Được dịp đến Paris, Kinh đô Ánh sáng, ai cũng muốn một lần đến Vườn Luxembourg, bởi lẽ nơi này quá nổi tiếng, đã được phản ánh đậm nét qua văn thơ, nhạc, họa... Luxembourg là khu vườn lớn, nằm trong khu phố Latin tại quận 6, bên cạnh dòng sông Seine, trung tâm thành phố Paris nên có nhiều nghệ sĩ, nhà văn đến dạo, tìm cảm hứng sáng tác. Thế kỷ 19 có các tên tuổi Victor Hugo, Baudelair, Balzac, Verlaine...; thế kỷ 20 có E. Hemingway, Jean-Paul Sartre, Simone de Beauvoir... Thời đương đại, ở Việt Nam có một lớp người từng thổn thức theo giai điệu lãng mạn của cố nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu:
“Em ra đi mùa thu/ Mùa thu không trở lại/ Em ra đi mùa thu/ Sương mờ giăng âm u... Ngày em đi/ Nghe chơi vơi não nề/ Qua vườn Luxembourg/ Sương rơi che phố mờ/ Buồn này ai có mua?
Từ chia ly/ Nghe rơi bao lá vàng/ Ngập dòng nước sông Seine/ Mưa rơi trên phím đàn/ Chừng nào cho tôi quên”...
Vườn Luxembourg được Hoàng hậu Marie de Médicis xây dựng năm 1612 sau khi Vua Henri IV mất. Là người gốc Italia, bà mua lại dinh thự này và xây dựng một dinh thự kiểu Italia cho đỡ nhớ quê hương. Không còn thích thú sống tại Điện Louvre, năm 1625 Hoàng hậu dời về sống ở đây và tiếp tục mở rộng vườn lên đến quy mô 23ha như ngày nay. Vào giữa thế kỷ thứ 17, Vườn Luxembourg được mở cửa cho công chúng tham quan. Sau Médicis, khu vườn này đã nhiều lần đổi chủ. Vào thế kỷ thứ 18, bà Hầu tước Berry mua lại khu vườn này làm của riêng, cấm cửa công chúng, đã bị người dân phản đối kịch liệt. Sau đó, Vườn Luxembourg mở cửa trở lại, chỉ đóng cửa trong giai đoạn có chiến tranh. Đến thời Đại đế Napoléon, vườn Luxembourg chính thức được dành làm nơi thưởng ngoạn và thư giãn cho mọi người.
Vườn Luxembourg là một địa điểm ít ỏi của thành phố Paris mà du khách vào cổng không... phải mua vé. Nét hấp dẫn của khu vườn khi du khách cảm nhận lần đầu là bên ngoài nó rất bình thường: Xung quanh được bao bọc bởi hàng rào sắt với những mũi nhọn phủ một lớp mạ vàng, tên vườn hoa ghi trên một tấm biển nhỏ, chú ý lắm mới thấy nhưng càng vào bên trong diện tích càng lớn với những hàng cây cổ thụ thẳng tắp, vườn hoa, bãi cỏ bao la, các công trình xây dựng đồ sộ, quy hoạch bài bản, toát lên vẻ đẹp kiêu hãnh vượt thời gian.
Bên trong vườn có Cung điện Luxembourg - nay là trụ sở Thượng nghị viện Pháp - nằm ở phía Bắc. Trước cung điện là bể nước hình bát giác cùng nhiều lối đi và các bãi cỏ rộng - nơi thư giãn, đi dạo, gặp gỡ của mọi người, không phân biệt thành phần đẳng cấp. Các hàng ghế kê ngoài trời, dưới tán cây là nơi để các tình nhân tâm tình, gặp gỡ. Người ta cũng bắt gặp nhiều người ngồi cô độc suy tưởng hay lặng lẽ đọc sách. Trong khu vườn là một quần thể công trình: Các bức tượng tái hiện những vị thần Hy Lạp, bảo tàng trưng bày các tác phẩm nghệ thuật đương đại, khu vui chơi thể thao với các môn bi sắt, cờ vua, quần vợt, nhà hát múa rối...
Paris đầu thu trời bắt đầu se lạnh, lá cây từ từ ngả màu, tạo mọi người cảm giác bâng khuâng. Bước vào Vườn Luxembourg, mọi người như trút bỏ một Paris ồn ã, nhộn nhịp phía sau, hòa vào không gian tĩnh lặng, lãng mạn, yên bình.
Cung điện Luxembourg. |
Thảm cỏ Vườn Luxembourg, nơi sinh hoạt của mọi giới. |
Một góc tường rào Vườn Luxembourg tại quận 6, Paris. |
Cổng vào xem nhà hát trong Vườn Luxembourg. |
Người dân sưởi nắng thu trong các dãy ghế công viên (miễn phí). |
Tượng Laura de Noves. |
Thư giãn dưới những hàng cây cổ thụ. |
Tâm tình và đọc sách, suy tưởng. |