Ăn chặn tiền từ thiện
Hamas sử dụng mạng lưới tài chính toàn cầu để thu hút sự hỗ trợ từ các tổ chức từ thiện và các quốc gia thân thiện, chuyển tiền mặt qua các đường hầm ở Gaza, hoặc sử dụng tiền điện tử để vượt qua các lệnh trừng phạt quốc tế. Matthew Levitt, cựu quan chức Mỹ chuyên về chống khủng bố, ước tính phần lớn ngân sách hơn 300 triệu USD của Hamas đến từ thuế đánh vào doanh nghiệp, cũng như viện trợ từ các quốc gia bao gồm Iran và Qatar hoặc các tổ chức từ thiện.
Tuy nhiên, một nguồn quan trọng lại đến từ chính các khoản viện trợ nhân đạo của phương Tây và chính Israel cho người dân Gaza. Alex Zerden, cựu quan chức an ninh quốc gia cấp cao của Bộ Tài chính Mỹ, cho biết tiền viện trợ quốc tế cho người dân Gaza được Hamas dùng để hỗ trợ cỗ máy chiến tranh của mình.
Thực tế, khi Hamas tiếp quản Dải Gaza 16 năm trước, sự viện trợ của Israel, Mỹ và cộng đồng quốc tế để hỗ trợ người dân ở dải Gaza đã ít nhiều mang lại lợi ích cho Hamas. Điều này khiến trong nhiều năm, chính phủ Israel đã hạn chế quyền tiếp cận dải đất này để đảm bảo Hamas không thể biến nơi đây thành nơi tổ chức các cuộc tấn công.
Hamas và Israel đã tham gia cuộc xung đột lớn vào năm 2014. Cuộc chiến trên không và trên bộ đó đã khiến 2.200 người ở Gaza thiệt mạng và 11.000 ngôi nhà bị phá hủy, với thiệt hại ước tính khoảng 4,4 tỷ USD ở vùng đất ven biển. Các quốc gia cam kết 3,5 tỷ USD để tái thiết, nhưng việc giải ngân bị chậm do mục tiêu cạnh tranh giữa các nhà tài trợ chính từ các quốc gia vùng Vịnh, một số trong đó cố gắng đổ tiền vào mà không mang lại lợi ích cho Hamas.
Sự viện trợ của cộng đồng quốc tế cho người dân ở dải Gaza đã vô tình làm giàu cho nguồn tài chính của Hamas để phục vụ cỗ máy chiến tranh của họ.
Liên hiệp quốc (LHQ), Israel và chính quyền Palestine đã tạo ra một hệ thống giám sát các vật liệu “sử dụng kép” vào Gaza, các sản phẩm như xi măng, thép hoặc phân bón chính phủ Israel tin rằng Hamas có thể sử dụng để xây đường hầm vào Israel, hoặc làm bom nhiên liệu để tấn công người Israel.
Hệ thống này, được gọi là Cơ chế Tái thiết Gaza, được coi là thành công trong việc xây dựng lại hàng ngàn ngôi nhà và cơ sở hạ tầng ở Gaza. Nhưng nó cũng tạo ra thị trường chợ đen cho các vật liệu được bán trong dải đất, bao gồm cả cho Hamas.
Đến năm 2018, cơ chế này trở nên dư thừa khi người Ai Cập mở cửa khẩu biên giới thương mại mới ở Bán đảo Sinai, nơi họ đang chiến đấu với cuộc nổi dậy chống lại Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Jonathan Lincoln, người từng làm việc tại LHQ phụ trách vấn đề Gaza và Bờ Tây từ năm 2017-2021 và hiện là Giáo sư tại Đại học Georgetown, cho biết: “Ai Cập quan tâm đến việc đảm bảo rằng Gaza dưới thời Hamas không trở thành nơi hiếu khách cho những kẻ nổi dậy của chính họ. Vì vậy, tôi nghĩ rằng cũng có sự quan tâm đến một số hình thức hỗ trợ cho nền kinh tế ở Gaza”.
