Giảm từ 0,3-3% từ ngày 15-7
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, cho biết đại diện 16 ngân hàng (NH) đã đồng thuận sẽ giảm lãi suất sâu và đồng loạt, chứ không có chuyện giảm “trên ti vi, trên giấy”.
Các NH sẽ xem xét tình hình tài chính của mình và có mức giảm lãi suất cho vay bao nhiêu cho khách hàng đang có các khoản vay tại NH. Có nhà băng giảm 0,5%/năm nhưng cũng có đơn vị giảm 2 - 3%/năm. Mức giảm sẽ được các NH tính toán cụ thể và dành cho doanh nghiệp (DN) thật sự gặp khó khăn, chứ không phải giảm một cách “cào bằng”.
Các NH nhất trí thời hạn giảm sẽ từ 15-7 cho đến hết năm.
16 NH đồng thuận giảm lãi suất cho vay chiếm tỷ trọng 75% tổng dư nợ, với gần 6,9 triệu tỷ đồng. Với mức giảm lãi suất từ 0,5 - 2%/năm, con số được kỳ vọng sẽ giảm cho khách hàng lên khoảng 20.000 tỷ đồng.
1 ngày sau cuộc họp, chiều 13-7, một số NH cho biết vẫn chưa có thông tin chính xác về mức giảm lãi suất cho vay cũ. Theo NH Nhà nước chi nhánh TPHCM, so với cuối năm 2020, lãi suất cho vay của các NH hiện giảm 0,15 - 0,35%/năm. Lãi suất cho vay tiền đồng đối với sản xuất kinh doanh thông thường bình quân từ 7 - 8%/năm ngắn hạn và 9 - 9,6%/năm đối với trung dài hạn. Cho vay tiền đồng ngắn hạn đối với 5 lĩnh vực ưu tiên có lãi suất không quá 4,5%/năm. Lãi suất cho vay đầu tư, kinh doanh bất động sản cao nhất ở mức 11%/năm.
Theo thống kê của FiinGroup, các NH báo lãi “khủng” nhờ biên lãi ròng (NIM) cải thiện, nguồn thu từ dịch vụ tăng và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm. 19/27 ngân hàng chiếm vốn hóa 60% của ngành công bố lợi nhuận trước thuế quý 1 tăng 86,7% so với cùng kỳ năm ngoái, dù tổng thu nhập hoạt động tăng thấp hơn rất nhiều (tăng 30,2%).
NIM cải thiện là yếu tố then chốt giúp 19 NH đạt được mức tăng trưởng lợi nhuận đột biến trong quý 1, tăng lên 4,3%, trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ 3,9%. NIM tăng cao do lãi suất huy động liên tục giảm mà lãi vay không giảm theo kịp.
Cần giảm mạnh hơn
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam, cho rằng những DN đã thật sự rơi vào khó khăn như khách sạn, du lịch hay những DN sản xuất kinh doanh đình đốn thì mức giảm như trên chưa thật sự nhiều. DN đã mất dòng tiền trả nợ do bị ảnh hưởng dịch thì NH cũng nên giảm lãi suất mạnh hơn, khoảng 2 - 4%/năm.
Theo ông Lê Đạt Chí đề xuất, Bộ Tài chính có thể phát hành lượng trái phiếu huy động vốn lên hàng chục ngàn tỷ đồng rồi cấp cho các NH, như NH Chính sách xã hội hay NH đầu tư phát triển thực hiện gói tín dụng hỗ trợ lãi suất DN.
Gói tín dụng hỗ trợ lãi suất được triển khai đồng bộ với sự đồng bộ giảm lãi suất của các NH sẽ mang lại hiệu quả cao hơn
Chẳng hạn, DN đang vay lãi suất 10%/năm hiện nay mà được giảm xuống 6%/năm thì mức hỗ trợ mới đáng, chứ chỉ giảm xuống 0,5%/năm thì không ăn thua.
“Những DN khó khăn thì NH mạnh dạn giảm lãi suất cho vay để họ phục hồi, NH cũng tránh được các khoản nợ xấu”. Ông Hải nói và cho rằng DN cũng nên tính toán, nếu không cầm cự nổi thì bán dự án, tài sản thế chấp, tăng vốn điều lệ... để giải quyết nợ chứ không thể chờ sự hỗ trợ từ phía NH mãi được. Bởi NH công bố lợi nhuận “khủng” thời gian qua là chưa tính toán một cách đầy đủ.
“Quy định hiện nay cho phép các NH chưa thực hiện trích hết dự phòng rủi ro hoặc trích ở mức rất thấp trong trường hợp nhà băng cơ cấu nợ cho khách hàng. Một số khoản lợi nhuận 10 đồng nhưng trích lập dự phòng đầy đủ có khi chỉ còn 2 đồng. Trường hợp khoản nợ này mất khả năng thu hồi thì lợi nhuận cũng không còn. Thế nên, chỉ khi các NH trích đầy đủ dự phòng rủi ro thì mới biết được lãi thật sự là bao nhiêu”, ông Hải phân tích.
Ông Nguyễn Trí Hiếu, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ vốn DN nhỏ và vừa, thì cho rằng mức giảm 2% là rất mạnh, rất lớn nhưng quan trọng là có được bao nhiêu NH làm được chuyện này. Để nhận được mức lãi suất giảm, NH có yêu cầu các tiêu chí khắt khe, chỉ tiêu này nọ hay không? Thường NH chỉ cho DN tốt vay. Điều này cũng đúng trong bối cảnh kinh tế khó khăn dẫn đến NH sợ nợ xấu tăng lên nên thận trọng hơn trong việc cho vay, không dám “thả gà ra đuổi”.
TS Lê Đạt Chí, Phó trưởng Khoa tài chính Trường đại học Kinh tế TPHCM, lại bày tỏ sự hoài nghi về mức giảm lãi suất lần này của NH có thật sự đủ mạnh để hỗ trợ DN.
Đối với những DN “sống sót” đến ngày nay có vay nợ NH, họ cũng đã thực hiện biện pháp “kỹ thuật” trả nợ cũ vay mới, với lãi suất thấp hơn rồi. Thế nhưng ông Chí cũng cho rằng NH “có giảm còn hơn không” vì các DN đang gặp khó khăn do dịch Covid-19 gây ra, nên sự hỗ trợ nào cũng là cần thiết.
“Việc Hiệp hội Ngân hàng kêu gọi các NH tham gia đồng thuận là điều đáng hoan nghênh, nhưng dịch Covid-19 vẫn còn kéo dài, chưa biết 1 hay 2 năm nữa mới kết thúc, nên cần có những giải pháp cụ thể, lâu dài.
Việc giảm lãi suất không chỉ nhất thời trong đợt dịch lần thứ 4 mà nó có thể kéo dài hơn nên NH cần tính toán hỗ trợ DN quay vòng vốn nhanh, NH cũng tránh được nợ xấu”. Ông Chí nói và cho rằng việc giảm lãi suất qua các công cụ chính sách tiền tệ có vẻ như không còn hiệu quả, bởi lãi suất huy động khó có thể giảm sâu do lạm phát cao. Thế nên các cơ quan chức năng đã đến lúc phối hợp giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa để hỗ trợ DN thì mới đủ hiệu quả hỗ trợ họ.