Cuộc đua của các NHTM
Cơ hội đầu tiên quan trọng nhất của NH số là giảm chi phí giao dịch, tăng doanh thu. Tham khảo từ các định chế tài chính lớn trên thế giới, cho thấy áp dụng công nghệ số giúp tiết giảm 30-80% chi phí.
Khi NH đầu tư công nghệ thông tin, chi phí sẽ tăng thêm khoảng 25-28%, nhưng doanh thu cũng sẽ tăng 35-48%, dẫn đến lợi nhuận ròng tăng 10-15%. NH số còn nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ NH tới khách hàng, đa dạng hóa sản phẩm và nâng cao khả năng cạnh tranh; tham gia hệ sinh thái kinh tế số kết hợp tài chính, y tế, bảo hiểm, du lịch…
Ở góc độ tiếp nhận NH số, công bố của IDG Việt Nam về đợt khảo sát năm 2015, cho thấy chỉ 21% người tiêu dùng sử dụng dịch vụ NH điện tử. Song đến năm 2017, có đến 81% người tiêu dùng được khảo sát cho biết đã sử dụng dịch vụ này, là động lực lớn cho các NH chuyển đổi số.
Theo số liệu của Vụ Thanh toán NHNN đưa ra vào năm 2018, đã có khoảng 94% NH trong hệ thống nghiên cứu, xây dựng chiến lược chuyển đổi số, trong đó 35% NH đã và đang triển khai xây dựng chiến lược chuyển đổi số.
Nhiều NH đã triển khai cung ứng một số dịch vụ NH đổi mới, sáng tạo như TPBank với dịch vụ NH tự động LiveBank; Vietcombank với không gian giao dịch công nghệ số Digital Lab và dự án chuyển đổi số quy mô lớn với tư vấn PwC; Vietinbank với Corebank thế hệ mới tích hợp đa dịch vụ và kho dữ liệu doanh nghiệp (EDW) hiện đại; VPBank với ứng dụng NH số Timo; MB với ứng dụng trợ lý ảo ChatBot phục vụ khách hàng 24/7 trên mạng xã hội.
Gần đây, cuộc đua này ngày càng nóng lên khi các NH liên tục tung ra những dịch vụ mang tính riêng biệt. Đầu năm 2019, VIB ra mắt website NH số mới tích hợp nhiều tính năng cải tiến hơn phiên bản cũ, trong đó có dịch vụ liên hệ ngay trong 5 phút.
Đến tháng 4, OCB chính thức ra mắt NH số OCB OMNI phát triển trên nền tảng số kết hợp kênh cung cấp dịch vụ mở tài khoản, mở thẻ, vay qua Robo-lending, mua bảo hiểm, đầu tư hoàn toàn trực tuyến. MB mới đây cũng công bố nền tảng số dành cho doanh nghiệp (MB App Business & eMB new) với hạn mức giao dịch lớn, đa kênh, đa ngôn ngữ (Việt, Anh, Trung, Hàn).
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính NH, làn sóng số hóa dự kiến còn tiếp diễn, bởi NH số với Việt Nam mới ở trong giai đoạn đầu. Hiện các NH từ lớn đến nhỏ cũng đều tuyên bố sẽ đầu tư nhiều hơn vào việc phát triển NH số, mời các tư vấn nước ngoài để triển khai kế hoạch số hóa.
Thận trọng vì nhiều thách thức
Thận trọng vì nhiều thách thức
NH số muốn phát triển, sản phẩm dịch vụ phải đa dạng, tăng trải nghiệm của người dùng, phải nâng cấp về công nghệ, đặc biệt càng hiện đại càng phải đảm bảo tính an toàn. TS. Bùi Quang Tín, Trường Đại học NH TPHCM |
Theo các chuyên gia IBM, mô hình NH số được phân chia làm 4 hình thái. Thứ nhất, NH thiết lập một thương hiệu NH số mới với việc tận dụng tối đa nguồn lực (hệ thống hạ tầng, back-office, kênh phân phối…) của NH mẹ, như Frank của OCBC (Singapore) và LKXA của CaixaBank (Tây Ban Nha).
