anh (BoE) là một trong những ngân hàng đầu tiên trong số các ngân hàng trung ương lớn tăng chi phí đi vay và được cho là sẽ tiếp tục xu hướng này.
Mặc dù BoE đã cảnh báo kinh tế Anh sẽ phải đối mặt với một cuộc suy thoái kéo dài khi các hóa đơn năng lượng tăng vọt sẽ đẩy lạm phát giá tiêu dùng Anh lên trên 13% trong tháng Mười tới.
Các ngân hàng trung ương chủ chốt sẽ gặp nhau trong tuần này tại hội nghị ở Jackson Hole, Wyoming (Mỹ) và đây là nơi các ngân hàng này có thể tiết lộ những dấu hiệu sớm về mức độ tăng lãi suất trong tương lai và sức mạnh của nền kinh tế./