Không thể không viện trợ
Trong khi đó, Chính quyền Palestine do Tổng thống Mahmoud Abbas lãnh đạo đã cắt tài trợ cho dải đất này, trong một nỗ lực nhằm buộc Hamas phải nhượng lại quyền kiểm soát. Điều đó khiến Israel lo ngại sẽ gây thêm tổn thất kinh tế và châm ngòi cho cuộc xung đột khác. Israel và cộng đồng quốc tế đã tìm cách giảm bớt áp lực kinh tế lên Gaza và quay sang Qatar, nơi đặt cơ quan lãnh đạo chính trị của Hamas có văn phòng tại Doha.
Doha đứng ra trả lương cho nhân viên Hamas, phát tiền mặt cho các gia đình nghèo và tài trợ nhiên liệu cần thiết cho nhà máy điện ở Gaza. Yossi Kuperwasser, cựu Giám đốc nghiên cứu của tình báo quân đội Israel, cho biết: “Chúng tôi giúp Hamas quản lý Gaza để Hamas có trách nhiệm và không tham gia các cuộc tấn công khủng bố".
Quan chức Qatar cho biết hàng viện trợ được nhiều quốc gia và tổ chức xem xét kỹ lưỡng trong suốt quá trình vận chuyển, nhằm đảm bảo đến tay dân thường ở Gaza. Qatar chuyển tiền mặt vào một tài khoản ngân hàng do LHQ đăng ký. Số tiền này đóng trong các gói kín được đoàn xe của LHQ-Israel vận chuyển đến Gaza.
Các gia đình hoặc cá nhân đủ điều kiện phải ký vào một văn bản cho biết họ đã nhận được tiền ,và các bản sao của tài liệu đó sẽ được chuyển đến Israel, LHQ và Qatar để đảm bảo tổng số tiền được phân phối tương ứng với số tiền đã gửi.
Theo truyền thông Palestine và một số nhà kinh tế ở Gaza, khi viện trợ chảy vào dải đất, Hamas cũng đánh thuế nhập khẩu thuốc và các hàng hóa khác, đồng thời tính phí kinh doanh. Theo Mohamed Abu Jayab, nhà kinh tế ở Gaza, những người cai trị kiếm được khoảng 40 triệu USD tiền thuế mỗi tháng. Ông nói rằng tiền được dùng để quản lý trong khi cánh quân sự của Hamas có các kênh tài trợ riêng.
Các quan chức của phương Tây cho biết Hamas cũng thu được một lượng tài trợ đáng kể từ các tổ chức từ thiện họ kiểm soát, đặc biệt là ở châu Âu. Vào năm 2021, sau khi Israel và Hamas xảy ra cuộc giao tranh kéo dài 11 ngày, phá hủy hàng ngàn ngôi nhà và cơ sở kinh doanh ở Gaza, Israel đã tăng gấp đôi việc phát triển dải đất này để tránh đợt bạo lực khác.
Israel đã nới lỏng các hạn chế của mình đối với việc nhập khẩu vào Gaza, giúp tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu. Đáng chú ý nhất, giấy phép lao động mới cho phép hàng ngàn người Gaza tìm được việc làm ở Israel lần đầu tiên kể từ khi Hamas nắm quyền. Vài tháng sau, Hamas áp đặt mức thuế mới đối với hàng hóa nhập khẩu như ô tô và quần áo. Theo truyền thông Palestine, trước các cuộc tấn công, Hamas đã cắt giảm lương của công chức.
Đến năm 2022, Bộ Tài chính ước tính Hamas nắm giữ danh mục đầu tư gồm các công ty nước ngoài trị giá 500 triệu USD, bao gồm các công ty ở Sudan, Thổ Nhĩ Kỳ, Ả Rập Saudi, Algeria và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.
Levitt của Viện Washington cho biết nghiên cứu gần đây của ông tính toán rằng Hamas hiện kiếm được vài trăm triệu USD mỗi năm. Phần lớn nhất đến từ Iran, tiếp theo là thuế đánh vào dải đất này. Một phần số tiền đó được dùng để quản lý, nhưng ông ước tính lĩnh vực quân sự của Hamas là ưu tiên hàng đầu.