Giảm lãi cho vay
Đầu tháng 2-2023, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tăng thanh khoản cho hệ thống ngân hàng. Ngay sau Tết Nguyên đán 2023, NHNN đã “bơm” cho các ngân hàng hơn 31.700 tỷ đồng và không thực hiện bất kỳ giao dịch bán tín phiếu nào để hút tiền về. Điều này đã giúp thanh khoản thị trường bớt căng thẳng. Bên cạnh đó, mới đây nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) đã đưa ra các gói lãi suất cho vay ưu đãi để hỗ trợ khách hàng.
Cụ thể, từ ngày 12-2, Ngân hàng Quân đội áp dụng giảm 1% lãi suất vay dành cho khách hàng doanh nghiệp có doanh thu dưới 100 tỷ đồng. Từ đầu tháng 2-2023, Ngân hàng Bản Việt cũng triển khai chương trình 1.000 tỷ đồng cho vay cá nhân và doanh nghiệp, với lãi suất 10,5%/năm trong 3 tháng kể từ ngày giải ngân.
SeABank đang áp dụng gói 3.000 tỷ đồng ưu đãi giảm lãi suất cho vay tối đa 1%/năm nhằm hỗ trợ các cá nhân, hộ kinh doanh, cơ sở kinh doanh có nhu cầu vay vốn ngắn hạn (tối đa 12 tháng) trong các lĩnh vực chăn nuôi, nông, lâm, ngư nghiệp. OCB dành khoảng 25.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi lãi suất ngắn hạn từ 8%-12%/năm đối với doanh nghiệp…
Đặc biệt, sau khi đồng thuận hạ lãi suất huy động trong tuần trước, các NHTM có vốn Nhà nước (Vietinbank, Vietcombank, Agribank, BIDV) cho biết đã và đang có kế hoạch giảm lãi suất cho vay với doanh nghiệp. Cụ thể, Vietinbank vừa công bố triển khai gói 10.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi, áp dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa lần đầu vay vốn hoặc chưa giải ngân khoản vay trong vòng 6 tháng qua tại ngân hàng này.
Vietcombank công bố giảm lãi suất 0,5%/năm cho các khách hàng từ nay đến hết ngày 30-4-2023. Agribank dự kiến trong năm 2023 sẽ dành hơn 100.000 tỷ đồng để triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất đối với khách hàng doanh nghiệp, khách hàng xuất nhập khẩu, ngành y tế, ngành giáo dục; giảm lãi suất đối với các khách hàng thuộc lĩnh vực ngành nghề gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Trước đó, ngay từ đầu năm 2023, Vietcombank và BIDV cũng đã triển khai chương trình ưu đãi lãi suất cho vay ngắn hạn phục vụ sản xuất kinh doanh, với quy mô lên tới 100.000 tỷ đồng/ngân hàng…
Tháo gỡ vướng mắc cho gói hỗ trợ lãi suất 2%
Trong bối cảnh lãi suất cho vay vẫn cao, chính sách hỗ trợ lãi suất của Nhà nước được kỳ vọng sẽ là “chiếc phao” giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, việc triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách nhà nước, được quy định tại Nghị quyết 43/2022 của Quốc hội và Nghị định 31/2022 của Chính phủ, lại quá chậm.
Theo đó, nhiều doanh nghiệp ngành du lịch phản ánh, mặc dù ngành du lịch đang nỗ lực phục hồi mạnh mẽ nhưng theo kế hoạch cũng như trên thực tế, phải tới năm 2025 mới có thể trở lại như giai đoạn trước dịch Covid-19. Trong khi đó, muốn được hỗ trợ lãi suất 2%, ngay lúc này doanh nghiệp phải chứng minh sẽ phục hồi để đủ điều kiện vay. Đây là điều kiện khó, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn. Không chỉ ngành du lịch mà qua khảo sát và báo cáo của các NHTM, 87% khách hàng thuộc các ngành, lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất nhưng lại không đáp ứng điều kiện “có khả năng phục hồi”, dẫn tới việc doanh nghiệp khó tiếp cận gói vay này.
Không chỉ vậy, nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu cho biết có nhu cầu vay USD nhưng các ngân hàng chỉ hỗ trợ bằng VND… Nhiều hộ gia đình sản xuất, kinh doanh muốn vay vốn tại các ngân hàng nhưng không đăng ký hộ kinh doanh, vì vậy theo quy định không được hưởng hỗ trợ lãi suất. Trong khi đó, Nghị định 01/2021 của Chính phủ lại quy định miễn đăng ký kinh doanh đối với hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp.
Ngoài những vướng mắc nêu trên, kết quả khảo sát từ các NHTM cũng cho thấy, có khoảng 67% khách hàng thuộc các ngành, lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất và đáp ứng điều kiện được hỗ trợ lãi suất phản hồi không có nhu cầu vay vốn. Thậm chí, một số khách hàng đã nhận hỗ trợ lãi suất nhưng sau đó chủ động hoàn trả toàn bộ số tiền lãi được hỗ trợ vì tâm lý e ngại đối với các thủ tục hậu kiểm, thanh tra, kiểm toán…
Liên quan đến việc triển khai gói hỗ trợ nói trên, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM, cho biết, gói hỗ trợ lãi suất 2% đang gặp nhiều vướng mắc. “Việc tháo gỡ khó khăn này phụ thuộc vào khả năng đánh giá của từng NHTM. Gói này được triển khai cho 11 nhóm ngành khác nhau, và hiện nhiều tổ chức tín dụng đã triển khai được. Có điều, nguồn vốn hỗ trợ là từ ngân sách nên có sự e ngại từ phía doanh nghiệp.
Đã có một số NHTM chủ động mời doanh nghiệp lên để làm thủ tục hỗ trợ vay vốn, nhưng doanh nghiệp e ngại về hậu kiểm nên không mặn mà. NHNN chi nhánh TPHCM vẫn đang yêu cầu các ngân hàng thực thi theo hướng công bố đầy đủ quy trình, thủ tục triển khai; hướng dẫn khách hàng làm thủ tục để được hưởng gói hỗ trợ này. Trên thực tế, doanh số cho vay từ gói hỗ trợ đã đạt khoảng 35.600 tỷ đồng, tăng mạnh so với trước đó”, ông Nguyễn Đức Lệnh cho hay.
Ở góc nhìn khác, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đề nghị nghiên cứu phương án hỗ trợ riêng đối với các hộ kinh doanh nông, lâm, ngư nghiệp - đối tượng không phải đăng ký kinh doanh. Nhiều ý kiến của các chuyên gia cũng đề xuất sửa đổi quy định của gói hỗ trợ theo hướng mở rộng đối tượng thụ hưởng và phạm vi hỗ trợ.