Kỳ vọng vượt qua đại dịch, đổi mới, phát triển

(ĐTTCO)-Năm 2021 đã khép lại. Dịch Covid-19 đang dần được kiểm soát, kinh tế cả nước nói chung và TPHCM nói riêng dần hồi phục. Bước sang năm mới 2022, đã có nhiều tín hiệu tích cực như thu hút đầu tư nước ngoài tăng, nhiều dự án, công trình trọng điểm quốc gia sắp về đích. Nhân dịp chào đón năm mới 2022, Báo SGGP ghi nhận ý kiến của nhiều giới, kỳ vọng đất nước sẽ qua đại dịch, đổi mới, phát triển.
Một góc TPHCM hôm nay. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Một góc TPHCM hôm nay. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

PGS-TS VŨ HẢI QUÂN, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM:  

Chất lượng giáo dục đại học sẽ có nhiều bứt phá

Năm 2021, dù gặp nhiều khó khăn, trở ngại nhưng cả hệ thống giáo dục đại học (GDĐH) đã chủ động ứng phó với dịch bệnh, nỗ lực hoàn thành cơ bản những nhiệm vụ trọng tâm theo kế hoạch đã đề ra, nổi bật là nâng cao năng lực quản trị, chất lượng đào tạo, tinh thần đoàn kết, đồng lòng, quyết tâm chống dịch.

Minh chứng rõ nhất là GDĐH có thêm nhiều cơ sở xuất hiện trên các bảng xếp hạng danh giá của thế giới; nhiều giảng viên, nhà khoa học và cả sinh viên được vinh danh, đoạt giải thưởng cao nhất ở các cuộc thi quốc tế. Cùng với đó, năng lực nghiên cứu, công bố khoa học cũng được duy trì trong bối cảnh rất khó khăn do dịch Covid-19… 

Tôi tin rằng sang năm mới, điều đầu tiên là sinh viên toàn quốc sẽ trở lại trường học tập trung bình thường như trước khi dịch bệnh bùng phát. Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất của GDĐH hiện nay là phải tạo cơ chế đầy đủ và đồng bộ để các trường không e dè khi thực hiện tự chủ.

Năm 2022 sẽ là năm có nhiều trường thực hiện đổi mới cơ chế hoạt động theo cơ chế tự chủ, nâng cao hiệu quả quản trị và hội nhập với nền GDĐH tiên tiến trên thế giới theo tinh thần của Luật Giáo dục đại học và Nghị định 99 của Chính phủ về hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục đại học.

Một khi khơi thông được những điểm nghẽn cho vấn đề tự chủ đại học, chắc chắn sẽ có nhiều cơ sở GDĐH tạo được sự bứt phá trong chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học đỉnh cao, và nhất là sẽ đi vào những vấn đề mang tính thời sự như: tập trung vào những ngành công nghệ mũi nhọn và chiến lược của quốc gia, các giải pháp về vấn đề đô thị, môi trường, biến đổi khí hậu…

Song song đó là triển khai các chương trình, đề án nghiên cứu trọng điểm cấp quốc gia, các chương trình hợp tác giữa các trường với các địa phương. 

Ông HUỲNH KIM TƯỚC, CEO Saigon Innovation Hub: 

Tạo nguồn hàng phong phú cho thị trường tài chính của thành phố

Năm 2021 vừa qua, mặc dù chịu nhiều tác động của đại dịch Covid-19, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST) TPHCM vẫn tiếp tục tăng trưởng và được các chuyên gia trong, ngoài nước đánh giá cao.

TPHCM đã lọt vào tốp 100 các hệ sinh thái KNĐMST mới nổi trên thế giới. Cũng từ đó, sự quan tâm của các nhà đầu tư thế giới đến hoạt động KNĐMST của TPHCM tăng lên rất nhiều.

