Tăng lãi huy động bồi đắp thanh khoản
Lãi suất huy động đang trở thành câu chuyện nóng trong hơn 1 năm qua. Năm 2020, đặc biệt nửa đầu năm 2021, xu hướng chủ đạo của lãi suất huy động là giảm, kéo theo dòng tiền dịch chuyển từ kênh gửi NH sang chứng khoán.
Trong thời gian đó, các NH cũng không đặt nặng chuyện này, không có dấu hiệu cạnh tranh để giữ lại nguồn vốn. Bởi lẽ cho vay ra thấp, huy động lãi suất cao hút nhiều tiền chỉ tăng thêm gánh nặng về chi phí. Nhưng từ quý IV-2021 đã xuất hiện tình huống đảo chiều, lãi suất đầu vào được đẩy lên từng tháng, hình thức hút tiền cũng đa dạng.
Như ĐTTC đã ghi nhận, có thời điểm khách hàng gửi tiết kiệm tại VPBank trên kênh NH số VPBank NEO được hưởng lãi suất lên tới 12,4%/năm, áp dụng cho tháng gửi tiền đầu tiên. Còn với lãi suất tiết kiệm thường tại quầy, từ tháng 2-2022 VPBank cũng điều chỉnh tăng thêm khoảng 0,7% so với tháng liền trước.
Theo đó, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 6-9 tháng đã nhảy từ 4,5-5,1%/năm lên 4,8-5,8%/năm. Tương tự, kỳ hạn từ 12 tháng trở lên từ 4,8-5,4%/năm lên mức 5,6-6,1%/năm.
VPBank không phải là ngoại lệ tăng lãi suất huy động. Ngoại trừ các NHTM có vốn nhà nước, hầu như các NH đều gia nhập cuộc đua tăng lãi suất này. Từ ngày 7-2, lãi suất huy động của Techcombank được điều chỉnh tăng thêm 0,4-0,5%/năm với nhiều kỳ hạn. Cũng trong tháng 2, SCB, BacABank, DongABank, Sacombank tăng lãi tiền gửi thêm 0,2%, Saigonbank tăng 0,1%...
Tính trên mặt bằng chung, lãi suất cao nhất thuộc về NamABank với mức 7,4%/năm cho hình thức gửi tiết kiệm trực tuyến kỳ hạn từ 16 tháng trở lên. NH này cũng đang đứng đầu về lãi suất cao nhất ở các kỳ hạn 12-15 tháng với mức 7,2%/năm.
Trong thời gian này, các nhà băng có vẻ rất chú trọng hút tiền nhanh, nhiều và gửi dài. Tại nhiều NH, mức lãi suất cao nhất được áp dụng cho hình thức gửi từ 12 tháng và số tiền gửi hàng trăm tỷ đồng. Như Techcombank, gửi tiết kiệm tại kỳ hạn 12 tháng với khoản tiền từ 999 tỷ đồng trở lên sẽ được hưởng mức lãi suất đến 7,1%/năm.
Tương tự, người gửi tiền sẽ nhận được lãi suất 7%/năm nếu gửi từ 200 tỷ đồng kỳ hạn 12 tháng và 13 tháng tại MSB, hoặc phải sở hữu khoản tiền gửi từ 200 tỷ đồng trở lên tại kỳ hạn 12 tháng và 13 tháng. LienVietPostBank trả lãi suất tiết kiệm 6,99%/năm cho khách hàng gửi có kỳ hạn 13 tháng với từ 300 tỷ đồng trở lên. MB áp dụng lãi suất cao nhất 6,9%/năm với các điều kiện kỳ hạn 24 tháng, tiền gửi từ 200 đến dưới 300 tỷ đồng.
Về tổng thể, một số thống kê cho rằng so với cuối năm 2020, lãi suất trung bình 6 tháng và 12 tháng tới cuối năm 2021 đã giảm lần lượt 0,27% và 0,28%. Nhưng đà giảm chủ yếu tập trung các tháng đầu năm.
