Lạm phát cả năm vẫn ở mức dưới 4%?

(ĐTTCO) – Dự báo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Việt Nam bình quân năm 2022 so với năm 2021 sẽ tăng ở mức 3,3-3,9%. 
Đây là dự báo được đưa ra tại hội thảo “Diễn biến thị trường giá cả ở Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2022” do Học viện Tài chính phối hợp với Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) tổ chức tại Hà Nội sáng nay 5-7.
Giải thích về chỉ số dự báo lạm phát nói trên, theo PGS.TS. Nguyễn Bá Minh, Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, do trong 6 tháng cuối năm 2022 thị trường và giá cả ở Việt Nam xuất hiện những nhân tố kiềm chế tốc độ tăng CPI.
Lạm phát cả năm vẫn ở mức dưới 4%? ảnh 1 Dù nhiều tổ chức đưa ra các dự báo chỉ số lạm phát khá lạc quan, song theo một số chuyên gia kinh tế thì áp lực lạm phát trong những tháng cuối năm vẫn rất nặng nề.
Thứ nhất, trên thế giới, tình hình dịch bệnh (Covid-19, đậu mùa khỉ…) sẽ còn diễn biến phức tạp, tương lai cuộc chiến Nga - Ukraine rất khó đoán định, xung đột chính trị trên thế giới còn nhiều bất ổn, khó lường sẽ khiến cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu có dấu hiệu giảm tốc và làm cho giá cả nguyên, nhiên vật liệu trên thị trường thế giới khó giữ ở mức cao như 6 tháng đầu năm.
Thứ hai, ở trong nước, sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam thời gian qua phát triển khá tốt với nhiều tín hiệu khả quan. Điều này cho thấy cung - cầu nông sản (thịt lợn, lúa gạo, rau quả…) ở Việt Nam những tháng cuối năm 2022 sẽ không căng thẳng, giúp cho giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm không bị tăng đột biến…
Thứ ba, ở điều hành kinh tế vĩ mô, Việt Nam hiện vẫn chủ động, tích cực triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh, bình ổn giá cả thị trường, điều hành chính sách tiền tệ kiên định mục tiêu giữ ổn định vĩ mô và kiểm soát lạm phát đã đề ra.
Đây không phải là lần đầu tiên chỉ số lạm phát trong năm nay được dự báo ở mức "lạc quan" dưới 4%. 
Mới đây, trong Báo cáo tăng trưởng kinh tế và dự báo quý kế tiếp cho các thị trường (trong đó có Việt Nam) Ngân hàng UOB (Singapore) giữ nguyên dự báo tỷ lệ lạm phát kinh tế Việt Nam ở mức 3,7% trong năm nay.
Trước đó, cũng cuối tháng 6, Công ty Cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cũng giữ nguyên dự báo CPI bình quân cả năm 2022 sẽ tiếp tục duy trì ở mức 3,8%.
Tuy vậy, theo đánh giá của các chuyên gia, áp lực lạm phát trong những tháng còn lại của năm nay đối với nền kinh tế Việt Nam vẫn hết sức nặng nề. 
Những lo ngại này không phải là không có cơ sở khi lạm phát đang lan rộng khắp các nền kinh tế. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), lạm phát toàn cầu tính đến quý II-2022 là 7,8%, mức cao nhất kể từ năm 2008, khi đó, lạm phát lên tới 9,2%. Có gần 90% các nền kinh tế đang phát triển và tất cả các nền kinh tế phát triển đang có chỉ số lạm phát vượt quá mục tiêu đặt ra.
Còn theo dự báo của Consensus Economics đưa ra hồi tháng 5-2022, đến cuối năm nay, lạm phát toàn cầu sẽ ở mức khoảng 6,5%, cao hơn 1,5 lần so với dự báo tháng 2 (4%) được đưa ra trước khi bắt đầu cuộc xung đột quân sự ở Ukraine. 
Trong báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý II và 6 tháng đầu năm 2022 của Tổng cục Thống kê (Bộ KH-ĐT) công bố vừa qua, cơ quan này cũng bày tỏ lo ngại sức ép về giá cả, lạm phát thế giới sẽ là áp lực cho mục tiêu kiểm soát lạm phát 4% trong năm nay, đặc biệt vào cuối năm, kéo theo những bất ổn vĩ mô, tỷ giá, thị trường ngoại tệ, từ đó ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng phục hồi kinh tế.

Các tin khác