Với số lượng startups chiếm khoảng 50% số lượng startups và khoảng 70% lượng gọi vốn của cả nước, thị trường này đã thu hút lượng đầu tư từ các nhà đầu tư và quỹ vào các dự án KNĐMST lên đến gần 1 tỷ đô la mỗi năm. Đó cũng là lý do có đến gần cả trăm tổ chức tài chính chuyên đầu tư vào KNĐMST có mặt trên địa bàn TPHCM đến nay. 

Với lượng dự án đầu tư như vậy, lĩnh vực KNĐMST đã góp phần làm cho thị trường tài chính của TPHCM thêm sôi động và đa dạng về mặt hàng hóa.

Tuy nhiên, nhìn ở một góc độ nào đó thì tiềm năng để phát huy thị trường tài chính KNĐMST cũng đặt ra nhiều vấn đề. Trong đó, chúng ta cần hoàn thiện, thúc đẩy để tạo ra sự đóng góp của thị trường này vào kinh tế, xã hội của thành phố tốt hơn.

Ông NGUYỄN BÁ DUY PHƯƠNG, Hội Chữ thập đỏ TPHCM:

Cầu mong mọi người luôn bình an

Chúng ta đã trải qua những tháng ngày gian nan, vất vả trong đại dịch. Công ăn, việc làm, học hành đều đình trệ. Thành phố đang trong trạng thái “bình thường mới”, nhưng vẫn còn nhiều người chưa thể quay trở lại thành phố để làm việc, học hành. Người ở lại thành phố cũng chưa tìm được việc làm ổn định.

Ngày tết - thời điểm sum vầy - đang cận kề, nhưng không ít người không thể về quê sum họp gia đình. Dịch bệnh vẫn còn tiếp diễn và không ai có thể dự đoán khi nào chấm dứt, nhưng với “chiến dịch” tiêm vaccine bổ sung, nhắc lại và giải pháp phòng dịch hiệu quả như hiện nay, chúng tôi vững tin tình hình sẽ tốt lên mỗi ngày. 

Từ đáy lòng mình, chúng tôi xin cảm ơn chính quyền thành phố; các y, bác sĩ, tình nguyện viên - những người ở tuyến đầu chống dịch - đã không quản ngại gian khổ hỗ trợ người dân về mọi mặt trong cuộc sống. Nếu không có những con người như vậy, chúng tôi không hình dung được thành phố sẽ ra sao.

Chính vì vậy, chúng tôi cầu mong mọi người luôn bình an, đất nước yên bình; mọi miền không bị thiên tai, dịch họa; người người mạnh khỏe, yên vui; công việc, học hành ổn định. Có lẽ người dân Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng đều luôn mong mỏi như vậy.

NGÔ TƯỜNG VY, Phó Giám đốc Công ty TNHH Xuất khẩu trái cây Chánh Thu: 

Xây dựng tiêu chuẩn nông sản đáp ứng đa dạng thị trường

Trong những năm qua, nông sản Việt Nam bắt đầu được nhiều quốc gia biết đến nhờ các chương trình kết nối của Bộ Công thương. Nhằm phát triển ổn định, các doanh nghiệp cần lựa chọn sản phẩm phù hợp với thị hiếu thị trường; chủ động nắm bắt thời cơ, đầu tư nhà máy sản xuất sản phẩm chế biến để nâng cao chất lượng, giá trị, hướng tới xuất khẩu sang các thị trường “khó tính” như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản…

Để xây dựng được tiêu chí này, không chỉ riêng bộ, ngành hay doanh nghiệp mà cần phải hình thành chuỗi liên kết, cùng chung tay xây dựng. Kỳ vọng năm mới, ngành nông nghiệp Việt Nam có định hướng rõ ràng về phát triển thương hiệu và phân công trách nhiệm của các chủ thể tham gia.

Bên cạnh đó, nông nghiệp Việt Nam phải nhìn lại chính mình, nhận thấy khuyết điểm để tìm hướng đi mới, phát triển bền vững hơn. 

