Khu đất này rộng hơn 400m2, từ trước năm 1990 được Công ty Chế biến hạt điều Lạc Long Quân trực thuộc Bộ NN-PTNT mua lại của một hộ dân và bố trí cho 17 hộ là cán bộ công nhân viên công ty.
Tuy nhiên đến năm 2003, khi Công ty Lạc Long Quân cổ phần hóa, đã có văn bản chuyển giao khu nhà đất từ cơ quan chủ quản là Bộ NN-PTNT về UBND TPHCM quản lý và xác lập quyền sở hữu nhà nước. Nhưng sau đó khu nhà đất này đã xảy ra tranh chấp, khiếu kiện giữa Công ty Lạc Long Quân và chủ đất cũ. Ròng rã suốt 14 năm trời, đến năm 2017 tòa án đưa ra phán xét với phần thắng thuộc về Công ty Lạc Long Quân. Ngay sau đó, Bộ NN-PTNT, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính... đã đề nghị UBND TPHCM xem xét, hoàn tất thủ tục xác lập sở hữu nhà nước đối với khu đất trên để làm cơ sở cho việc quản lý tài sản công này. Thế nhưng, đến nay sau nhiều năm, việc này vẫn chưa được thực hiện nên chủ quyền khu nhà đất vẫn treo lơ lửng.
Theo một cán bộ của Sở Xây dựng TPHCM, hồ sơ khu đất trên đã được Sở Xây dựng, Ban Chỉ đạo 09 (nay là Ban Chỉ đạo 167) trình đi trình lại, lấy ý kiến các bộ ngành nhiều lần và tất cả đều đồng ý phương án giao cho TP xác lập quyền sở hữu nhà nước, nhưng đến nay không ai ra quyết định. “Hiện tại khu nhà đất trên không biết thuộc chủ quyền của người dân hay Nhà nước. Điều này khiến người dân khốn khổ vì nhà không thể sửa chữa, mua bán; còn Nhà nước thì thất thu tiền thuê nhà” - vị này cho hay.
Báo cáo của Sở Xây dựng TPHCM cho biết, hiện trên địa bàn TP còn hơn 1.000 địa chỉ nhà đất rơi vào tình cảnh tương tự, đồng nghĩa với việc ngân sách nhà nước đã thất thu khoản tiền rất lớn. Theo báo cáo của Trung tâm Phát triển quỹ đất TP, hiện nay các tổng công ty, công ty có 50-100% vốn nhà nước đang quản lý, sử dụng một diện tích đất rất lớn nhưng lãng phí. Chỉ tiến hành khảo sát, ghi nhận hiện trạng 987/1.176 khu đất do 17 tổng công ty, công ty vốn nhà nước đang quản lý, có đến 178 khu đất sử dụng sai mục đích như hợp tác kinh doanh, cho thuê, bố trí nhà ở, chưa kể 98 khu đất bỏ trống.
Điển hình như dự án khu dân cư Phước Kiển 2 của Công ty Sadeco tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, rộng khoảng 60ha dù đã có quyết định giao đất hàng chục năm nay nhưng không triển khai thực hiện, bị bỏ hoang, cỏ cây mọc um tùm. Khu vực này đất nông nghiệp đang giao dịch khoảng 10 triệu đồng/m2, giá đất ở dao động 80-100 triệu đồng/m2. Như vậy, chỉ riêng tại dự án này của Công ty Sadeco đã “chôn” khoảng 6.000 tỷ đồng nếu tính theo giá đất nông nghiệp. Ngoài ra, Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn cũng đang quản lý nhiều địa chỉ nhà đất công nhưng sử dụng không hiệu quả.
Tương tự, Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn TNHH MTV đang giữ nhiều quỹ đất công trong tay, nhưng sử dụng rất lãng phí. Đơn cử, khu đất tại số 200 Võ Văn Tần, quận 3 rộng hơn 1.700m2, trước là Trường Công nghệ thông tin, mấy năm nay bỏ hoang và mới đây đã đưa về cho Ban Điều hành dự án đường bộ 3 sử dụng tạm. Theo ông Võ Công Lực, Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất TPHCM, phần lớn hiện trạng các khu nhà đất khi nơi đây tiếp nhận đều xuống cấp, hư hỏng nặng do bỏ hoang lâu ngày, nên phải tốn nhiều chi phí quản lý sửa chữa, dọn dẹp vệ sinh mặt bằng, tháo dỡ, kiểm định, xây hàng rào bảo vệ...
Lãnh đạo TPHCM thời gian qua rất kiên quyết xử lý tình trạng các dự án chậm triển khai. Tuy nhiên, nhiều khu đất công vẫn chưa được khai thác, sử dụng đúng mục đích, công năng, gây lãng phí rất lớn. Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, tại cuộc họp kinh tế- xã hội TP 8 tháng năm 2020, đã chỉ đạo các sở ngành nhanh chóng thực hiện các thủ tục để các tổ chức, cá nhân đưa đất vào thai khác, tạo nguồn thu cho ngân sách. Những dự án nào chậm trễ, doanh nghiệp thiếu năng lực phải kiên quyết thu hồi.