Thứ hai, NH xây dựng, phát hành sản phẩm và dịch vụ với giao diện nâng cao, hoàn toàn khác với sản phẩm dịch vụ NH hiện hữu đang có, tạo ra một kênh phân phối NH số như NH Simple và Moven (Mỹ).
Thứ ba, thành lập công ty con trực thuộc như một mô hình NH độc lập, hoàn toàn tách khỏi công ty mẹ như Hello Bank của BNP Paribas, First Direct của HSBC.
Thứ tư, một NH số thuần túy, hoàn toàn dựa trên nền tảng cốt lõi công nghệ số, không có chi nhánh và khách hàng tương tác với NH qua các kênh kỹ thuật số như NH Fidor (Đức) và Tangerine (Canada).
Dựa trên 4 hình thái này, giới chuyên gia tài chính cho rằng trên bình diện chung có vẻ các NH trong nước đang chạy đua khá khốc liệt phát triển NH số, nhưng thật sự chỉ mới khởi đầu với những bước đi thận trọng, tức theo hình thái thứ nhất. Từ cơ sở hạ tầng đến mạng lưới hoạt động, kênh phân phối của NH số còn phụ thuộc hoàn toàn vào mô hình NH truyền thống, các sản phẩm dịch vụ mới được thiết kế lại để phù hợp hơn với xu hướng và phân khúc khách hàng mới.
Cho đến nay cũng chỉ có VPBank mạnh dạn tách kênh phân phối thành chi nhánh hoạt động độc lập trên nền tảng số, những sản phẩm và dịch vụ, chính sách bán hàng độc lập thành NH số Timo (hình thái 3). Các NH còn lại đang trong quá trình chuyển mình, hoặc mới ấp ủ kế hoạch chuyển đổi.
Sở dĩ có sự thận trọng đó vì vẫn còn nhiều thách thức trong phát triển NH số tại Việt Nam, đặc biệt là thiếu hụt tài năng, nguồn nhân lực có chất lượng cho triển khai NH số. Bên cạnh đó là sự hạn chế về nguồn vốn, ngân sách dành cho chuyển đổi số, đầu tư, ứng dụng các công nghệ, giải pháp mới. Hiện chỉ số ít NH đã dành khoản đầu tư hàng trăm, thậm chí hàng ngàn tỷ đồng cho khoản này, còn đa số mới chuyển đổi từng bước theo chi phí phân bổ hàng năm.
Trong bối cảnh có sự chênh lệch về nguồn lực đầu tư, một số NH lớn tỏ rõ ý đồ bứt tốc. Theo đại diện Vietcombank, NH này đặt mục tiêu năm 2025 sẽ đứng số 1 về NH số tại Việt Nam, với mục tiêu lợi nhuận 2,5 tỷ USD. Để thực hiện mục tiêu này, năm 2019 NH chuyển mình để triển khai việc chuyển đổi NH số. Dù vậy, nếu kỳ vọng xuất hiện NH số thuần túy tại Việt Nam vẫn là điều còn khá xa.
Bởi lẽ, các cơ chế, chính sách trong hoạt động NH thích ứng với xu hướng số hóa dịch vụ và ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số, hợp tác mở như mô hình NH đại lý, nhận biết khách hàng điện tử (e-KYC), tiền điện tử (e-money), open API… cho lĩnh vực NH vẫn còn đang trong quá trình xây dựng. Hơn nữa, NH số tốt không chỉ đáp ứng được nhu cầu tài chính diễn ra hàng ngày, còn phải tạo được niềm tin cho khách hàng.
Hiện nay, ngành NH Việt Nam khi số hóa vẫn đứng trước rủi ro an ninh mạng phát sinh từ các hành vi gian lận, lừa đảo khách hàng, tấn công mạng vào hạ tầng NH, rủi ro rò rỉ dữ liệu người dùng.
Theo đó, khách hàng khi sử dụng NH số cũng khá thận trọng, hạn chế khả năng phát triển của mảng này. Vì vậy, xây dựng quy định quản lý tạo thuận lợi cho sự phát triển, cân bằng giữa thúc đẩy đổi mới sáng tạo với bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, ngăn ngừa rủi ro đối với thị trường tài chính, đang là bài toán được đặt ra bên cạnh kế hoạch số dịch vụ tài chính NH của các nhà băng.