Về lâu dài, nông sản Việt Nam cần có một tiêu chuẩn riêng để xây dựng thương hiệu “made in Việt Nam”, khắt khe về chất lượng, lúc đó không chỉ sẽ được sự tín nhiệm trong nước mà còn được ưa chuộng từ người tiêu dùng trên thế giới.

Đạo diễn, NSƯT NGUYỄN PHƯƠNG ĐIỀN: 

Mong phim truyền hình được đầu tư tương xứng

Tôi không đặt quá nhiều kỳ vọng vào năm 2022, nhưng có niềm tin thị trường sẽ có những chuyển biến tích cực hơn do chúng ta đã có nhiều kinh nghiệm xương máu. Đặc biệt, hầu hết các đơn vị sản xuất đã hiểu và xác định tinh thần sống chung với dịch, luôn ý thức tuân thủ 5K cũng như có kế hoạch sản xuất hợp lý hơn. 

Tín hiệu đáng mừng nhất là trong khó khăn, phim truyền hình đã được khán giả đón nhận tốt, xóa tan bầu không khí ảm đạm của vài năm về trước. Bản thân mỗi nhà làm phim cũng rất ý thức nâng cao chất lượng nội dung, xây dựng các câu chuyện thuần Việt để phục vụ người xem.  

Để đáp ứng tốt hơn nhu cầu khán giả cũng như duy trì vị thế hiện tại của phim truyền hình, tôi mong muốn các đài truyền hình sẽ suy nghĩ, cân nhắc để có đầu tư đúng mực, không làm chất lượng phim giảm sút. Hiện tại, mức giá sản xuất trung bình của phim truyền hình vẫn không đổi sau gần 20 năm và không có khác biệt giữa các thể loại.

Trong khi đó, các sản phẩm như web drama, phim trên các nền tảng trực tuyến… đang được đầu tư rất lớn, không thua kém phim chiếu rạp. Nhìn nhận đúng đắn về thực tế và có đầu tư tương xứng mới khiến khán giả không quay lưng với phim truyền hình.

Ông NGUYỄN NGỌC LUẬN, kiều bào Australia: 

Trông chờ chính sách với doanh nghiệp kiều bào

Năm 2022, tôi mong dịch bệnh sớm được khống chế. Hiện nay, chúng ta đã xác định sống chung với dịch nên Chính phủ, TPHCM cần có các giải pháp kiểm soát tốt dịch bệnh để giúp cộng đồng doanh nghiệp sớm hoạt động trở lại bình thường, phục hồi sản xuất.

Theo tôi, các giải pháp về kiểm soát dịch bệnh hiện nay của TPHCM rất tốt và các doanh nghiệp mạnh dạn quay trở lại phục hồi sản xuất kinh doanh. Trong năm 2022, TPHCM tiếp tục có những giải pháp kiểm soát dịch bệnh tốt như hiện nay và chấp nhận “sống chung với dịch” thì tình hình kinh tế của thành phố sẽ phục hồi nhanh.

Hiện nay, bản thân các doanh nghiệp đã mạnh dạn tìm đầu ra, tiếp cận các nhà sản xuất ở nước ngoài để đưa các mặt hàng trở lại quỹ đạo kinh doanh như trước đây. Với đà này, TPHCM sẽ tiếp tục duy trì, giữ vững vị thế đầu tàu kinh tế của cả nước.

Tôi cũng mong muốn TPHCM có chính sách khuyến khích doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp kiều bào có những đóng góp cho xuất khẩu, cũng như trở về đầu tư cho thành phố.

Cụ thể, TPHCM cần có chính sách ưu đãi riêng, cũng như giúp các doanh nghiệp kiều bào tiếp cận các gói hỗ trợ về vốn để giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển. Bên cạnh đó là các chính sách hỗ trợ về thuế, tiếp cận tài chính giúp các doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh sau ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Các tin khác