Kỳ thú cây di sản

(ĐTTCO) - Vừa qua, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam đã công nhận 56 cây sa mu dầu cổ thụ tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt (tại các tiểu khu 59, 61 thuộc địa bàn xã Tiền Phong, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An) là Cây di sản Việt Nam. Cây sa mu dầu có tên khoa học Cunninghamia konishii Hayata, thuộc họ Hoàng đàn (Cupressaceae), người Thái miền Tây xứ Nghệ gọi là cây Lông Lênh.

(ĐTTCO) - Vừa qua, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam đã công nhận 56 cây sa mu dầu cổ thụ tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt (tại các tiểu khu 59, 61 thuộc địa bàn xã Tiền Phong, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An) là Cây di sản Việt Nam. Cây sa mu dầu có tên khoa học Cunninghamia konishii Hayata, thuộc họ Hoàng đàn (Cupressaceae), người Thái miền Tây xứ Nghệ gọi là cây Lông Lênh.

Quần thể sa mu dầu quý hiếm

Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt thuộc Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An đã được UNESCO công nhận. Quần thể sa mu dầu thuộc khu bảo tồn này phân bố trong những cánh rừng tự nhiên trên khu vực biên giới Việt - Lào. Đây là các khu vực rừng giàu, trên địa bàn 3 xã Nậm Giải, Hạnh Dịch, Tri Lễ (huyện Quế Phong) cao so với mặt nước biển từ 1.200-1.800m. Số lượng sa mu dầu phân bổ tại đây được chia thành 7 khu vực, với số lượng đến trên 1.000 cây.

Tại xã Nậm Giải, tổng số cây đã điều tra gồm 109 cây tại khu vực suối Huồi Giải và suối Huồi Dừm, xã Hạnh Dịch có tổng số cây 970, xã Tri Lễ có tổng số cây bắt gặp và được kiểm đếm đường kính lớn 40 cây. Đây là một loài cây quý, không đơn thuần được ghi vào sách đỏ Việt Nam và thế giới, mà bởi cây gắn với đời sống và tâm linh người bản địa, ngày xưa chỉ các bậc lãnh chúa trong vùng mới được dùng.

56 cây sa mu dầu cổ thụ được công nhận Cây di sản, cây có đường kính lớn nhất 3,7m, cây có đường kính nhỏ nhất 1,5m, đường kính bình quân chung 2,01m. Chiều cao vút ngọn của cây cao nhất 60m, thấp nhất 40m, chiều cao vút ngọn bình quân chung 46,25m. Tất cả 56 cây sa mu dầu cổ thụ này đều nằm ở địa bàn xã Hạnh Dịch (huyện Quế Phong).

Theo các nhà khoa học, đặc điểm sinh thái của loài cây này là cây gỗ to, thân thường xanh và có thể cao đến hơn 50m cho tới 70m, đường kính thân có thể đạt tới 4-5m, tán lá hình tháp. Theo ghi nhận của Ban quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt, đa số cá thể cây sa mu dầu bắt gặp có tuổi thành thục cao, có nhiều cây có đường kính lớn đã thành thục về sinh trưởng, tuy nhiên, không thấy sự xuất hiện của các cây con.

Hơn nữa, loài cây này thường chỉ phân bố ở địa hình hiểm trở, dọc theo khe suối, vách đá có độ dốc lớn và thường tập trung ở khu vực giáp biên giới Việt - Lào. Vì vậy, đây chính là thách thức rất lớn đối với các nhà khoa học trong công tác bảo tồn, phát triển loài.  

Cây sa mu dầu cổ thụ lớn nhất có đường kính lên đến 3,7m.
Cây sa mu dầu cổ thụ lớn nhất có đường kính lên đến 3,7m.

Theo ông Nguyễn Danh Hùng, Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt, hiện trạng bảo tồn thế giới của cây sa mu dầu là đang bị tuyệt chủng. Còn hiện trạng quốc gia của sa mu dầu là loài sắp bị tuyệt chủng. Sa mu dầu nằm trong Danh sách các loài nguy cấp quý hiếm được ưu tiên bảo vệ của Nghị định 160/213/NĐ-CP.

