Khả năng Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ đang ngày càng lớn dần trong bối cảnh nền kinh tế lớn nhất thế giới này đang phục hồi một cách mạnh mẽ.
Không chỉ có FED, ngân hàng trung ương của một số nền kinh tế phát triển khác cũng có thể sẽ làm như vậy. Điều này cho thấy kỷ nguyên của chính sách tiền tệ siêu lỏng sắp kết thúc. Nếu điều đó xảy ra, nó có thể sẽ tác động tiêu cực tới đà phục hồi của nền kinh tế toàn cầu.
Trong bối cảnh đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) gần đây đã lên tiếng cảnh báo việc các nền kinh tế phát triển thắt chặt chính sách tiền tệ có thể sẽ tạo ra cú sốc cho các thị trường tài chính trên khắp thế giới mà các ngân hàng trung ương không thể kiểm soát nổi.
FED thắt chặt chính sách tiền tệ. (Nguồn: AFP) |
Nguy cơ đang lớn dần
Kể từ năm 2008, FED đã thực thi một chính sách tiền tệ siêu lỏng để vực dậy nền kinh tế Hoa Kỳ khi giảm lãi suất cơ bản xuống còn gần 0%, đồng thời tăng gấp 3 lần quy mô bảng cân đối của mình lên gần 3.700 tỷ USD. Kể từ năm ngoái, mỗi tháng, cơ quan này đã bơm 85 tỷ USD vào hệ thống tài chính Mỹ thông qua việc mua lại trái phiếu chính phủ.
Nhờ vậy, kể từ đầu năm 2013 đến nay, có nhiều dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Hoa Kỳ đang phục hồi một cách mạnh mẽ. Tỷ lệ tăng trưởng của Hoa Kỳ trong các quý I và II-2013 lần lượt 1,8% và 2,5%. Trong quý III, bất chấp cuộc chiến ngân sách giữa Nhà Trắng và Quốc hội khiến các công sở liên bang phải tạm thời đóng cửa trong nhiều ngày, nền kinh tế lớn nhất thế giới này vẫn đạt tốc độ tăng trưởng 2,8%, cao nhất trong vòng 1 năm qua.
Trong báo cáo Toàn cảnh Kinh tế Thế giới công bố hồi tháng 10, IMF dự báo Hoa Kỳ sẽ đạt tốc độ tăng trưởng 1,6% trong năm 2013 và 2,6% trong năm 2014 nhờ nhu cầu cá nhân tiếp tục tăng, với sự hỗ trợ của sự phục hồi trên thị trường nhà đất và tài sản của hộ gia đình tăng.
Trong bối cảnh đó, những đồn đoán về khả năng FED thu hẹp quy mô chương trình nới lỏng định lượng đã bắt đầu xuất hiện từ giữa năm 2013. Tuy nhiên, trong phiên họp chính sách mới nhất của FED vào giữa tháng 11, cơ quan này đã quyết định vẫn duy trì chương trình nới lỏng định lượng hiện nay.
Các chuyên gia phân tích cho rằng nguyên nhân khiến FED trì hoãn thu hẹp quy mô của chương trình này là do tỷ lệ lạm phát ở Hoa Kỳ đang giảm dần. Theo Bộ Lao động Hoa Kỳ, trong tháng 10-2013, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ở nước này chỉ tăng 1% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng CPI thấp nhất kể từ tháng 10/2009 và thấp hơn so với con số mục tiêu của FED (2%).
Ông Ed Yardeni, chiến lược gia về đầu tư của công ty nghiên cứu Yardeni Research viết: “Các quan chức FED đã từng nói rằng không chỉ có những yếu kém trên thị trường lao động, việc chỉ số giá tiêu dùng đang giảm cũng là lý do để thực hiện chính sách tiền tệ siêu lỏng, đặc biệt nếu chỉ số này tiến sát ngưỡng giảm phát”.
“Các quan chức FED cũng nói bóng gió rằng cho dù tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 6,5%, họ có thể sẽ không vội vàng thắt chặt chính sách tiền tệ nếu lạm phát vẫn đứng ở mức quá thấp,” Yardeni nhấn mạnh.
