Phản ứng của thị trường
Theo báo cáo của Bộ Lao động Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng 6 tháng tăng 3%, mức tăng tính theo năm thấp nhất kể từ tháng 3-2021. Một số hãng tin nhận định đây là sự giảm tốc mạnh so với mức 4% ghi nhận trong tháng 5. Mức tăng theo năm (3%) và theo tháng (0,2%) của số liệu tháng 6 đều thấp hơn so với dự báo (3,1% theo năm và 0,3% theo tháng) của giới chuyên gia kinh tế đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones.
Nếu đọc kỹ, con số này không khác quá xa với dự báo, nghĩa là mức giảm “mạnh” chỉ là so với tháng trước, không quá bất ngờ với giới chuyên gia tài chính.
Vậy nhưng thị trường cổ phiếu Mỹ vẫn phản ứng lạc quan, và giá dầu thô vọt lên trên 80USD/thùng. Thị trường vui mừng với thông điệp “hạ cánh mềm”. Lý do, vì nếu lạm phát đã giảm nhanh, có khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) không phải tăng lãi suất nữa, ít nhất như một số người nghĩ.
Tuy nhiên, nhiều thành viên trong nội bộ Fed lại nghĩ khác, khi cho rằng vẫn cần tăng lãi suất. Thí dụ, ngay sau khi số liệu công bố, Chủ tịch Fed ở Richmond là Thomas Barkin, đã lạnh lùng nhắc lại: “Lạm phát vẫn quá cao, mục tiêu của chúng tôi là 2%”. Và ông nhấn mạnh: “Nếu chúng ta dừng tăng lãi suất sớm quá, lạm phát có thể tăng mạnh trở lại, và Fed sẽ buộc phải tăng lãi suất nhiều hơn”.
Trong khi đó, giới phân tích của những ngân hàng đầu tư lớn vẫn tin rằng Fed sẽ tăng lãi suất 0,25% tại 2 cuộc họp ngày 25 và 26-7 này. Cần lưu ý, một trong những thước đo quan trọng Fed quan sát là lạm phát cơ bản (không tính giá nhiên liệu và lương thực thường xuyên biến động).
Chỉ số này vẫn tăng 4,8%, tuy chậm nhất kể từ cuối năm 2021 nhưng vẫn khá xa mục tiêu 2% của Fed. Trong tình hình hiện tại, rất ít người tin rằng dù Fed có tăng lãi suất nữa họ có thể đạt được việc kéo lạm phát về 2% trong năm nay. Nhưng vấn đề là Fed cũng không thể dễ dàng dừng tăng lãi suất vào lúc này.
Thế tiến thoái lưỡng nan của Fed
Chuyên gia Mohamed El-Erian, Chủ tịch Trường Queens’s College của Đại học Cambridge và là cố vấn kinh tế trưởng của Allianz, chỉ ra bài toán khó của Fed hiện nay: Vấn đề là họ muốn kéo lạm phát về 2% nhanh tới mức nào. Nếu Fed thật sự muốn kéo lạm phát về mức 2% càng nhanh càng tốt, họ sẽ phải tiếp tục tăng lãi suất để khẳng định cam kết và uy tín là họ thật sự nghiêm túc với mục tiêu lạm phát.
Ngược lại, Fed có thể phớt lờ mục tiêu lạm phát 2%, tăng lãi suất 1 lần nữa trong tháng 7. Nhưng như vậy, uy tín của Fed trong việc chống lạm phát sẽ bị tổn hại, sau này không còn ai tin những mục tiêu họ đưa ra, sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả lan truyền của chính sách tiền tệ sau này.
Fed đang ở trong thế tiến thoái lưỡng nan khi thực hiện mục tiêu lạm phát 2%. Vì thế, tăng hay không tăng tiếp lãi suất đều khiến Fed đau đầu.
Ông El-Erian chỉ ra rằng, nếu Fed tăng lãi suất thêm nhiều quá, “có thể có gì đó sẽ đổ vỡ”. Vấn đề là “cái gì đó” chưa ai rõ, nhưng mức độ thua lỗ của một số ngân hàng khu vực có thể còn mở rộng, khi lãi suất tăng và khu vực bất động sản thương mại tiếp tục khó khăn.
