Lãi vay kèm phí lên gần 500%/năm
Chị T.Hà, một tiểu thương nhỏ tại Q.Tân Phú (TP.HCM), cho hay sau mấy tháng nghỉ để phòng chống dịch Covid-19 thì số vốn đã cạn kiệt. Để có đủ tiền lấy hàng buôn bán trở lại, chị đành hỏi vay đỡ 50 triệu đồng của một số người thì đều được cho hay mức lãi lên “4 đồng” (tức khoảng 4%/tháng) và phải vay tối thiểu 1 tháng.
Có chỗ cho vay mềm hơn, “3 đồng” (3%/tháng) nhưng phải có người quen bảo lãnh. Cuối cùng chị đành phải vay lãi 4%/tháng để lấy hàng buôn bán lại và cố gắng trả góp càng nhanh càng tốt.
“Mức lãi “3 - 4 đồng” là đã có từ trước đến nay rồi. Mà giờ nhiều người cũng lo sợ người đi vay không có tiền trả nên chỉ quen biết hay đã có uy tín trước đó thì mới cho vay. Còn nếu tín dụng đen thật sự thì lãi phải lên gấp đôi. Cái này gọi là vay nóng, chỉ vay khi quá cần và trả nhanh chứ không thì phá sản vì lãi cao”, chị T.Hà nói.
Còn chị Thu Hiền (ngụ tỉnh Quảng Ninh) đang đứng ngồi không yên vì không đủ tiền trả khoản vay bên ngoài (vay ngoài ngân hàng - NV). Hồi giữa năm, chị Hiền cần 1 tỉ đồng, nhưng không có tài sản thế chấp ngân hàng nên vay nóng mỗi tháng trả góp tiền lãi 30 triệu đồng (3%/tháng). Nhưng công việc làm ăn không có lãi mà còn thâm hụt cả tiền vay, chị Hiền đang phải xoay xở đủ cách để trả.
“Lãi vay 3%/tháng từ trước đến nay vẫn vậy, nhưng do tình hình khó khăn nên tôi gánh không nổi”, chị Hiền nói.
Thực tế, hầu hết tổ chức, cá nhân quảng bá cho vay siêu tốc, giải ngân nhanh trên mạng, qua tài khoản xã hội... cho biết lãi suất (LS) chỉ từ 18 - 20%/năm. Tuy nhiên, ngoài mức LS nêu trên thì các dịch vụ này sẽ tính thêm các loại phí khác.
Chẳng hạn, trên website robocash.vn quảng bá số tiền cho vay từ 3,5 - 10 triệu đồng và LS tối đa là 18,3%/năm. Nhưng nếu khách hàng vay 6 triệu đồng trong thời gian 180 ngày (6 tháng) thì sẽ đóng các loại phí gồm: phí tư vấn 600.000 đồng, phí dịch vụ 1,36 triệu đồng, tiền lãi 540.000 đồng (tương ứng 18,3%/năm).
Như vậy, tổng số tiền người vay phải thanh toán là 8,5 triệu đồng sau 6 tháng. Tính ra khách hàng phải trả phí và lãi lên gần 42%/6 tháng (tương đương 84%/năm).
Tương tự, trên trang web atm-online.vn thông tin áp dụng LS tối đa là 12%/năm cho mọi khoản vay. Nhưng trong ví dụ đưa hẳn lên trang nhất thì ghi rõ, nếu khoản vay là 3 triệu đồng trong 92 ngày (khoảng 3 tháng), thì khách hàng sẽ trả phí tư vấn 585.000 đồng, phí dịch vụ 819.000 đồng, LS là 60.199 đồng.
Tổng số tiền thanh toán là 4.464.199 đồng. Như vậy tính phí và LS, khách hàng sẽ phải trả sau 3 tháng vay nói trên là 48,8%, tương đương hơn 195%/năm.
Còn trên dịch vụ cho vay DoctorĐồng giới thiệu cho vay lần đầu tiên không tính lãi, nhưng lần thứ 2 trở đi tính lãi, phí rất khó hiểu. Theo ví dụ mà đơn vị này đưa ra, người vay 2 triệu đồng và trả toàn bộ sau 90 ngày (3 tháng) thì LS và phí là 800.000 đồng/tháng. Tổng số tiền phải trả là 4,4 triệu đồng.
Như vậy, số tiền lãi, phí trên vốn vay tương đương 120% trong vòng 3 tháng, tương đương lên đến 480%/năm. Đó là chưa kể hầu hết dịch vụ cho vay kể trên đều sẽ áp dụng thêm mức phí phạt trả chậm tùy theo khoản vay, thời gian chậm...