Trước thực trạng đó, cán bộ Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt thường xuyên tổ chức các cuộc thám sát, phát hiện vùng cây sa mu, đánh số từng cây để quản lý bảo vệ. Do đó, khi được công nhận quần thể cây sa mu là quần thể Cây di sản sẽ giúp gìn giữ được biểu tượng hùng vĩ của núi rừng, góp phần bảo tồn nguồn gen quý của quốc gia.

Cây của văn hóa tâm linh và vẻ đẹp

Theo ông Nguyễn Danh Hùng, gỗ sa mu dầu có vân thớ đẹp, dễ chế biến gia công, có thớ gỗ dọc và đặc biệt gỗ có khả năng chịu nắng mưa rất tốt, có thể lên đến hàng trăm năm. Gỗ của cây toát ra một mùi thơm dìu dịu rất khó tả, có tính năng xua đuổi ruồi muỗi… Đặc biệt, sa mu dầu trở thành gỗ quý còn bởi xung quanh loài cây này ẩn chứa nhiều chuyện tâm linh.

Sa mu dầu gắn liền với đời sống và văn hóa của đồng bào Mông tại xã Tri Lễ, đồng bào Thái tại xã Hạnh Dịch, Nậm Giải và Thông Thụ. Người Mông sử dụng gỗ sa mu dầu làm mái nhà, ván thưng nhà, làm hàng rào… Trong khi người Thái sử dụng để làm nhiều công dụng hơn, ngoài lợp mái, ván thưng họ còn dùng để đóng đồ gia dụng như: giường, tủ, bàn ghế, bộ ván ngựa...

Truyền thống và kinh nghiệm sử dụng loại gỗ quý này của người dân nơi đây đã trải qua rất nhiều thế hệ. Hiện nay, sa mu dầu được sử dụng nhiều vào việc chế tác đồ gia dụng, gỗ làm nhà như cột, văng, xà, đồ thủ công mỹ nghệ như tượng, tranh, lộc bình...

Cây sa mu dầu thường có tán rộng, trùm khắp một khu đất lớn.
Cây sa mu dầu thường có tán rộng, trùm khắp một khu đất lớn.

Theo chuyện kể của đồng bào nơi đây, ngày xưa sa mu dầu chỉ có các bậc lãnh chúa, quan lại trong vùng mới được sử dụng. Tinh dầu của sa mu dầu dùng để nhỏ vào nước tắm, như là một thứ nước hoa sang trọng của người đẹp thuở xưa. Hương sa mu dầu quyện vào làn da thiếu nữ khiến các chàng trai say đắm, lãnh chúa chết mê chết mệt. Một công dụng khác khiến sa mu dầu luôn được (bị) săn tìm là loài cây này mang biểu tượng tâm linh.

Các tượng gỗ, tượng thế, tràng hạt, gối đầu… được làm bằng gỗ sa mu dầu có tác dụng đuổi trừ tà khí, đón rước thịnh vượng về nhà. Ngoài ra, nhiều người còn cho rằng sa mu dầu có tác dụng chữa bệnh. Tắm bằng bồn gỗ sa mu dầu giúp cơ thể thải độc tố, lưu thông khí huyết, ngăn ngừa rôm sảy, giúp tinh thần tỉnh táo. Đặc biệt, sa mu dầu cùng với hoàng đàn là 2 trong số ít loại gỗ có khả năng tạo tuyết pha lê (trong những điều kiện nhất định).

Lớp tuyết này nếu dùng đèn pin soi vào sẽ lóng lánh màu của cầu vồng, vì vậy những sản phẩm như tượng Phật, La Hán… luôn được chế tác từ loại gỗ quý này. Mỗi khi có ánh sáng tạo tuyết sẽ mang cảm giác linh thiêng hơn rất nhiều so với tượng làm bằng các chất liệu khác. Qua nghiên cứu của các nhà khảo cổ, người xưa còn dùng loại gỗ quý này vào việc làm quan tài cho vua chúa và tầng lớp quan lại.

Các tin khác