Vỡ nợ doanh nghiệp nhỏ cũng được dự báo sẽ tăng. Người ta dường như đã quên đi nhanh chóng câu chuyện đổ vỡ ngân hàng khu vực như SVB và First Republic. Nhưng nó có thể quay lại.
Vấn đề của Fed hiện nay là nên dừng lại và chờ xem diễn biến lạm phát. Xu thế giảm dần của lạm phát có thể còn kéo dài đến tháng 9, hưởng lợi từ chi phí vận tải quốc tế và giá hàng hóa giảm nếu so với năm ngoái. Nhưng kể từ sau tháng 9, chỉ số giá hàng hóa có thể tăng trở lại do yếu tố mùa vụ, cũng như đà giảm giá hàng hóa như dầu thô và một số loại thực phẩm, nguyên liệu thô, đã chững lại mấy tháng nay.
Lúc đó, Fed phải hy vọng rằng lạm phát trong khu vực dịch vụ sẽ giảm xuống, cân bằng với mức tăng trở lại của lạm phát hàng hóa, và do đó tiếp tục kéo chỉ số lạm phát xuống. Đây là một khả năng, nhưng không có gì đảm bảo nó chắc chắn xảy ra.
Vì vậy, những dự báo “chắc như bắp” rằng lạm phát chỉ có đường giảm tịnh tiến từ nay đến cuối năm có thể quá lạc quan. Mà nếu như vậy, Fed có lý do để lo ngại. Dừng tăng lãi suất sớm quá, lạm phát bật lên sẽ khó khống chế hơn, như ông Thomas Barkin nói.
Lãi suất USD còn cao, kinh tế toàn cầu còn khó khăn
Lãi suất đồng USD cao là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến khó khăn của kinh tế toàn cầu trong năm nay. Bởi lẽ, nó trực tiếp hay gián tiếp làm chi phí vốn của tất cả hoạt động tài trợ kinh doanh, thương mại tăng mạnh.
Những quốc gia có xu hướng tìm cách hạ lãi suất tiếp tục để hỗ trợ nền kinh tế, như Trung Quốc hay Việt Nam, cũng phải thận trọng coi chừng. Vì nếu mặt bằng lãi suất nội tệ giảm nhanh quá so với lãi suất USD quốc tế, sẽ luôn có những áp lực chực chờ với tỷ giá. Nếu thị trường kỳ vọng tỷ giá biến động mạnh hơn, ổn định vĩ mô sẽ gặp trục trặc.
Vì vậy nếu Fed dừng tăng lãi suất hẳn, đó sẽ là tín hiệu tốt cho kinh tế toàn cầu về cả mặt thực tế và kỳ vọng. Mà kỳ vọng là yếu tố quan trọng bậc nhất lúc này. Người dân có cảm giác khó khăn sắp qua đi họ mới tiếp tục chi tiêu. Doanh nghiệp có hy vọng mới tăng đầu tư. Có như vậy kinh tế mới tăng trưởng, lao động mới có việc làm.
Nói vậy để thấy, lãi suất ở Mỹ vẫn có thể ảnh hưởng tới Việt Nam, mà ảnh hưởng gián tiếp đến niềm tin và hy vọng của người dân và giới kinh doanh là cực kỳ quan trọng. Chỉ cần ai cũng tin kinh tế toàn cầu sẽ hạ cánh mềm, nó sẽ có thể làm được như vậy. Mà muốn vậy, họ cần phải thấy mặt bằng lãi suất dễ thở hơn.
Đến lúc này, nó chỉ mới là hy vọng, chưa phải là thực tế. Một vài ngân hàng trung ương toàn cầu vừa tăng lãi suất thêm nữa trong tuần này, thí dụ Ngân hàng Trung ương Canada. Bởi vậy, lúc này bi quan sẽ không đúng “chiều gió”, nhưng lạc quan quá coi chừng lại thất vọng sau vài tháng nữa.