Thậm chí, một hình thức cho vay biến tướng nặng lãi khác, gần đây bị cơ quan công an khởi tố, là thế chấp hình ảnh khỏa thân có LS lên 730%/năm.
Nhu cầu vay tiêu dùng, vay ngắn hạn để chi tiêu lúc cần thiết mà không cần phải thế chấp tài sản, chứng minh thu nhập... đã gia tăng sau đại dịch Covid-19.
Tại hệ thống cầm đồ F88, LS cầm cố từ 1,1%/tháng, nhưng tính thêm các khoản phí khác thì tổng chi phí vay tính theo dư nợ giảm dần với kỳ hạn 12 tháng bình quân (gồm cả LS) từ 3,2 - 5,2%/tháng. Đại diện F88 cho biết sau thời gian giãn cách, thu nhập người lao động sụt giảm nên việc vay mượn gia tăng.
Còn theo báo cáo của Công ty tích hợp dữ liệu tài chính FiinGroup, có khoảng 28,5 triệu người không tiếp cận được vốn vay ngân hàng, dù thu nhập từ 300 - 800 USD/tháng (khoảng 7 - 19 triệu đồng) như nhân viên văn phòng, vừa là khách hàng của các công ty tài chính tiêu dùng vừa là khách của các tiệm cầm đồ.
FiinGroup ước tính hiện hệ thống ngân hàng cho vay tiêu dùng với LS từ 7 - 10%/năm; Công ty tài chính tiêu dùng có LS cho vay từ 30 - 40%/năm và các chuỗi cầm đồ có LS trên 50%/năm.
TS Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn thị trường tài chính - Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho rằng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nhu cầu vay tiêu dùng của người dân tăng, đặc biệt là người lao động mất việc làm, mất nguồn thu nhập, do đó tìm kiếm nguồn vay từ các app (ứng dụng), vay qua mạng mà không cần chứng minh thu nhập.
Nhiều app cho vay biến tướng, là tổ chức cho vay nặng lãi mà đứng phía sau là người đến từ nhiều quốc gia như Trung Quốc, Đông Âu. Các app phát triển từ trước và sau đợt dịch lần thứ 4 thì như “nấm sau mưa”. Khi nhu cầu tăng thì LS cho vay càng có xu hướng tăng.
Theo tìm hiểu của vị tiến sĩ này, có nơi cho vay LS và phí lên 8 - 9%/tháng, có nơi lên 30 - 40%/tháng. Do luật quy định khống chế trần LS, nên thường người cho vay lách qua các loại phí khác. Đây là mức lãi quá cao nên người vay dễ gặp tình trạng trả hoài cũng không hết nợ. Đi kèm việc cho vay nặng lãi sẽ là tình trạng đòi nợ theo kiểu “khủng bố” gây mất trật tự, an toàn xã hội.
Hiện nay, cơ quan quản lý nhà nước đang có dự thảo quản lý, giám sát hoạt động của các app, tiệm cầm đồ (cho vay nặng lãi biến tướng), ví điện tử có tính chất cho vay. TS Huân cho rằng quy định này là cần thiết để tránh việc cho vay nặng lãi. Tuy nhiên cũng nên có quy định về phí cho vay để tránh việc lách sang tính phí cao gấp nhiều lần so với LS.
Người dân có nhu cầu vay vốn nên tìm đến ngân hàng nếu có tài sản thế chấp và chứng minh được thu nhập, còn không thì có thể hỏi vay ở công ty tài chính hoặc những công ty cầm đồ uy tín.
Tại Hội thảo “Cảnh báo bẫy tín dụng đen, đẩy mạnh kênh tín dụng chính thức” do Ngân hàng Nhà nước phối hợp cùng Báo Lao Động tổ chức ngày 12.11, Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) cho biết qua thống kê hiện toàn quốc có 26.942 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ. Qua công tác nghiệp vụ, công an các địa phương đã rà soát, phát hiện có 6.664 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ; 540 cơ sở kinh doanh tài chính; 3.667 cá nhân có biểu hiện hoạt động cho vay LS cao. Một số doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ cầm đồ thành lập nhiều cơ sở, cửa hàng tại nhiều địa phương, vừa hoạt động cho vay cầm cố tài sản tại cửa hàng, vừa hoạt động trên không gian mạng nhưng thu thêm nhiều khoản phí, quy định tiền phạt lớn nhằm lách quy định pháp luật về LS, có dấu hiệu cho vay lãi nặng.