Vấn đề trật tự kinh tế toàn cầu được kỳ vọng là tiêu điểm trong cuộc họp thường niên của IMF và WB tại Thủ đô Washington (Hoa Kỳ) trong tháng 10 này với sự tham gia của các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng từ 180 quốc gia trên thế giới.
Trật tự kinh tế thế giới hiện nay vẫn do Hoa Kỳ cùng các đồng minh nắm giữ kể từ sau Thế chiến II, được củng cố bởi các tổ chức đa phương như IMF hay WB. Các thể chế này được thiết kế để kết hợp các nghĩa vụ của các quốc gia thành viên, sau đó tập hợp các chính sách kinh tế thực tiễn phù hợp nhất thành "Thỏa thuận Washington".
Sự đồng thuận này bắt nguồn từ một mô hình kinh tế nhằm thúc đẩy sự tương tác có lợi giữa các quốc gia, hướng đến tự do hóa thương mại và thúc đẩy dòng vốn đầu tư xuyên quốc gia, định giá thị trường tự do và giảm các chế tài bảo hộ nội địa.
Trong vài thập niên, các trật tự do phương Tây thiết lập đã tạo ra nền tảng khá vững chắc về tài chính và thịnh vượng. Tuy nhiên, trật tự này đã lung lay kể cuộc đại khủng hoảng tài chính năm 2008, vốn coi là cuộc suy thoái kinh tế tồi tệ nhất đến nay. Thực tế là các thể chế rường cột như IMF hay WB cũng chưa đưa ra được những quyết sách kịp thời cho các rủi ro từ việc cấu trúc kinh tế biến đổi không ngừng.
Hậu quả của việc quản lý các thể chế đa phương thất bại đã trở nên phức tạp hơn khi Trung Quốc quyết đặt chân vào cuộc chơi. Nền kinh tế thứ hai thế giới đang nỗ lực thay đổi trật tự kinh tế toàn cầu với nỗ lực xây dựng các mạng lưới nhỏ, bao gồm cả các thể chế quyền lực mềm vốn do phương Tây quản lý. Trong đó bao gồm việc thành lập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB), gia tăng các thỏa thuận thanh toán song phương và xây dựng cơ sở hạ tầng giữa quốc gia này với khu vực Tây Á, châu Âu và châu Phi.
Trong khi đó, một số quốc gia lâu nay đóng góp mạnh mẽ vào hình thành trật tự thế giới lại có xu hướng tách ra, tìm hướng đi độc lập về chính sách tài chính. Xu hướng này được phản ánh rõ trong những thách thức gần đây như tái đàm phán Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) cũng như sự rút lui của Hoa Kỳ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), hay Anh từ bỏ tư cách thành viên Liên minh châu Âu (EU).
Tất cả biểu hiện này cho thấy, tương lai kinh tế toàn cầu dường như đang bị che phủ, gây căng thẳng cho thương mại và tăng nguy cơ phân mảnh kinh tế. Nếu xu hướng này duy trì, cấu trúc tài chính và kinh tế toàn cầu ngày càng thiếu ổn định, khiến các mối đe dọa chính trị và an ninh như vấn đề Triều Tiên trở nên phức tạp và thị trường dễ dàng biến động hơn. Theo thời gian, những rủi ro liên quan có thể gây tác động tiêu cực nghiêm trọng lên địa chính trị và an ninh quốc gia.
Do vậy, cuộc họp của IMF và WB trong tháng này được hy vọng sẽ đề ra được những giải pháp để ngăn nền kinh tế toàn cầu rơi vào nguy cơ "mất trật tự". Dù ít hay nhiều, đây thực sự là cơ hội để các định chế kinh tế này gieo hạt giống cho nền kinh tế toàn cầu vững chắc hơn.