Mặc dù vậy, khả năng FED cắt giảm quy mô của chương trình nới lỏng định lượng vào đầu năm 2014 là rất lớn. Kết quả thăm dò do hãng tin Bloomberg tiến hành vào đầu tháng 11 cho thấy phần lớn các chuyên gia kinh tế dự báo FED sẽ bắt đầu thu hẹp quy mô các gói nới lỏng định lượng vào tháng 3-2014.
Hậu quả khôn lường
Nếu FED thắt chặt chính sách tiền tệ, điều này có thể tác động không chỉ tới nền kinh tế Hoa Kỳ mà còn tới các nền kinh tế mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển, nhất là khi động lực tăng trưởng của nền kinh tế thế giới đang chuyển dịch sang các nền kinh tế phát triển.
Trong báo cáo công bố hồi tháng 10, IMF cho rằng đối với Hoa Kỳ, một chính sách tài khóa thắt chặt có thể khiến tốc độ tăng trưởng giảm 2,5% trong năm nay. Mặc dù vậy, sự phục hồi trên thị trường bất động sản sẽ giúp GDP của nước này tăng thêm 2,6% trong năm tới và giúp ngăn chặn bất cứ cuộc khủng hoảng tài chính nào.
Tuy nhiên, theo IMF các nền kinh tế khác, nhất là các nền kinh tế mới nổi, có thể phải hứng chịu những hậu quả từ chính sách tiền tệ thắt chặt của Hoa Kỳ. Những nền kinh tế này bao gồm những nước đang chứng kiến dòng vốn chảy ra ngoài hoặc bị tác động bởi việc Mỹ tăng lãi suất và các nước có chính sách tiền tệ kém linh hoạt để vượt qua các cú sốc.
Theo các chuyên gia phân tích, việc FED thắt chặt chính sách tiền tệ có thể khiến dòng vốn chảy khỏi các nền kinh tế mới nổi và làm tăng chi phí vay vốn ở những nền kinh tế này. Những tác động như vậy đã được cảm nhận vào giữa năm nay khi FED mới chỉ bắt đầu thảo luận về khả năng thu hẹp quy mô của chương trình mua trái phiếu. Khi đó, đồng rupee của Ấn Độ và đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ đã giảm giá kỷ lục so với đồng bạc xanh, trong khi Indonesia, Mexico và Brazil cũng phải đối mặt với các áp lực tương tự.
IMF cảnh báo Ấn Độ và Indonesia là những nước có chính sách hạn chế hơn để đối phó với các ảnh hưởng của việc FED thắt chặt chính sách tiền tệ. Bên cạnh đó, lãi suất tăng có thể cũng sẽ tác động tiêu cực tới nền kinh tế Nam Phi cho dù nếu các nhà đầu tư nước ngoài rút vốn, các nhà đầu tư trong nước có thể nhảy vào để thế chỗ.
Trong bối cảnh đó, tại Hội nghị Thường niên IMF-WB ở Washington hồi giữa tháng 10, các quan chức tài chính toàn cầu đã kêu gọi IMF sẵn sàng trợ giúp cho các nền kinh tế thị trường mới nổi trong trường hợp các nền kinh tế này có thể rơi vào bất ổn do các dòng vốn đầu tư đột ngột chảy ra ngoài khi FED và các ngân hàng trung ương khác từ bỏ chính sách tiền tệ siêu lỏng.
Ông Ewald Nowotny, một thành viên của Hội đồng Điều hành Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), nhấn mạnh: “Sự ổn định tài chính toàn cầu là trách nhiệm chung. Vì vậy, FED cần phải thông báo một cách rõ ràng các động thái chính sách mà cơ quan này dự định thực hiện nhằm giảm thiểu các ảnh hưởng tiêu cực của chúng đối với các nền kinh tế đang phát triển".
Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov cảnh báo các nhà hoạch định chính sách cần chuẩn bị cho tình trạng bất ổn mới trên các thị trường tài chính một khi động thái hướng tới chính sách tiền tệ thắt chặt hơn được bắt đầu.