PHÓNG VIÊN: - Ông có thể chia sẻ hành trình đến với những sản phẩm nông sản của Việt Nam?
Ông NGUYỄN LÂM VIÊN: - Tôi xuất thân từ một kỹ sư trong nông trường, được tận mắt thấy những bức xúc của người nông dân khi những sản phẩm cây trái của họ vào mùa vụ không tiêu thụ hết được, phải đổ bỏ. Những bức xúc ấy đã thôi thúc tôi tìm kiếm giải pháp mà bây giờ vẫn được gọi là chế biến sau thu hoạch.
Thời điểm đó vào khoảng năm 1986-1987, tôi có cơ hội được tiếp cận các giải pháp công nghệ thông qua khóa học với những người thầy tại Đài Loan. Những người thầy lúc ấy đã nói rất nhiều về việc tương lai con người sẽ phải quay về với nông nghiệp, với những gì tự nhiên nhất. Khi ấy chưa có khái niệm nông nghiệp hữu cơ, nhưng có một điều phải nằm lòng là không được sử dụng hóa chất trong chế biến.
Năm 1988 sau khi hoàn thành khóa học, tôi trở về và đã xuất cảng những lô sản phẩm đầu tiên theo hình thức bao tiêu sản phẩm cho một công ty của Đài Loan. Trong quá trình đó, tôi đã hình thành ý tưởng làm một thương hiệu của riêng mình, mang nông sản của Việt Nam đi ra nhiều nước trên thế giới.
Vào năm 1996, khi hợp đồng với công ty Đài Loan hết hiệu lực, cũng là lúc Vinamit được hình thành và vươn mình lớn tới hôm nay với rất nhiều các sản phẩm trái cây sấy. Tất nhiên sản phẩm của chúng tôi vẫn chủ yếu dành bán cho người nước ngoài, bởi người tiêu dùng Việt Nam vẫn chưa thực hiểu những sản phẩm này.
- Được biết Vinamit còn chủ động vùng trồng, đặc biệt từ 2012 ông cùng các cộng sự của mình còn cần mẫn canh tác hữu cơ trên diện tích 200ha. Vậy điều gì là khó nhất khi chọn con đường hữu cơ để đi?
- Trước hết phải khẳng định con đường chinh phục thế giới và vào được các siêu thị toàn cầu chính là làm sản phẩm hữu cơ. Đó là một xu hướng tất yếu và chúng tôi cũng không thể đi ngoài xu hướng này. Nhưng làm nông nghiệp hữu cơ thực sự không đơn giản. Trước hết người làm phải đảm bảo 4 nguyên tắc căn bản.
Thứ nhất là “Healthy”, phải làm sao hiểu triết lý lành mạnh là gì, nếu không hiểu, không ứng dụng nghiêm túc được.
Thứ hai là “Ecology”, phải có trách nhiệm xây dựng được hệ sinh thái và kiểm soát được hệ sinh học, để nâng hàm lượng sinh học trong canh tác lên cao, vì công nghệ sinh học là nền tảng của sự sống, cái gốc của nó là vi khuẩn.
Thứ ba là “Care”, phải có sự quan tâm, định kỳ đi khám sức khỏe cho cây trái và vật nuôi, giống như con người vậy. Nguyên tắc cuối cùng là “Fair”: Hiểu mối quan hệ hữu cơ, có sự công bằng với sự sống, từng con vi khuẩn, mối quan hệ với người canh tác, tiêu dùng… Nói thì đơn giản nhưng thực hành được là cả một quá trình nỗ lực và nếu không quyết tâm thì rất dễ bỏ cuộc giữa chừng.
- Cách mạng CN 4.0 đang được nói đến rất nhiều trong các lĩnh vực. Vậy với nông nghiệp CMCN 4.0 thể hiện như thế nào?
- Trong CMCN 4.0 có 3 mấu chốt quan trọng là trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học và vật lý học. Và 4.0 trong nông nghiệp chính là công nghệ sinh học - khoa học của sự sống. Việt Nam là xứ sở nông nghiệp, công nghệ sinh học rất quan trọng, giúp cho việc ứng dụng vào đời sống thực tiễn. Vinamit luôn hướng đến những giải pháp cho nông nghiệp, luôn đào sâu nghiên cứu tất cả công nghệ chế biến sau thu hoạch, công nghệ sấy đông khô và đặc biệt 5 năm gần đây Vinamit nghiên cứu rất kỹ về ứng dụng công nghệ sinh học.
