Làng tuyết Trung Hoa cách thành phố Cáp Nhĩ Tân khoảng 280km, nằm ở độ cao 1.500m so với mực nước biển. Do bị ảnh hưởng bởi luồng không khí băng giá của biển Nhật Bản và gió lạnh từ hồ Baikal, nên tuyết ở đây kéo dài hơn 7 tháng. Làng tuyết được khách du lịch đổ xô đến thưởng ngoạn thường từ tháng 12 đến tháng 3, đây là thời gian đẹp nhất bởi lúc đó nhiệt độ cực kỳ thấp và lạnh. Đối với những ai chưa có kinh nghiệm đối phó với cái lạnh và đến từ xứ nhiệt đới, phải vô cùng cẩn trọng để tránh sốc nhiệt quá lớn.
Ngoài thưởng ngoạn cảnh tuyết như chốn cổ tích, bạn đến đây còn có thể trải nghiệm rất nhiều trò khác như trượt tuyết chuyên nghiệp, chơi trò chó kéo xe, đắp hình người tuyết, trượt tuyết trên phao hay đơn giản chỉ là uống một ly sữa đậu nành thật ấm nhìn ra những ô cửa sổ lấp lánh trong mơ. Làng Tuyết Hương lọt vào danh sách những ngôi làng đẹp nhất Trung Hoa. Những căn nhà và khách sạn được tuyết phủ một lớp tuyết trắng mịn như là lớp kem trên ly trà sữa sủi bọt, nếu đến đây qua đêm trong những căn nhà tuyết chắc chắn sẽ là một kỷ niệm khó quên, bạn không cần mơ mà vẫn sống trong thế giới cổ tích.
Vẻ đẹp của Tuyết Hương trước kia không được chú ý nhiều, chỉ đến lúc lọt vào ống kính của một nhiếp ảnh gia đạt giải thưởng quốc tế, mọi người mới dần tìm hiểu về ngôi làng tuyết này. Tuyết Hương nổi tiếng với rất nhiều danh hiệu: cảnh núi cao nhất phía Bắc, độ dày tuyết lớn nhất, nơi lạnh nhất đại lục, điểm du lịch đắt đỏ nhất Trung Quốc, và cũng là nơi có ánh sáng mặt trời trong trẻo nhất. Dẫu có thu hút lượt du khách tham quan tấp nập, nhưng ngôi làng vẫn giữ được nét đơn sơ và mộc mạc. Ngôi làng còn được chọn làm cảnh quay trong show truyền hình ăn khách “Bố ơi mình đi đâu thế”, phiên bản Trung Hoa.
Phần lớn những khách sạn trong ngôi làng tuyết đều được thiết kế có thể nhìn ra ngoài vườn, có cửa kính trong suốt để bạn nhìn ngắm khung cảnh ảo diệu mỗi khi tuyết rơi. Ở những điểm tham quan, người ta cho thiết lập những chiếc loa có phát ra tiếng nhạc du dương để du khách thực sự chìm đắm trong không khí cổ tích của khu làng. Những căn nhà xinh xắn như những mô hình đồ chơi nhỏ bé có ánh đèn đỏ ấm áp được chiêm ngưỡng từ một dãy hành lang dọc theo sườn núi.
Dẫu đêm xuống nhiệt độ càng thấp, nhưng du khách vẫn đi lại tấp nập và các hoạt động vẫn diễn ra náo nhiệt. Trên con đường chính dài chừng 500m tập trung nhiều hàng quán, nhà nghỉ, bảo tàng, quán cà phê… Buổi sáng ở ngôi làng, những luồng không khí lạnh mang những đám sương mù từ sườn núi chảy xuống ngôi làng như dòng suối mây, rừng thông lờ mờ ẩn hiện trong những đám sương mờ, từng căn nhà đang dần thức dậy và khói bốc lên trên những mái nhà cổ tích, những dòng sông băng tỏa hơi lạnh khắp ngôi làng.
Đến thưởng ngoạn làng tuyết cần chuẩn bị trang phục chống lạnh và chống nước cùng những đôi giày chống thấm. Bạn cũng phải mang theo các mỹ phẩm bổ sung nước cho da, kem dưỡng ẩm cho tay và chống nứt nẻ cho gót chân, son dưỡng môi. Đồng thời phải uống nhiều nước và một chiếc khẩu trang chống thấm sẽ giúp cổ họng bạn tránh viêm do hít không khí băng giá.
Để đến làng tuyết, bạn có thể bay đến thành phố Cáp Nhĩ Tân (Harbin) hoặc Mẫu Đơn Giang (Mudanjiang), rồi thuê xe đi đến ngôi làng. Chi phí dự tính cho chuyến đi 5 ngày 4 đêm:
Ngày 1: Bay từ Việt Nam đến Cáp Nhĩ Tân qua đêm. Visa Trung Quốc 1,5 triệu đồng; vé máy bay 12 triệu đồng (quá cảnh Bắc Kinh); khách sạn và ăn uống 1,5 triệu đồng.
Ngày 2: Thuê xe đến làng tuyết và ở qua đêm. Chi phí thuê xe 1,6 triệu đồng/ngày; vé vào cổng 500 ngàn đồng; khách sạn và ăn uống 2 triệu đồng.
Ngày 3: Tham quan ngôi làng và trượt tuyết. Vé trượt tuyết 800 ngàn đồng; khách sạn và ăn uống 2 triệu đồng.
Ngày 4: Khởi hành về Cáp Nhĩ Tân - dạo chơi trung tâm thành phố. Khách sạn và ăn uống: 1,5 triệu đồng.
Ngày 5: Bay về Việt Nam. Xe ra sân bay 350 ngàn đồng. Vé máy bay quá cảnh Quảng Châu 8 triệu đồng. Tổng chuyến đi dự trù khoảng 35 triệu đồng.
Chúc các bạn có một chuyến tham quan như ý.
Đêm xuống cả khu làng khoác lên mình một màu xanh đỏ huyền dịu cùng những dây đèn lấp lánh, những dây bắp vàng treo lủng lẳng trước nhà, những dãy lồng đèn đỏ trang trí, những đống củi ngoài vườn phủ đầy tuyết, những hàng rào bám tuyết hay ngoài vườn còn in hằn dấu chân tuyết của ai đấy vừa đi qua. |