
TS. NGUYỄN HỮU NGUYÊN, Hội Quy hoạch phát triển đô thị TPHCM, người đã gắn bó với TPHCM từ những ngày đầu giải phóng, đã có cuộc trò chuyện thân tình với Báo ĐTTC.
PHÓNG VIÊN: - TS. nhận thấy sự thay đổi thế nào về hạ tầng giao thông đô thị TPHCM sau 50 năm đổi mới?
TS. NGUYỄN HỮU NGUYÊN: - Đơn vị tôi tiến vào giải phóng Sài Gòn vào trưa 30-4-1975. Và cũng từ đó đến nay tôi đã làm việc và sinh sống tại TPHCM, nên cảm nhận rõ nét từng bước phát triển hạ tầng giao thông đô thị bằng chính trải nghiệm thực tế. Những năm đầu sau 1975, TPHCM có nhiều đường phố rộng và dài hơn so với Hà Nội, nhưng chưa có kẹt xe, vì dân số lúc bấy giờ khoảng hơn 2 triệu người.
Trong hơn 10 năm nỗ lực vượt qua tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội, nên hầu như không có điều kiện phát triển hạ tầng giao thông, trong khi dân số và phương tiện giao thông cứ ngày tăng dần, nên đã xảy ra tình trạng kẹt xe, tắc đường quy mô nhỏ và cũng chưa ảnh hưởng đáng kể đến giao thông.

Từ khi thực hiện đường lối đổi mới theo nghị quyết VI, về thực hiện kinh tế thị trường định hướng XHCN, kinh tế nhiều thành phần, dân số tăng lên rất nhanh, kéo theo các loại phương tiện giao thông cũng tăng nhanh. Theo đó hạ tầng giao thông không theo kịp, trong vùng nội đô không còn nhiều quỹ đất. Và khi dân số lên gần 10 triệu người, đã bắt đầu kéo theo tình trạng kẹt xe cục bộ ngày càng nhiều.
Để TPHCM trở thành một đô thị toàn cầu, có quy mô siêu đô thị với khoảng 14-15 triệu dân, cần có giải pháp phân bổ số lượng và mật độ cư trú hợp lý, để tránh tình trạng dồn vào trung tâm, gây quá tải về sức chứa đô thị.
Song đến nay, nhìn chung hạ tầng giao thông đã có sự phát triển hiện đại hơn, nhiều cây cầu vượt ở nhiều giao lộ lớn, tuyến Metro số 1 dài gần 20km cùng nhiều con đường được chỉnh trang và mở rộng hơn…
Tuy nhiên, giao thông đô thị vẫn là một trong những “vấn nạn” chưa có giải pháp triệt để. TPHCM đã giao cho Viện Nghiên cứu Phát triển thực hiện đề tài “Tính đồng bộ hạ tầng giao thông và các dự án nhà ở”.
- Vấn đề giao thông từng là “1 trong 7 chương trình đột phá” của TPHCM. TS. nhận định thế nào về sự đột phá này?
- Thực ra sự biến chuyển vẫn rất chậm, giao thông vẫn là “vấn nạn”, tức tình trạng kẹt xe vẫn có nhiều điểm và kéo dài. Điều đó chứng tỏ một thực tế chưa thể thực hiện được các giải pháp triệt để trong thời gian ngắn, dù TPHCM đã từng áp dụng nhiều biện pháp quyết liệt như cuộc giải tỏa vỉa hè.
Nguyên nhân do “thiếu cân đối” giữa tỷ lệ diện tích dành cho giao thông quá thấp (mới đạt hơn 10%, trong khi cần trên 20% diện tích tự nhiên) so với số lượng phương tiện giao thông quá nhiều (trên 7 triệu xe máy và hơn 1 triệu xe cơ giới các loại). Rất dễ hiểu “đường ít, xe nhiều” khó tránh khỏi ùn tắc, cũng giống như “sông nhỏ, nước lớn” thì khó tránh bị tràn bờ, ngập úng. Điều này lại bắt nguồn từ tình trạng quá tải sức chứa đô thị do dân số quá cao, tập trung phần lớn vào nội đô.