Nói về công nghệ sấy đông khô, đây là công nghệ giúp giữ lại tất cả hàm lượng sinh học, thậm chí cả vitamin C cũng giữ lại được. Còn việc nghiên cứu công nghệ sinh học giúp đưa các men vi sinh có lợi vào trong thực phẩm dùng cho con người hàng ngày, giúp người sử dụng tăng khả năng miễn dịch, phòng chống bệnh tật. Tuy nhiên trong hành trình này chúng tôi vẫn còn khá đơn độc.
- Làm nông nghiệp theo cách của Vinamit không chỉ đầu tư công sức mà còn cần vốn lớn. Liệu đây có phải là một trong những rào cản khiến nhiều bạn trẻ chưa mặn mà khi khởi nghiệp trong nông nghiệp hay không, thưa ông?
- Mỗi năm tôi thường xem qua khoảng 400 dự án khởi nghiệp trong nông nghiệp, nhưng hơn 90% muốn đi vào con đường kinh doanh hơn là đầu tư cho sản xuất, cái gốc của nông nghiệp. Nếu cứ nghĩ làm nông nghiệp khó, đầu tư nhiều không hoàn toàn đúng.
Phải hiểu một nguyên tắc muốn làm lớn hãy bắt đầu từ những việc nhỏ, muốn đi xa hãy bắt đầu bằng những bước ngắn. Song hiện nay những bạn khởi nghiệp chọn con đường sản xuất thường là những bạn trẻ đi du học về, nghiên cứu chuyên sâu một vấn đề. Nhưng khi thành công cũng hay chọn con đường xuất khẩu, sau đó nếu có thể mới quay lại thị trường nội địa.
Có một điều nữa tôi muốn nhắn nhủ với những bạn trẻ khởi nghiệp trong nông nghiệp, chính là làm nông phải thực tâm, đừng xào nấu đánh lừa người tiêu dùng, như vậy con đường của bạn chắc chắn sẽ rất ngắn.
Thời điểm này người tiêu dùng hoài nghi rất nhiều thứ nên phải làm thật. Ngay cả marketing cũng phải marketing thật. Bản thân tôi cũng luôn tìm kiếm những bạn trẻ làm nông nghiệp thực tâm, để đồng hành cùng họ trong vai trò nhà đầu tư thiên thần.
- Ông luôn cởi mở khi ai đó hỏi về cách thức canh tác hữu cơ hay về công nghệ trong sản xuất, ông không ngại cạnh tranh sao?
- Để nông nghiệp Việt Nam phát triển theo hướng tự nhiên, một mình Vinamit làm không xuể. Tôi luôn mong việc canh tác hữu cơ sẽ có thêm nhiều người làm. Thử tưởng tượng ĐBSCL với phù sa của sông Mekong, nếu canh tác hữu cơ đất nước mình sẽ dư sản phẩm hữu cơ để dùng, có thể xuất sang khu vực ASEAN và đi ra nhiều nước trên thế giới.
Tôi vẫn mơ ước như vậy và nói với lãnh đạo các tỉnh khu vực Mekong ABCD. Nhưng có làm được hay không còn phải xem xét đến rào cản từ nhóm lợi ích. Xu hướng thay đổi từ nông pháp hóa học sang nông pháp sinh học là con đường đi đúng đắn, và Việt Nam nhất thiết phải đi trên con đường này.
- Xin cảm ơn ông.
Cái khó của người làm nông nghiệp hữu cơ chính là “giáo dục” người tiêu dùng. Bao nhiêu năm qua người tiêu dùng quen mua bằng mắt, bằng tai, thậm chí khẩu vị của người tiêu dùng cũng bị xâm hại bởi quá nhiều thứ hóa chất nên khi giới thiệu các sản phẩm hữu cơ, chỉ còn cách cho người tiêu dùng sử dụng thử, khi họ thấy khác, thắc mắc mình sẽ giải thích. |