Từ quý IV-2021 đến nay, lãi suất nhích lên sau khi hàng loạt NH được nâng hạn mức tín dụng trong giai đoạn cuối năm để hỗ trợ doanh nghiệp. Bước sang năm 2022, mục tiêu tăng trưởng tín dụng do NHNN đặt lên đến 14%, tức NH cần rất nhiều vốn để bơm ra cho vay nên phải tăng lãi suất huy động.
Có thể nói, các NH đang tìm mọi cách để “lấy lại” nguồn tiền đã chảy qua kênh khác, cũng như hút thêm tiền nhàn rỗi. Theo đó, lãi suất huy động trung bình của 2 kỳ hạn 6 và 12 tháng bắt đầu tăng nhẹ từ tháng 11-2021 đến cuối tháng 12 lần lượt lên mức 4,76%/năm và 5,55%/năm.
Trung bình lãi suất huy động kỳ hạn 6 và 12 tháng tiếp tục tăng thêm tăng 0,03% và 0,002% trong tháng đầu năm 2022, lần lượt lên mức 4,79%/năm và 5,552%/năm vào cuối tháng 1.
Tăng mức nào mới hút được vốn?
Hiện các NH đang kẹt trong thế để giành lại vốn từ các kênh chứng khoán, bất động sản, họ buộc phải tăng lãi suất huy động, trong khi Chính phủ yêu cầu phải giảm lãi vay. |
Việc TCTD tiếp cận nguồn vốn trên khi cùng thời điểm, lãi suất liên NH cùng kỳ hạn chỉ ở mức 1,9%/năm, cho thấy cầu vốn của một số nhà băng khá căng thẳng.
Không dừng lại ở đó, vào tuần đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ Tết Nguyên đán 2022, NHNN đã bơm thêm 14.390 tỷ đồng, kỳ hạn 14 ngày thông qua kênh OMO. Dù vậy, lãi suất trên thị trường liên NH vẫn không hạ nhiệt mà tăng mạnh, đồng loạt vượt lên trên mốc 2-3%/năm.
Theo đó, lãi suất liên NH kỳ hạn qua đêm đã đạt mức cao nhất trong gần 2 năm trở lại đây. Cụ thể, từ ngày 27-1 đến 9-2, lãi suất liên NH các kỳ hạn qua đêm và 1 tuần tăng 0,9% và 1,19%, lên 3,32% và 3,39%/năm.
Năm 2021, tín dụng tăng trưởng 13,53%. Năm nay, với chương trình hỗ trợ kinh tế hồi phục sau đại dịch, đặc biệt là gói cấp bù lãi suất trị giá 40.000 tỷ đồng cho 2 năm 2022-2023, xem ra tăng trưởng tín dụng 2022 có thể lên tới 15%.
Để đáp ứng đầu ra phải có đầu vào, trong bối cảnh thanh khoản căng thẳng, sắp tới NHNN chắc chắn sẽ tiếp tục hỗ trợ thị trường 2. Nhưng với các NHTM, thị trường 1 vẫn là mục tiêu chính. Theo đó, để thanh khoản dồi dào và bền vững, các NH phải kéo vốn từ dân cư trở lại, bằng cách tạo độ nóng trên mặt bằng lãi suất huy động.
Song như đã nhắc đến ở trên, tại thời điểm này có nhiều rào cản. Kênh chứng khoán và bất động sản vẫn đang là 2 thị trường được nhận định sinh lời cao hơn gửi tiết kiệm. Có nghĩa, muốn giành lại vốn, các nhà băng buộc phải đẩy lãi suất lên cao hơn, cụ thể trở về mặt bằng lãi suất trước khi xuất hiện dịch Covid-19 mới có khả năng bồi đắp đủ nhu cầu thanh khoản. Nhưng liệu các NH có đủ mạnh dạn để làm điều này, khi nhiệm vụ giảm lãi vay vẫn được Chính phủ đặt nặng trên vai NH?