PHÓNG VIÊN: - Ông đánh giá thế nào về những báo cáo kinh tế vĩ mô của Việt Nam thời gian qua với những con số đầy lạc quan và triển vọng?
TS. LÊ ĐĂNG DOANH: - Để đánh giá các thông tin kinh tế vĩ mô cần nghiên cứu và điều tra sâu. Theo dõi trong thời gian qua có thể thấy những báo cáo tình hình tăng trưởng kinh tế - xã hội của Tổng cục Thống kê (Bộ KH-ĐT), báo cáo và dự báo về tăng trưởng kinh tế Việt Nam nửa cuối năm nay do các tổ chức quốc tế đưa ra cũng rất cao, rất nhiều triển vọng.
Tuy nhiên, bên cạnh các số liệu rất lạc quan và đáng khích lệ này, có thực tế khác là doanh nghiệp (DN) đang gặp nhiều khó khăn, người lao động nghỉ việc, kinh tế quá nhiều bất cập và thách thức.
Đơn cử như báo cáo tăng trưởng kinh tế quý III đạt mức 2 con số, nguyên nhân là trong quý III năm ngoái, 2 đầu tàu kinh tế là Hà Nội và TPHCM đều bị phong tỏa, tăng trưởng GDP rất thấp. Trên nền thấp như vậy, tăng trưởng quý III phải xấp xỉ 2 chữ số và tăng trưởng 9 tháng cao nhất trong vòng hơn chục năm qua, điều này là bình thường.
Song điều cần lưu ý là giữa con số tăng trưởng và nền kinh tế thực đang có sự lệch pha. Nền kinh tế hiện gặp rất nhiều khó khăn đến cả từ nội tại lẫn những biến động bất thuận từ kinh tế thế giới. Vì vậy chúng ta cần thận trọng, nghiêm túc đánh giá, nhìn thẳng vào tình hình để có chính sách điều hành cho phù hợp, tránh bị “tô hồng” qua những con số.
- Như vậy bức tranh nền kinh tế đang tồn tại 2 gam màu trái ngược nhau giữa vĩ mô và vi mô. Vậy ông đánh giá thế nào về “sức khỏe” DN hiện nay?
- Tình hình “sức khỏe” DN Việt hiện nay rất đáng lo ngại. Các biện pháp Chính phủ đã đưa ra để hỗ trợ DN rất đáng trân trọng song vẫn chưa “đủ liều”. Trong tình hình diễn biến phức tạp như hiện nay, cần những biện pháp thực sự hiệu quả hơn. Tôi đưa ra 4 chỉ dấu cho thấy tình hình “sức khỏe” DN trong nước hiện nay đang rất đáng báo động.
Thứ nhất, trong những tháng cuối năm, thường đơn hàng sẽ đến dồn dập, nhưng hiện nay nhiều DN không có đơn hàng để xuất khẩu. Đơn cử, ngành dệt may, da giày hiện đơn hàng không có, hoạt động cầm chừng, người lao động bị mất việc làm hàng loạt.
Thứ hai, con số về xuất khẩu cũng cần phải đánh giá xem tỷ trọng đóng góp của DN Việt thực sự là bao nhiêu, không thể nói khơi khơi để cào bằng. Tăng trưởng xuất khẩu hiện nay có sự đóng góp rất lớn của khối DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), nhất là phần xuất khẩu. Hiện nay, các DN FDI đang đóng góp 68-70% tổng xuất khẩu của giá trị. Trong khi đó, xuất khẩu thực của DN nội rất ít, gần như không đáng kể. Chúng ta cần phải phân tích và xem xét rất cầu thị vấn đề này.
Thứ ba, điểm sáng đáng kể của DN Việt Nam thời gian qua là nhóm ngành nông nghiệp. Thực tế, nền nông nghiệp chúng ta đã bảo đảm được vấn đề an ninh lương thực, đời sống của người dân và phần nào đó đã giúp ghìm cương lạm phát, trong khi trên thế giới nhiều nước đang lao đao vì lạm phát do giá lương thực và năng lượng tăng phi mã. Song chúng ta cũng cần phải thấy rõ được mặt yếu kém, đó là năng lực cạnh tranh của chúng ta đang xếp hạng rất thấp.
Báo cáo của VCCI cho thấy chi phí ngoài pháp luật của DN vẫn còn lớn, chi phí này lớn hơn nhiều so với chi phí DN bỏ ra để đầu tư vào khoa học công nghệ. Vấn đề ở đây là chúng ta phải hạn chế những chi phí bôi trơn để DN nhóm nông nghiệp tập trung vào khoa học công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Thứ tư, quá trình chuyển đổi số. Các nền kinh tế lớn trên thế giới đều đã chuyển sang chuyển đổi số, song Việt Nam vẫn chậm và chưa thực chất. DN Việt vẫn chưa tham gia sâu chuỗi giá trị, đặc biệt các hộ kinh doanh, DNNVV vốn chiếm đa số trong nền kinh tế. Động lực tăng trưởng kinh tế đến cả từ nội lực - cụ thể là các DN, song DN trong nước sức khỏe giảm sút, hệ quả là động lực tăng trưởng đang bị bào mòn.
- Vậy những thách thức đối với nền kinh tế trong những tháng cuối năm là gì, thưa ông?
- Theo tôi, trong những tháng cuối năm, chúng ta vẫn còn phải đối mặt với nhiều thách thức. Trước hết, có thể thấy dư địa cho điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ không còn nhiều, ảnh hưởng đến khả năng phục hồi và mở rộng sản xuất của các DN khi khó tiếp cận nguồn vốn.
Hay công tác quản lý, điều hành giá xăng dầu chưa theo nguyên tắc thị trường làm ảnh hưởng nguồn cung và giá bán lẻ trong nước đã và đang diễn ra, cũng tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN mà đến nay các cơ quan chức năng vẫn đang loay hoay tháo gỡ.
Bên cạnh đó, nhìn vào thị trường sẽ thấy yếu tố tăng trưởng cả về cung và cầu của nền kinh tế tuy đã đạt ở mức cao, nhưng cơ bản chưa bù đắp được mức giảm sút của năm trước do tác động của dịch Covid-19. Trong khi đó, những vấn đề nội tại của nền kinh tế tích tụ nhiều năm đã đến lúc cần phải giải quyết, như việc chậm giải ngân vốn đầu tư công, quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và những yêu cầu mới đặt ra cho nhiệm vụ hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Cuối cùng, những dự báo về triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang xấu đi, sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến đà phục hồi của kinh tế Việt Nam khi nền kinh tế có độ mở lớn. Tóm lại, tôi cho rằng chúng ta cần nhìn sâu, nhìn thẳng vào thực trạng của nền kinh tế, thay vì chỉ nhìn vào những con số báo cáo đầy “màu hồng”.
- Xin cảm ơn ông.
Thực trạng của nền kinh tế hiện nay là những vấn đề nội tại tích tụ nhiều năm đã đến lúc cần phải giải quyết cùng lúc với những yêu cầu mới đặt ra, trong bối cảnh triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang xấu đi. |