Đó là “việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ”. Như vậy phải hiểu như thế nào cho đúng và bằng cách nào để đạt được điều đó?
Tìm lại lịch sử cho thấy tháng 11-1995, Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) lần đầu tiên đề ra quy định này trong tài liệu “Cẩm nang về tái định cư”, trong đó ở trang 6 viết rằng: “Đời sống của những người bị ảnh hưởng sau khi tái định cư ít nhất phải đạt được ngang mức cũ của họ như trước khi có dự án”.
Vào những năm 90 của thế kỷ 20, các dự án tái định cư ở các nước chậm phát triển hầu hết phải vay tiền từ các ngân hàng quốc tế và các định chế tài chính như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), ADB…
Việc vay tiền này bị các tổ chức khác nhau ở các nước chậm phát triển sử dụng theo hướng thiên vị nhóm có quyền lực, dẫn đến hệ quả bất lợi cho người bị thu hồi đất, nên ADB đưa ra nguyên tắc như nói trên, sau đó được các định chế tài chính, các quốc gia chấp nhận như là nguyên tắc của tái định cư khi thu hồi đất đai. Tuy nhiên, khi đưa nguyên tắc này vào bối cảnh thực tế của mỗi nước, mỗi vùng miền lại nảy sinh rất nhiều biến thể khác nhau.
Một đoạn đường đã được giải phóng mặt bằng cho tuyến metro Số 2 Bến Thành - Tham Lương, TPHCM. |
Trở lại vấn đề khi ADB đưa ra nguyên tắc chung là đảm bảo “đời sống” của người bị thu hồi đất, còn dự thảo của Việt Nam nêu rõ hơn là đảm bảo về “chỗ ở, thu nhập và điều kiện sống”. Nhưng cái khó bồi thường như thế nào, bồi thường bao nhiêu tiền để cả ba thứ chỗ ở, thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn?
Một thí dụ dễ hiểu nhất, một gia đình có nhà trên mặt tiền bị giải tỏa trắng để mở rộng đường và được tái định cư trong một chung cư loại tốt. Tất nhiên họ được đền bù một số tiền lớn, nhưng về thu nhập dù nói thế nào họ cũng bị thiệt thòi vì hàng ngày họ có mặt bằng kinh doanh hoặc cho thuê, thu nhập rất cao, còn vào chung cư khoản thu nhập đó không còn nữa.
Nhưng đó là gia đình khá giả, còn gia đình nghèo thì sao? Chẳng hạn một hộ gia đình trước khi bị thu hồi đất sống trong một căn nhà lợp lá, canh tác trên mảnh đất phèn ở vùng sâu vùng xa không đủ ăn, sau đó chủ đầu tư lấy đất làm khu đô thị, xây trung tâm thương mại, người bị giải tỏa được đền bù một số tiền đủ để làm căn nhà lợp tôn, có điện, nước sạch và một khoản tiền tạm đủ sống.
Như thế so với trước đó họ đã khá hơn một chút, chủ đầu tư thực hiện xong cam kết là đảm bảo bằng hoặc tốt hơn. Nhưng mảnh đất mà chủ đầu tư có được sau đền bù được các ông chủ bán với giá cao gấp hàng trăm lần khi được phân lô bán nền hay thành căn hộ chung cư. Và rõ ràng người bị thu hồi đất vẫn là người bị thua thiệt.
Chính vì thế, để cho người dân đỡ thiệt thòi, phần đền bù mà chính quyền địa phương hay chủ đầu tư trả cho dân được ABD gọi là “chi phí thay thế”. Chi phí thay thế này được xác định bao gồm hai phần, “(1) chi phí thay thế tương đương với giá trị thị trường của đất, (2) cộng thêm vào đó là chi phí gia tăng sau chuyển nhượng”, tức là phần giá trị gia tăng được hình thành trong tương lai. Tuy nhiên, trong thực tế phần thứ hai này không bao giờ được chủ đầu tư tính đến.
Do vậy, những năm gần đây nhiều quốc gia đã thêm vào nội dung này một phần mới là phải đảm bảo cho người bị tái định cư nơi ở, điều kiện sống và thu nhập bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ, nhưng “không thấp hơn mức sống và điều kiện sống trung bình của cộng đồng dân cư địa phương” nơi mà họ sống chung.
Có nghĩa là cả ba điều nhà ở, mức sống và điều kiện sống đều phải ở mức trung bình, không thấp hơn những người xung quanh. Chẳng hạn với nhà ở là diện tích trên đầu người, vị trị tọa lạc không bất lợi mà người bị thu hồi đất phải được thụ hưởng. Còn mức sống là mức chi tiêu tính theo rổ lương thực, nếu thấp hơn nhà đầu tư hay chính quyền địa phương phải hỗ trợ qua các kênh khác nhau. Với điều kiện sống cần có là điện, nước sạch, giao thông, nhà vệ sinh, các dịch vụ kèm theo như trường học, bệnh viện, chợ.
Tuy nhiên, những gì đề cập ở trên cũng chỉ là về phương diện vật chất, tức người bị thu hồi đất có được đền bù thỏa đáng bằng tiền, nhưng về mặt tinh thần họ cũng vẫn thiệt thòi không gì bù đắp được. Đó là họ bị bứt ra khỏi cộng đồng quen thuộc mà họ sống hàng chục năm nay, ở đó có bà con, bè bạn, bạn hàng buôn bán, mối làm ăn lâu năm...
Do đó có một điều đặc biệt quan trọng mà các ĐBQH chưa bàn đến, là làm sao để người dân thấy mình bị thiệt thòi nhưng vẫn chấp nhận chuyển đi theo sự sắp xếp của chính quyền. Đó là họ tin vào cơ hội, điều kiện sống và con cháu họ sẽ tốt hơn lên nhờ vào dự án này. Chẳng hạn người dân dọc tuyến Metro số 2 nhận tiền đền bù mảnh đất "vàng" với mức bằng 70% giá thị trường, nhưng nhiều người vẫn đồng thuận, bởi họ có niềm tin rằng tương lai khi tuyến metro được vận hành và phát triển, người dân mà trong đó gia đình mình cũng sẽ hưởng lợi từ dự án này.
Tóm lại, để hài hòa trong việc thu hồi đất và bồi thường phải kèm theo niềm tin vào cơ hội. Nếu niềm tin là giá trị tăng thêm bù vào phần thiệt thòi mà không có, thì đúng là người dân chịu thiệt đơn, thiệt kép.