Đề án cũng xác định rõ quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cho giai đoạn tới với kỳ vọng công tác tái cơ cấu DNNN sẽ không còn tình trạng “không đạt kế hoạch” như giai đoạn trước.
Dự kiến, đến năm 2025, việc tái cơ cấu DNNN sẽ tạm xong để DNNN có cơ cấu hợp lý, hình thức hoạt động phù hợp với thông lệ quốc tế và định hướng của Đảng, Nhà nước. Trọng tâm giai đoạn 2023-2025 là nâng tầm quản trị DN để đáp ứng đầy đủ chuẩn mực quốc tế.
Tái cơ cấu DNNN với trọng tâm CPH DNNN là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước hơn 20 năm nay, được đẩy mạnh từ năm 2011 (chia làm 2 giai đoạn: 2011-2015 và 2016-2020). Tuy nhiên, trên thực tế, mục tiêu đặt ra cho các giai đoạn này đều không đạt kế hoạch đề ra. Chẳng hạn, giai đoạn 2016-2020, chỉ có 37 trong số 128 DN được CPH, nghĩa là có đến 91 DN chưa hoàn thành công tác CPH.
Lý giải nguyên nhân của sự chậm trễ này, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính) đánh giá, công tác xây dựng và tổ chức triển khai kế hoạch CPH DNNN, thoái vốn chưa được nhiều nơi quan tâm nghiêm túc. Tuy vậy, ông Tiến cũng cho rằng, quá trình tái cơ cấu, CPH DNNN vừa qua tuy chậm về tiến độ nhưng là một quá trình thận trọng, chắc chắn, công khai, minh bạch đúng pháp luật, không để lại vấn đề xấu.
Số lượng DN CPH không đạt, vậy chất lượng DN sau CPH ra sao? Theo Bộ Tài chính, chất lượng hoạt động của DN sau CPH được cải thiện nhưng chưa như mong muốn. Quản trị DN sau CPH vẫn chưa được đổi mới, chưa theo kịp với yêu cầu, biến động của thị trường, chưa thực sự theo cơ chế thị trường do tỷ lệ vốn Nhà nước nắm giữ tại DN còn cao; vẫn còn DNNN sản xuất, kinh doanh hiệu quả thấp, thua lỗ, không tương xứng với nguồn lực nắm giữ…
Trong báo cáo về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn Nhà nước tại DN năm 2019 được Chính phủ gửi tới Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2020, Chính phủ cho biết, bên cạnh các DN sau CPH có xu hướng tăng trưởng ổn định, vẫn còn nhiều DN hoạt động kém hiệu quả, kinh doanh thua lỗ, không bảo toàn được vốn chủ sở hữu.
Trong đó, Tổng công ty Cơ khí xây dựng (âm vốn chủ sở hữu 48 tỷ đồng); Tổng công ty Xây dựng công nghiệp Việt Nam (âm 505 tỷ đồng); Tổng công ty Sông Hồng (âm 666 tỷ đồng)…
Rõ ràng, công tác CPH thời gian qua đã đặt ra 2 vấn đề cần giải quyết, đó là tiến độ và chất lượng. Nhưng có lẽ, điều quan trọng hơn cả là chất lượng. Bởi mục đích của tái cơ cấu, CPH là nâng cao năng lực cạnh tranh của DN. Nếu coi CPH “là xong” mà không tiếp tục cơ cấu thì có thể DN sẽ lại khó khăn. CPH không phải là phương thức hữu hiệu để DN tốt hơn mà chỉ là giải pháp nhằm xử lý các tồn tại cũ, giúp DN khỏe hơn.
Những bất cập, tồn tại thời gian qua đã đặt ra yêu cầu về việc tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu, CPH DNNN giai đoạn sắp tới, đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động của DN sau CPH, để các DN sau CPH tiếp tục phát triển, có trình độ công nghệ, kỹ thuật sản xuất hiện đại.
Trong quá trình đó, điểm đáng lưu ý, theo một chuyên gia kinh tế, CPH DNNN cần phải đồng nhịp với sự phát triển của DN dân doanh, từ đó tạo điều kiện để họ mua lại cổ phần Nhà nước, hạn chế việc các DN tiềm năng trong nước bị DN nước ngoài thâu tóm.
Để làm được như vậy, DN kỳ vọng nhiệm kỳ mới sẽ có nhiều cải cách mạnh mẽ quyết liệt hơn, môi trường kinh doanh thật sự thông thoáng và bình đẳng cho mọi loại hình DN, để DN tư nhân lớn mạnh, DNNN thực sự hoạt động theo cơ chế thị trường.