Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, tờ Nikkei Asia vừa công bố danh sách 10 công ty đáng lưu tâm ở châu Á trong năm 2023, trong đó có Công ty Cổ phần VNG, vốn được coi là “kỳ lân” công nghệ đầu tiên của Việt Nam.
Trong bài giới thiệu về 10 công ty này, Nikkei Asia nhấn mạnh sau một năm đầy biến động do xung đột, lạm phát và đại dịch COVID-19 kéo dài, các công ty châu Á đã nổi lên với tham vọng tạo địa chấn ở thị trường trong và ngoài nước vào năm 2023.
Nikkei Asia cũng liệt kê 10 công ty châu Á được kỳ vọng sẽ nổi hơn nữa trong năm tới.
Các công ty này gồm: hãng chế tạo xe điện BYD của Trung Quốc, tập đoàn than khoáng sản Indika Energy của Indonesia, Tập đoàn Máy bay thương mại Trung Quốc (COMAC), nhà sản xuất chip Rohm của Nhật Bản, Công ty Cổ phần VNG của Việt Nam, công ty khởi nghiệp Aqumon có trụ sở ở Hong Kong (Trung Quốc), viện Serum Institute of India (SII) của Ấn Độ, nền tảng truyền thông xã hội Xiaohongshu của Trung Quốc, nhà sản xuất chip lớn thứ 3 thế giới United Microelectronics Corp. (UMC) của Đài Loan (Trung Quốc) và hãng sản xuất xe hơi Nidec của Nhật Bản.
Theo Nikkei Asia, Công ty cổ phần VNG - “kỳ lân” công nghệ đầu tiên của Việt Nam - đã nổi lên như một trong những công ty được theo dõi nhiều nhất ở Việt Nam và có thể sẽ phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trong năm nay.
VNG đã đăng ký giao dịch một phần cổ phiếu trên một sàn giao dịch dành cho các công ty chưa niêm yết ở Việt Nam - một động thái thường được các công ty sử dụng để kiểm tra phản ứng của thị trường chứng khoán trước khi IPO chính thức.
VNG cũng được cho là đang để mắt đến việc niêm yết tại Mỹ.
Báo Nikkei Asia cho rằng công ty khởi nghiệp của Việt Nam trở thành một trong những ngôi sao công nghệ đang lên ở Đông Nam Á, cung cấp các dịch vụ từ trò chơi, hệ thống nhắn tin và thanh toán di động cho đến các trợ lý giọng nói sử dụng trí tuệ nhân tạo và điện toán đám mây.
Ông Lê Hồng Minh sáng lập VNG từ năm 2004, khởi đầu là một nhà phát triển và phát hành trò chơi trực tuyến có tên là Vinagame.
Sau đó, công ty đã mở rộng hoạt động kinh doanh sang các thị trường châu Á khác, nơi VNG phải cạnh tranh với các đối thủ như Sea có trụ sở tại Singapore.
Với người dùng tại hơn 130 quốc gia, VNG đặt mục tiêu đạt 320 triệu khách hàng trên toàn cầu vào năm 2023.
VNG đang mở rộng hoạt động sang các lĩnh vực khác, trong đó đáng chú ý nhất là sự ra mắt của ứng dụng nhắn tin Zalo vào năm 2012.
Dịch vụ này đã vượt qua Facebook Messenger của Meta tại Việt Nam vào năm 2020 và hiện có hơn 74 triệu người dùng tại thị trường trong nước, nơi ứng dụng này được sử dụng để trò chuyện, mua sắm, gửi tiền và thanh toán hóa đơn.
Theo Nikkei Asia, hiện nay, VNG đang muốn đẩy nhanh việc mở rộng hoạt động ra quốc tế, và việc ra mắt thị trường Mỹ sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho nỗ lực này.