Tuy nhiên, giải pháp không thể giảm dân số, vì TP còn đang hướng đến 15 triệu dân, đồng thời không thể giảm số lượng phương tiện giao thông, vì đó là công cụ sản xuất, nhất là xe gắn máy cá nhân như “đôi chân nối dài” để mưu sinh của hàng triệu người dân lao động. Giải pháp là cần xây dựng thêm nhiều bãi đậu xe nhiều tầng và hầm ngầm giữ xe.
Mặt khác, TP nên phát triển hệ thống đường sắt trên cao, khai thác thêm giao thông đường sông vì quỹ đất trong nội đô còn rất ít. Đặc biệt tăng cường nhiều hơn các thiết bị kỹ thuật số, trí tuệ nhân tạo cho việc kiểm soát và điều hành hệ thống giao thông.
- Thưa TS., một vấn đề rất quan trọng là hạ tầng đô thị phát triển hiện đại phải đáp ứng nhu cầu chỗ ở cho dân cư. Nếu lấy góc nhìn thành công từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, TS. có thể cho biết TPHCM đáp ứng chỗ ở cho người dân như thế nào để phù hợp với hạ tầng đô thị hiện đại?
- Phát triển kinh tế và phát triển xã hội là hai mặt không thể tách rời. Kinh tế tạo ra của cải vật chất, còn xã hội tạo ra cuộc sống hài hòa về vật chất và tinh thần cho người dân. Hạ tầng đô thị bao gồm nhiều bộ phận, trong đó quan trọng nhất là hạ tầng kiến trúc, nhà ở và hạ tầng giao thông. Mặc dù TP đã có rất nhiều khu nhà cao tầng hiện đại, nhưng chỉ dành cho người thu nhập cao, trong khi còn thiếu rất nhiều nhà ở xã hội cho công nhân và người thu nhập thấp.
Nhiệm vụ quan trọng trước mắt của TP, trong 5 năm tới phải hoàn thành việc di dời khoảng 40.000 căn nhà ở ven và trên kênh rạch đến những khu định cư được xây dựng mới theo kiểu nhà ở xã hội, có giá thành phù hợp với người thu nhập thấp. Trên thực tế kế hoạch này đã được thực hiện từ 30 năm trước, nhưng mới chỉ di dời được một nửa số căn nhà trên kênh rạch.
- Quy hoạch TPHCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng thông qua. Theo đó, định hướng phát triển lớn của TPHCM trở thành một đô thị toàn cầu, có quy mô là siêu đô thị với khoảng 14-15 triệu dân. Quan điểm của TS. về vấn đề này như thế nào?
- TPHCM được xem là “hạt nhân” Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, phải được hiểu là có sự tương tác hai chiều. Một là sự lan tỏa của TPHCM ra các tỉnh về vốn đầu tư, về công nghệ, về kinh nghiệm đô thị hóa, về giao thông vận tải, logistics. Hai là các tỉnh cung cấp nhân lực lao động, nguyên liệu và thị trường, giao thương.
Nói cách khác, TPHCM muốn phát triển nhanh và bền vững phải có sự liên kết, hợp tác chặt chẽ với các tỉnh, trong đó sự kết nối giao thông có tầm quan trọng đặc biệt, vì TPHCM là đầu mối giao thông trong và ngoài nước cả về đường bộ, đường thủy, đường sắt và đường hàng không.
Tuy nhiên, việc TPHCM hướng tới quy mô dân số 14-15 triệu là câu chuyện khác. Vấn đề này cần tham khảo từ những “siêu đô thị” trên thế giới để xem họ đang có những vấn nạn gì, và theo đó cần nhìn lại ngay TPHCM từ khi có hơn 2 triệu dân đã phải gặp những vấn nạn gì?
Mặt khác, cần tham khảo các nghiên cứu đã chứng minh, quy mô dân số không phải là tiêu chí quan trọng nhất của đô thị hiện đại, mà đó là khái niệm “TP đáng sống” theo nghĩa có chất lượng sống cao.
Nhìn về tương lai, người dân TPHCM có quyền hy vọng vào sự phát triển hạ tầng đô thị sẽ ngày một văn minh, hiện đại hơn, khi TP có hơn 300km đường sắt đô thị, những tuyến Metro mới và giao thông đường sông phát triển hơn. Và để bức tranh tương lai tươi đẹp ấy trở thành hiện thực, không chỉ tùy thuộc vào quyết tâm của lãnh đạo, mà quan trọng hơn là nỗ lực lao động của nhân dân TPHCM.
- Xin cảm ơn TS.