Kỳ vọng Chính phủ mới

Hôm nay 25-7 Quốc hội tiến hành bầu Chủ tịch nước và ngày mai 26-7 bầu Thủ tướng Chính phủ, mở đường cho việc trình và bổ nhiệm nhân sự Chính phủ mới vào ngày 2 và 3-8.

Hôm nay 25-7 Quốc hội tiến hành bầu Chủ tịch nước và ngày mai 26-7 bầu Thủ tướng Chính phủ, mở đường cho việc trình và bổ nhiệm nhân sự Chính phủ mới vào ngày 2 và 3-8.

Dự kiến, Chính phủ khóa này sẽ có nhiều thay đổi khi một số phó thủ tướng và các bộ trưởng được bầu mới.

Nhưng dù là ai, nội các nhiệm kỳ tới sẽ đối diện những thách thức đặt ra trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp không ít khó khăn. Tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2011 và năm 2012 còn diễn biến phức tạp do tác động của tồn tại, hạn chế nội tại nền kinh tế và ảnh hưởng từ bên ngoài.

Lạm phát, mặt bằng lãi suất vẫn ở mức cao; khu vực sản xuất-kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn do phải tiếp tục thực hiện chính sách thắt chặt tài khóa, tiền tệ để kiềm chế lạm phát. Tai nạn giao thông, tội phạm, vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn đang là vấn đề bức xúc của xã hội. Đời sống người lao động, nhất là công nhân các khu công nghiệp còn nhiều khó khăn.

2011 là năm đầu tiên thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2011-2015) và chiến lược phát triển kinh tế 10 năm (2011-2020) với mục tiêu đến năm 2020 cơ bản đưa nước ta thành nước công nghiệp hóa theo hướng hiện đại.

Tình hình trên đòi hỏi cần tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo điều hành kiên trì, quyết liệt các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội trong những tháng cuối năm 2011 và một số năm tiếp theo.

Chính vì vậy, để phát huy những thành tựu đã đạt được, tiếp tục thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, cử tri và nhân dân kiến nghị nhiệm kỳ Chính phủ mới cần quan tâm hơn nữa công tác xây dựng pháp luật, chuẩn bị tốt các dự án luật, tránh tình trạng phải điều chỉnh nhiều lần; nghiên cứu đề xuất sửa đổi những luật đang có nhiều bất cập (như Luật Đất đai; Luật Khiếu nại, tố cáo…), khắc phục tình trạng chậm ban hành nghị định, thông tư hướng dẫn để đưa luật, pháp lệnh vào cuộc sống.

Ngoài tập trung chỉ đạo, quản lý và điều hành phát triển kinh tế nhanh, bền vững, Chính phủ cần quan tâm đến phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường; phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội; bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; chính sách với người có công; tiếp tục chăm lo an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm, chăm sóc sức khỏe, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân…

Những sự thay đổi ở các vị trí trong Chính phủ mới sẽ là động lực cho sự thay đổi trong quản lý, điều hành, nhưng cũng có thể là sự khó khăn khi các thành viên mới phải làm quen với các vị trí được phân công. Dù vậy, cử tri và nhân dân vẫn kỳ vọng thành viên của Chính phủ mới đưa ra những chương trình hành động, mục tiêu hướng tới trong cách quản lý, điều hành mới.

Bên cạnh đó, để công tác điều hành chung cũng như từng lĩnh vực cụ thể phát huy được hiệu quả, cần gắn chặt hơn nữa trách nhiệm cá nhân của những người đứng đầu Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành trong công tác điều hành, để từ đó cử tri có cái nhìn rõ hơn về hoạt động của Chính phủ.

Bên cạnh những đòi hỏi và kỳ vọng về một Chính phủ mới, cử tri cũng mong rằng Quốc hội khóa XIII tiếp tục phát huy hơn nữa chức năng giám sát để kịp thời phát hiện và có các kiến nghị nhằm điều chỉnh, bổ sung, phát huy tính tích cực, giảm thiểu những hệ lụy nảy sinh từ chính sách; chấn chỉnh kịp thời các sai sót, khuyết điểm, thúc đẩy thực hiện tốt các nhiệm vụ để Quốc hội thực hiện ngày càng tốt hơn vai trò là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất.

Để làm được điều này, các đại biểu Quốc hội khóa XIII cần thực hiện tốt chương trình hành động của mình đã báo cáo trước cử tri; thường xuyên giữ mối liên hệ và dành nhiều thời gian tiếp dân, tiếp xúc cử tri để tìm hiểu, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và lắng nghe ý kiến, kiến nghị.

Bên cạnh đó, các đại biểu Quốc hội cũng cần dành nhiều thời gian, tâm trí vào hoạt động giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật của các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức nhà nước, nhất là giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân.

ĐẦU TƯ TÀI CHÍNH

Các tin khác